Cách mạng Tháng Mười Nga đã ghi vào lịch sử
thế giới hiện đại những trang chói lọi nhất. Đó là một cuộc cách mạng chưa từng
có trong thế kỷ XX, một cuộc cách mạng mở đầu “một sự nghiệp mới mẻ” - “sự
nghiệp sáng tạo ra một kiểu chế
độ nhà nước xưa nay chưa từng có”, “mở ra một thời đại mới trong lịch sử thế
giới”. Lịch sử nhân loại đã từng có không ít các cuộc cách mạng có ảnh hưởng
tới sự phát triển xã hội, song Cách mạng Tháng Mười Nga là một cuộc cách mạng
mang ý nghĩa lịch sử toàn cầu. Nó là cột mốc đánh dấu thời kỳ đấu tranh cách
mạng mới vì những mục tiêu của thời đại là hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ
và chủ nghĩa xã hội.
Ngay từ đầu thế kỷ XX, nước Nga đã chín muồi
các điều kiện khách quan, chủ quan và tình thế cho một cuộc cách mạng xã hội -
cuộc cách mạng của đông đảo công nhân, nông dân và trí thức, những lực lượng
không chỉ có yêu cầu lật đổ chế độ Nga Hoàng, xoá bỏ chế độ nông nô mà còn tiến
lên lật đổ nhà nước tư sản, thiết lập nhà nước xã hội chủ nghĩa. Cách mạng
Tháng Mười là một tất yếu lịch sử, vì lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại,
những khát vọng về một xã hội công bằng và bình đẳng của nhân loại đã “trở
thành một hiện thực trong xã hội, có sức mạnh vô cùng to lớn lôi cuốn hàng ngàn
triệu người vào hành động cách mạng vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và
tiến bộ xã hội”.
Cách
mạng Tháng Mười là thắng lợi vĩ đại không chỉ của giai cấp vô sản và nhân dân
các dân tộc Nga, mà còn là thắng lợi của giai cấp vô sản, của nhân dân lao động
và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. V.I.Lê-nin từng khẳng định: “Không
thể có bức tường ngăn cách giữa những chiến thắng của Cách mạng Tháng Mười và
những chiến thắng của cách mạng xã hội chủ nghĩa quốc tế”. Sự khẳng định đó đã
được thực tiễn chứng minh; thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, một thời đại mới
đã được mở ra. Nó tạo cơ hội cho nhân loại thực hiện bước quá độ lịch sử từ CNTB
lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới.
Cách mạng Tháng Mười Nga là mốc son đánh dấu
thời đại, là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi đầu tiên đó
chưa phải là thắng lợi cuối cùng, nhưng nó đã mở ra một thời đại mới, một sự
nghiệp mới trong lịch sử nhân loại - sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản và
nhân dân lao động toàn thế giới. Cách mạng Tháng Mười có vinh dự là đã bắt đầu
sự nghiệp ấy, còn “bao giờ và trong thời hạn nào thì những người vô sản nước
nào sẽ hoàn thành được sự nghiệp ấy, điều đó không quan trọng. Điều quan trọng,
chính là băng đã tan, đường đã mở, lối đã vạch ra rồi”.
Lịch sử thế giới sẽ mãi mãi ghi nhận ý nghĩa
to lớn của Cách mạng Tháng Mười - một cuộc cách mạng đã làm “rung chuyển thế
giới”, phá tung khâu yếu nhất của sợi dây chuyền đế quốc chủ nghĩa, mở đầu một
thời đại mới, hình thành một hình thái kinh tế - xã hội hoàn toàn mới, khác về
chất so với hình thái kinh tế - xã hội tư bản bản chủ nghĩa.
