Sau thất bại Tết Mậu Thân năm 1968, Mỹ buộc phải ngừng
ném bom từ Ninh Bình trở ra phía Bắc và ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam tại
Paris. Cuộc đàm phán giữa đoàn đại biểu Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức bắt đầu
ngày 13/5/1968 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở đường Kleber, Paris đánh dấu một
giai đoạn mới của cuộc chiến tranh Việt Nam, đọ sức trên mặt trận ngoại giao, mở
ra cục diện “vừa đánh vừa đàm”.
Địa điểm tổ chức hội đàm được chọn là thành phố
Paris, thủ đô nước Cộng hòa Pháp. Thời gian đàm phán kéo dài từ tháng 5/1968 đến
tháng 1/1973. Để tránh áp lực của các nước đồng minh, tránh sự can thiệp của
các cường quốc khác, Việt Nam chỉ chấp nhận đàm phán tay đôi giữa Việt Nam Dân
chủ cộng hòa với Hoa Kỳ, sau mở ra thành hội nghị bốn bên, thêm Việt Nam Cộng
hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Việc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa là việc phải xảy ra khi cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam không thể giải
quyết bằng quân sự. Những thắng lợi vang dội trên chiến trường của Việt Nam, đặc
biệt là cuộc đụng đầu lịch sử trong 12 ngày đêm của trận “Điện Biên Phủ trên
không” là đòn quyết định buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh tại
Việt Nam.
Như đã ấn định trước, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế
tại Paris, vào lúc 11 giờ trưa ngày 27/1/1973, lễ ký kết chính thức Hiệp định Paris
khai mạc. Tham gia buổi lễ ký kết gồm có bốn phái đoàn của bốn bên, các thành
viên của Ủy ban Quốc tế kiểm soát và giám sát.
Đại diện của bốn bên, gồm Bộ trưởng Ngoại giao nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh; Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ
Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình; Bộ trưởng Ngoại
giao Hoa Kỳ William P.Rogers và Trần Văn Lắm- Tổng trưởng Ngoại giao
chính quyền Sài Gòn, cùng ký tên vào bản văn Hiệp định Paris về chấm dứt chiến
tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Điểm cơ bản của Hiệp định Paris đã được ký kết như: Hoa Kỳ và các
nước khác tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam như được công nhận bởi Hiệp
định Genève. Ngưng bắn trên toàn Việt Nam sẽ bắt đầu từ 27/1/1973. Trong vòng
60 ngày, sẽ có cuộc rút lui hoàn toàn của quân đội Mỹ và đồng minh ra khỏi Nam
Việt Nam. Hoa Kỳ sẽ không tiếp tục can thiệp quân sự vào các vấn đề nội bộ
của Việt Nam...
Hiệp định Paris được ký ngày 27-1-1973 là thắng lợi
vĩ đại của nhân dân Việt Nam anh hùng sau 30 năm tiến hành chiến tranh giải
phóng dân tộc, nhất là sau hơn 18 năm kiên trì chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, vượt
qua muôn vàn hy sinh gian khổ và ghi lại những trang rực rỡ nhất trong lịch sử
dân tộc.
Đây là thắng lợi vĩ đại của tinh thần "không có gì quí hơn độc lập tự do" của sức mạnh đoàn kết dân tộc. Là thắng lợi rực rỡ của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, của đường lối chính trị, quân sự và ngoại giao đứng đắn, sáng tạo của Đảng ta.
Trả lờiXóaBạn nói quá chuẩn
Xóa