Trong quy định
90-QĐ/TW năm 2017 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện
BCHTW, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, lần đầu tiên, Bộ Chính trị có những
quy định hết sức cụ thể và sát với thực tiễn hiện nay. Trong những qui định
này, tôi rất tâm đắc với qui định: Cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương,
Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải "tuyệt đối không tham vọng quyền lực",
"không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi". Rõ ràng, chúng ta đã thấy được việc
cụ thể hóa và hiện thực hóa việc Đảng ta thực hiện việc “nhốt quyền lực vào lồng
quy chế” để quản lý. Điều đó có ý nghĩa rất lớn trong giai đoạn hiện nay đặc biệt
là thời gian vừa qua, khi mà hàng loạt vụ án tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi
dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi trong một bộ phận cán bộ, thậm chí là cán bộ
cấp cao của Đảng, Nhà nước (Ủy viên TW, Ủy viên Bộ Chính trị,…) đã được đưa ra
ánh sáng. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế trọng điểm được phát hiện, xử lý theo
quy định của pháp luật. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, việc công khai các vụ
“đại án”; xử lý kỷ luật nghiêm cả cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, cả cán bộ
đương chức và cán bộ nghỉ hưu càng khẳng định không có “vùng cấm”, không có
chuyện “hạ cánh an toàn” trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Để công tác
phòng, chống tham nhũng ngày càng hiệu quả, thực chất, tạo niềm tin trong nhân
dân, từ đó làm trong sạch bộ máy quản lý nhà nước, việc hoàn thiện hệ thống
pháp luật với chế tài đủ mạnh giữ vai trò quan trọng. Công tác cán bộ được quan
tâm hơn bao giờ hết.
Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã khẳng định: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc",
"muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém". Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII đã xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm
kỳ 2016-2021 cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả, trong đó nhiệm
vụ đầu tiên là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ
cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Chỉ thị số
05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí
Minh” cũng nêu rõ, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong
cách Hồ Chí Minh là “một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng;
góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và
đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng
lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”
trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”.
Đây là quyết
tâm và nỗ lực của Đảng ta, thể hiện ý nghĩa cực kỳ lớn lao, là hồi chuông cảnh
tỉnh, là sự răn đe từ xa tới gần, từ trên xuống dưới đối với mọi cán bộ trong
thi hành công vụ, trong thực hiện nghĩa vụ với nhân dân và với chính vị trí bản
thân đang ngồi. Và đó sẽ là bước đi đột phá
trong công tác lãnh đạo của Đảng với những nỗ lực, quyết tâm không biết
mệt mỏi nhằm đưa quyền lực vào sự quản lý hiệu quả nhất.
Chúng ta đang
đi vào lộ trình chọn ra những người thực sự vì lý tưởng cao đẹp cho nền hòa
bình, cho sự giàu mạnh của dân tộc. Tuyệt đối không được vì những tư tưởng tầm
thường cá nhân mà “làm quan”, vì những quyền lợi nhỏ của bản thân mà vụ lợi. Điều
đó càng cho thấy quyết tâm “gạn đục - khơi trong” trong công tác cán bộ, một
công tác cơ bản, nguồn gốc của mọi công tác đặc biệt quan trọng, chiến lược mà
Đảng ta đang hướng tới thực hiện. Theo đó, những cán bộ này phải mẫu mực về phẩm
chất đạo đức, sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao
dung; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Tuyệt đối không tham vọng quyền lực,
có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc; là trung tâm đoàn kết, gương mẫu
về mọi mặt. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng “đầy cam go và phức tạp này”
đang được thực hiện với quyết tâm cao nhất, bắt đầu từ trên xuống, mà trước
tiên là từ các cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước. Điều này sẽ tạo thêm niềm tin
tưởng của nhân dân; kéo gần khoảng cách “nói đi đôi với làm”, không có “vùng cấm”
hay “né tránh”, bất kể ai vi phạm dù ở cương vị nào cũng đều bị xử lý nghiêm
minh theo đúng quy định của pháp luật. Từ đó cũng thấy được rằng những ai có những
tư tưởng vụ lợi cá nhân hãy thực sự tỉnh ngộ, hãy thực sự biết răn mình nhiều
hơn để có được sự tin yêu của nhân dân, để xứng đáng với vị trí công tác của
mình, trọng trách của bản thân đang mang trên người. Mặt khác, những ai đang có
triển vọng trở thành cán bộ thì phải thực sự soi mình vào đó xem bản thân có thực
sự xứng đáng hay không.
Có thể nói,
trong thời buổi nhiều vấn đề biến động lớn như hiện nay, đặc biệt vấn đề nội bộ
và các yếu tố về quyền lực đang thực sự chi phối nhiều mặt của xã hội thì quy định
trên đã cho nhân dân và cả đất nước thấy được sự quyết tâm cao độ, sự cụ thể
hóa và kết quả của quá trình làm việc, tích lũy, rút kinh nghiệm sâu sắc của Bộ
Chính trị, Ban Bí thư. Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng, có niềm tin sáng ngời
vào những hiệu ứng, những kết quả đầy tốt đẹp của việc thực hiện quy định chuẩn
xác, cần thiết và hiện thực này./.