Cách mạng Tháng Mười Nga, nhân loại đã chứng
kiến nhiều biến động dữ dội trong đời sống chính trị của thế giới, trong đó, sự
đổ vỡ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu là sự kiện lớn nhất, bi
thảm nhất. Nó ảnh hưởng không tốt đến phong trào cộng sản quốc tế và sự nghiệp
cách mạng của các dân tộc đang đấu tranh cho hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ
và chủ nghĩa xã hội. Tổn thất này đã làm chậm bước tiến của chủ nghĩa xã hội
trên thế giới, song không thể vì thế mà phủ nhận ý nghĩa lịch sử vĩ đại của
Cách mạng Tháng Mười. Tổn thất nặng nề đó dẫu khiến cho cách mạng xã hội chủ
nghĩa thế giới rơi vào giai đoạn thoái trào, song không thể vì thế mà chủ nghĩa
xã hội bị coi là một “quái thai”, “dị dạng”, một xã hội không có khả năng phát triển;
còn cách mạng xã hội chủ nghĩa thì bị coi là cuộc cách mạng “cực đoan”, “bạo
loạn”, là cuộc cách mạng diễn ra “không theo đúng quy luật khách quan”, không
theo đúng tiến trình phát triển lịch sử - tự nhiên của xã hội loài người.
Cách mạng Tháng Mười, sau một thời gian xây dựng cho thấy,
Liên Xô đã có một nền khoa học hết sức phát triển, nhiều lĩnh vực đứng hàng đầu
thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ. Ngày 4-10-1957, Liên Xô
là nước đầu tiên trên thế giới đã phóng thành công vệ tinh nhân tạo của trái
đất. Ngày 12-4-1961, Liên Xô lại là nước đầu tiên đưa con người vào vũ trụ. Phi
công vũ trụ I.Ga-ga-rin đã thực hiện thành công chuyến bay quanh trái đất, mở
ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên chinh phục vũ trụ..
Điều rất đáng tiếc là, sau một thời gian phát
triển rực rỡ, sau những chiến công hiển hách trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ
đại, cũng như sau những thành tựu lớn lao trong phát triển kinh tế, xã hội, văn
hoá, khoa học - công nghệ, cường quốc xã hội chủ nghĩa tại chính quê hương Cách
mạng Tháng Mười lại lâm vào trì trệ, khủng hoảng nghiêm trọng và cuối cùng, chế
độ xã hội chủ nghĩa bị sụp đổ nhanh chóng.
Các thế lực thù địch của chủ nghĩa xã hội hí
hửng tuyên bố; nào là chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô sụp đổ có nghĩa là “lịch sử đã
kết thúc” với sự tồn tại vĩnh hằng của chủ nghĩa tư bản, như nhận định của
Fu-ku-y-a-ma; nào là chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản rồi đây chỉ “sẽ
được nhớ lại như một sự lầm lạc kỳ lạ nhất về chính trị và trí tuệ của thế kỷ
XX”, như tuyên bố của Brê-zin-xki... Họ không những tuyên bố mà kỳ vọng như
thế. Thực tiễn hơn một thập kỷ qua, lại không diễn ra như thế lực thù địch của
chủ nghĩa xã hội mong đợi.
Sự sụp đổ của chế độ xã
hội chủ nghĩa ở Liên Xô có nhiều nguyên nhân.
Nguyên nhân sâu xa liên
quan tới mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Khuyết tật lớn của mô hình xây dựng
chủ nghĩa xã hội của Liên Xô là đã tuyệt đối hoá cơ chế kế hoạch tập trung,
quan liêu, bao cấp, tuyệt đối hoá nguyên tắc tập thể, không chấp nhận một cách
chủ quan, duy ý chí sản xuất hàng hóa, cơ chế thị trường; thực hiện bao cấp
tràn lan…. chủ nghĩa giáo điều, xơ cứng trong tư duy lãnh đạo, sự “kiêu ngạo
cộng sản”, như V.I. Lê-nin đã cảnh báo, vẫn không được khắc phục. Những khuyết
điểm ấy dẫn tới chậm phát hiện các sai lầm chủ quan, duy ý chí. Do đó, công
cuộc cải tổ (pe-rê-xtrôi-ka) đã bị thất bại.
