Ngày 20/9 đánh dấu chặng đường 43 năm Việt Nam chính thức trở thành thành viên dưới “mái nhà chung” Liên hợp quốc (LHQ). Trên chặng đường đó, dấu ấn của Việt Nam ngày càng đậm nét với việc chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất đối với hoạt động của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh.
Ngay từ đầu khi tham gia LHQ, Việt Nam nhất quán quan điểm đề cao vai trò của LHQ và chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, quan hệ bình đẳng, hợp tác phát triển giữa các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc, phản đối hành động áp bức, xâm lược, cấm vận đơn phương trong quan hệ quốc tế. Đó cũng chính là những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam, quan trọng hơn, những cam kết này đã và đang được Việt Nam chứng tỏ bằng những hành động cụ thể trong suốt quá trình tham gia cơ chế đa phương này. Có thể thấy, quá trình thảo luận, thông qua các nghị quyết, tuyên bố quan trọng của LHQ về vấn đề hợp tác phát triển, giải trừ quân bị, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, bảo đảm quyền con người..., đều có sự tham gia đóng góp của Việt Nam. Việt Nam tham gia Công ước Cấm vũ khí hóa học (CWC) năm 1998, tham gia đàm phán và là một trong những nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) năm 1996, tham gia và trở thành thành viên của Hội nghị Giải trừ quân bị (CD) năm 1996...
Cùng với đó, Việt Nam cũng tích cực thực hiện các mục tiêu, chương trình hoạt động của LHQ và đạt kết quả tích cực. Việt Nam được LHQ và cộng đồng quốc tế đánh giá là một điển hình thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và là một quốc gia quyết tâm, nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy các sáng kiến cải tổ LHQ, đặc biệt được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu triển khai sáng kiến “Thống nhất hành động” của LHQ nhằm tăng hiệu quả hoạt động của LHQ ở cấp độ quốc gia.
Việt Nam cũng tham gia ngày càng chủ động và tích cực vào nỗ lực chung của LHQ trong việc giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, thúc đẩy quyền con người. Việt Nam tiếp tục hợp tác tích cực với các cơ chế LHQ về quyền con người, bảo vệ Báo cáo quốc gia theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) và các báo cáo thực thi công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Đáng chú ý, Việt Nam đang ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Trong lĩnh vực Gìn giữ hòa bình (GGHB) LHQ, Việt Nam đã cử 169 lượt sĩ quan, cán bộ tham gia Phái bộ LHQ ở Nam Sudan và Cộng hòa Trung phi, triển khai thành công Bệnh viện dã chiến cấp 2 tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan.
Với những đóng góp của mình, Việt Nam được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của LHQ và ghi được nhiều “dấu ấn Việt Nam” tại các cơ quan như tại HĐBA LHQ, Hội đồng Nhân quyền LHQ, Hội đồng Kinh tế-xã hội (ECOSOC).
Trong các vị trí mà Việt Nam đảm nhận ở các cơ quan của LHQ, nổi bật là Việt Nam hai lần được bầu vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021. Mặc dù lần đầu tiên tham gia vào cơ quan quan trọng nhất của LHQ về hòa bình, an ninh quốc tế trong bối cảnh HĐBA phải xử lý khối lượng công việc đồ sộ do xuất hiện nhiều vấn đề an ninh phức tạp, Việt Nam được đánh giá hoàn thành xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009. (Còn nữa)
Việt Nam ngày càng đước các nước đánh giá cao vì những thành quả đạt được và vì những đóng góp của Việt Nam trong HĐBA LHQ
Trả lờiXóaBạn nói rất chuẩn
Xóa