Cách đây 70 năm, sau chiến thắng
Việt Bắc (Thu - Đông 1947), theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày
27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương đã ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua
ái quốc, và ngày 11/6/1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”,
để “… kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc mau thành công”. Cùng với đồng bào cả
nước, hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Quân đội
nhân dân Việt Nam đã dấy lên phong trào hành động cách mạng, hăng hái thi đua
giết giặc lập công của những cá nhân mỗi cán bộ, chiến sĩ và của từng cơ quan,
đơn vị. Từ đó đến nay, phong trào thi đua yêu nước trong quân đội đã thực sự trở
thành động lực tinh thần to lớn cho sự tỏa sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng của
các cá nhân, tổ chức trong tất các hoạt động: chiến đấu, huấn luyện, học tập
công tác và lao động sản xuất xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong những năm qua, lãnh đạo, chỉ
huy các cấp, các cơ quan, đơn vị trong quân đội đã có nhiều chủ trương, biện
pháp thích hợp để duy trì tính ổn định và bảo đảm sự phát triển bền vững phong
trào thi đua trong toàn quân đáp ứng yêu cầu mới, thực hiện mục tiêu thi đua mà
Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu cách đây 70 năm. Song để phong trào thi
đua yêu nước trong quân đội mãi mãi là động lực tinh thần to lớn, thúc đẩy toàn
quân tiếp tục tiến lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân
dân giao phó, chúng ta cần tập trung làm tốt một số việc sau đây:
Thứ nhất, tiến hành thật tốt công
tác tuyên truyền, giáo dục động cơ thi đua.
Thi đua là hành động tự giác
không chỉ một con người, mà là của mọi người; do đó, để hướng hành động của cả
khối người vào hành động cách mạng với ý nghĩa là để “ai cũng thi đua, ai cũng
tham gia kháng chiến và kiến quốc”, phải tiến hành thật tốt việc tuyên truyền,
giáo dục về động cơ thi đua. Thi đua khác ganh đua, càng khác cạnh tranh kinh tế.
Vì vậy, việc tuyên truyền, giáo dục động cơ thi đua yêu nước cần phải được tiến
hành một cách khoa học, thường xuyên, liên tục, cách làm phù hợp với từng đối
tượng và các điều kiện khác nhau về cơ sở vật chất được sử dụng, sát với nhiệm
vụ thực tiễn cá nhân và đơn vị được giao... Không nhận thức rõ vị trí, vài trò
của khâu công tác này có thể thi đua có “phát” mà không “động” hoặc phong trào
thi đua sẽ “đầu voi, đuôi chuột”. Những vấn đề được nêu trên đây không là ngoại
lệ với phong trào thi đua quyết thắng trong quân đội ta hiện nay.
Thứ hai, nêu cao vai trò tiền
phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối tượng
trực tiếp của phong trào thi đua yêu nước là mọi người dân Việt Nam “... bất kỳ
già trẻ, trai gái; bất kỳ giầu nghèo, lớn nhỏ” đều phải thi đua, “phải trở nên
một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận: quân sự, kin tế, chính trị, văn hóa”. Người
không nhắc đến cán bộ, đảng viên nhưng cần nhớ rằng: thi đua cũng như mọi hoạt
động cách mạng khác, tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên
bao giờ cũng giữ vai trò quyết định, vì “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”,
cán bộ nào phong trào ấy. Do đó, trong phong trào thi đua yêu nước nhất định đội
ngũ cán bộ, đảng viên phải đi đầu.
Vì chủ thể của phong trào thi đua
yêu nước cũng là con người, sản phẩm của hoạt động thi đua yêu nước là hành động
cách mạng trong lao động sản xuất, chiến đấu và công tác. Muốn mọi người nêu
cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cán bộ, đảng viên phải đi trước. Không thể có
phong trào thi đua nếu cán bộ, đảng viên, đặc biệt là lãnh đạo, chỉ huy, những
chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp lại đứng ngoài cuộc. Tệ hại hơn
là đội ngũ đó sa vào chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, suy thoái về phẩm chất đạo
đức, lối sống, mất niềm tin trong đơn vị.
Thứ ba, thực hiện tốt việc động
viện, biểu dương, khen thưởng.
Tính mạnh mẽ, bề rộng, chiều sâu
và tính bền vững của phong trào thi đua yêu nước phụ thuộc quan trọng vào công
tác động viên, khen thưởng đối với những điển hình tiên tiến, chúng là một
trong những đòn bẩy quan trọng nhất. Muốn có phong trào thi đua như Bác Hồ đã
xác định phải “Người người thi đua, ngành ngành thi đua” và đó là “...bổn phận
của người dân Việt Nam... sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều
cần phải thi đua”, tất thảy đều thi đua. Do đó, việc biểu dương, khen thưởng phải
làm sao để mọi thành phần, mọi giới tính, mọi người đều cảm nhận được mình đã
thi đua thực sự và được đất nước, xã hội ghi nhận công lao đóng góp của họ.
Trong quân đội, phải tìm thấy được những gương sáng, điển hình tiên tiến từ chiến
sĩ đến chỉ huy, từ cán bộ lãnh đạo đến người chiến sĩ nuôi quân, ý tá... để mọi
người đều thấy mình thực sự có đóng góp cho đất nước, được đơn vị ghi nhận, vì
thế mà tiếp tục hăng hái thi đua.
Thư tư, nâng cao chất lượng hoạt
động thông tin tuyên truyền và sử dụng có hiệu quả các phương tiện truyền thông
để thúc đẩy phong trao thi đua yêu nước.
Cũng như mọi lĩnh vực khác thuộc
đời sống tinh thần của xã hội, để thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước đi vào
chiều sâu và thực chất thì việc tuyên truyền cổ vũ các gương sáng, điển hình
tiên tiến để mọi người học tập và noi theo là một trong những công việc có vai
trò hết sức quan trọng. Do đó, phải làm thật tốt hoạt động này; cần nâng cao chất
lượng việc sử dụng các phương tiện truyền thông để thúc đẩy phong trào thi đua
yêu nước. Tăng cường việc nghiên cứu, trang bị và sử dụng các phương tiện, thiết
bị kỹ thuật hiện đại và thích hợp với điều kiện thực tế của từng cơ quan, đơn vị
trong tuyên truyền, cổ vũ cho phong trào thi đua yêu nước trong quân đội./.
Để thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước đi vào chiều sâu và thực chất thì việc tuyên truyền cổ vũ các gương sáng, điển hình tiên tiến để mọi người học tập và noi theo là một trong những công việc có vai trò hết sức quan trọng.
Trả lờiXóa