Nguyên nhân chủ yếu
và trực tiếp là, trong cải tổ, Đảng Cộng sản Liên Xô đã phạm sai lầm
nghiêm trọng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phản bội chủ nghĩa Mác - Lê nin,
trước hết ở một số người lãnh đạo cao nhất... Từ sự phân tích nguyên nhân sâu
xa và nguyên nhân chủ yếu, trực tiếp ở trên, chúng ta càng thấy rõ, việc sụp đổ
chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu là một tổn thất nặng nề, song không phải do
bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa Mác - Lê nin sinh ra. Vì vậy,
việc coi sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu là
sự kết thúc của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Mác - Lê nin là hoàn toàn vô căn
cứ, hoàn toàn trái với lý luận, thực tiễn hết sức phong phú, sinh động đã và
đang diễn ra trong đời sống chính trị của thế giới.
Ngay sau Cách mạng Tháng Mười, trước tình
hình nền kinh tế lạc hậu của nước Nga bị tàn phá nặng nề do ảnh hưởng của chiến
tranh thế giới thứ nhất (1914-1918); tiếp đến là do ảnh hưởng của nội chiến và
chiến tranh can thiệp của 14 nước đế quốc, V.I.Lê nin đã đề ra “Chính sách kinh
tế cộng sản thời chiến” nhằm khôi phục, phát triển nền kinh tế không còn phù
hợp. V.I.Lê-nin đã đề ra “Chính sách kinh tế mới” (NEP). Nhờ thực hiện chính
sách này mà chỉ trong một thời gian ngắn, nền kinh tế nước Nga được khôi phục
nhanh chóng và đạt nhiều thành tựu mới. Nhưng sau khi V.I.Lê nin qua đời, đường
lối đúng đắn này không được tiếp tục thực hiện.
Những chỉ dẫn của V.I. Lê nin rất quan trọng
về cả mô hình, bước đi cụ thể để giành thắng lợi cho chủ nghĩa xã hội. Nhưng
rất đáng tiếc, tại chính quê hương của ông - quê hương Cách mạng Tháng Mười,
những chỉ dẫn đó không những không được quán triệt để thực thi mà còn bị phản
bội, thậm chí bị bôi nhọ, lên án. Hơn thế, những kẻ phản bội chủ nghĩa Mác - Lê
nin và chủ nghĩa xã hội còn cho rằng, thời kỳ Liên Xô là một thời kỳ đen tối
của lịch sử...
Cách mạng Tháng Mười khẳng định xu thế phát
triển tất yếu của thời đại chúng ta là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, mặc
dù con đường phát triển đó vô cùng quanh co, phức tạp. Đi theo con đường của
Cách mạng Tháng Mười, dân tộc Việt Nam đã làm nên Cách mạng Tháng Tám, mở ra kỷ
nguyên mới cho đất nước - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Dưới
sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã đánh thắng các cuộc
chiến tranh xâm lược của các đế quốc sừng sỏ ở thế kỷ XX, nêu gương sáng cho sự
nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người cộng sản Việt Nam đầu tiên đến với chủ nghĩa
Mác-Lê-nin, đã khẳng định: “Cách mạng Tháng Mười mở ra con đường giải phóng cho
các dân tộc và cả loài người, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử, thời đại
quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới”.
Dưới ngọn cờ của Cách mạng Tháng Mười, Đảng
Cộng sản Việt Nam, một Đảng giàu tinh thần cách mạng, sáng tạo, gắn bó mật
thiết với nhân dân, luôn luôn là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với sự
nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Trong những thời điểm phong trào xã hội chủ
nghĩa, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có sự khủng hoảng, chế độ xã
hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Đảng ta vẫn vững vàng lãnh đạo nhân
dân ta thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, vượt qua thách thức đưa công cuộc
xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ đất nước tiến lên một cách vững chắc.
Đắc Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét