Có vẻ như một "cuộc đấu công hàm lên LHQ" đang bắt đầu bùng nổ sau những hành động đơn phương, coi thường pháp luật và các chuẩn mực quốc tế mà Bắc Kinh ngang nhiên tiến hành trên Biển Đông.
"Trong một bức thư gửi Tổng thư ký LHQ hồi tuần trước, Indonesia đã bác bỏ các yêu sách vô lý và trái với luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông. Công hàm mà Indonesia trình lên LHQ hôm 26-5 đã đề cập đến 3 công hàm trước đó của Trung Quốc và bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh về vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa đối với các thực thể tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), đồng thời lặp lại rằng đường chín đoạn (hay còn gọi là đường lưỡi bò) bao hàm yêu sách về các quyền lịch sử, là thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và đi ngược lại với Công ước quốc tế của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)", bài báo có đoạn viết.
Hôm 31/5, quyền phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah cũng xác nhận thông tin này và kêu gọi Trung Quốc tuân thủ hoàn toàn luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Tổng Gíam đốc Luật quốc tế và điều ước quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia Damos Agusman khi trả lời phỏng vấn tờ Jakarta Post cho biết thêm, Indonesia cần nhắc lại quan điểm của mình và trình bày với LHQ vì Trung Quốc đã công khai đưa ra các yêu sách lãnh thổ của mình mà trong đó chính quyền Jakarta phát hiện là có yêu sách đối với vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
"Đây hoàn toàn là vấn đề quyền sở hữu", ông Damos Agusman nói và tiết lộ, Indonesia đã chối các nỗ lực của Trung Quốc để đưa nước lên bàn đàm phán về khả năng chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế ở biển Bắc Natuna.
"Thực tế, hồi đầu năm nay, Indonesia và Trung Quốc đã có những căng thẳng ngoại giao khi lực lượng bảo vệ bờ biển và tàu cá Trung Quốc hoạt động ở vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia tại biển Bắc Natuna, giáp biên giới Việt Nam và Malaysia. Không giống như lãnh hải và liên kết của chúng với chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế bao gồm các vùng biển quốc tế cách bờ biển của một quốc gia 200 hải lý và trao quyền độc quyền cho quốc gia ven biển để khai thác tài nguyên biển ở khu vực được chỉ định, theo UNCLOS 1982. Quyền này của Indonesia đã được UNCLOS 1982 trao", ông Damos Agusman thông tin thêm.
Trong khi đó, tại cuộc họp báo trực tuyến hôm 4/6, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi chỉ rõ: “Các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Chính phủ Indonesia luôn nhất quán trong lập trường của mình. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế mọi hành động có thể làm xói mòn lòng tin lẫn nhau và có khả năng leo thang căng thẳng trong khu vực, khi các cuộc đàm phán cho một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông đang được tiến hành".
Thực tế, công hàm của Indonesia chỉ là phản ứng mới nhất trong số các công hàm mà các quốc gia ASEAN và Trung Quốc gửi lên LHQ sau công hàm của Malaysia hồi tháng 12 năm ngoái về việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với thềm lục địa ở Biển Đông. Khi đó, Malaysia đã đệ trình lên Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa về thềm lục địa mở rộng của nước này tại Biển Đông-một động thái mà Bắc Kinh đã ngay lập tức phản đối tại LHQ. Đây là một đệ trình cá nhân của Malaysia, sau khi Việt Nam và Malaysia đã đệ trình chung vào năm 2009.
Sau đó chưa đầy 3 tháng, Philippines cũng trình công hàm phản đối công hàm của Trung Quốc và một công hàm phản hồi công hàm của Malaysia. Động thái này của Manila cũng nhận được công hàm phản đối từ Bắc Kinh.
Ngày 30/3, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ trình công hàm phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông với lập luận rõ ràng rằng, các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông. 10 ngày sau, Việt Nam tiếp tục gửi thêm một công hàm nữa lên LHQ, để khẳng định lập trường trong vấn đề Biển Đông, trong đó có đề cập đến công hàm của Malaysia và của Philippines.
Đáp trả lại, Trung Quốc trình Tổng thư ký LHQ công hàm phản ứng các công hàm của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các yêu sách chủ quyền phi lý trên Biển Đông.
Tờ Washington Times đưa tin: "Đại sứ Kelly Craft đã phản đối yêu sách của Trung Quốc về cái gọi là “các quyền lịch sử” trên Biển Đông vì yêu sách này vượt quá những quyền trên biển mà Trung Quốc có thể đòi hỏi dựa trên luật quốc tế như được phản ánh trong UNLOS 1982; đồng thời lưu ý rằng Tòa trọng tài Quốc tế đã ra phán quyết hồi năm 2016 khẳng định yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp. Phán quyết trọng tài là quyết định cuối cùng và có tính ràng buộc với Trung Quốc và Philippines". Chưa hết, ngày 2/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã khẳng định các yêu sách hàng hải về Biển Đông của Trung Quốc là “phi pháp và nguy hiểm”...
Tờ Politico phân tích rằng, những gì đang diễn ra được xem là tiếng nói chính thức của Mỹ, và là sự tiếp nối của một loạt công hàm phản đối Trung Quốc tại LHQ về vấn đề Biển Đông.
"Dư luận trong thời gian gần đây nhìn chung đều nhận định Trung Quốc đã có nhiều hành động "bắt nạt" các nước láng giềng liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam, Philippines và Malaysia. các hành động của Trung Quốc có thể làm gia tăng bất ổn an ninh trong khu vực, thậm chí có thể khiến căng thẳng leo thang. Và các nước không thể đứng nhìn sự an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông-tuyến đường giao thương hàng hải huyết mạch của thế giới bị xâm phạm", ông Derek Grossman, chuyên gia cao cấp của Trung tâm chính sách châu Á-Thái Bình Dương thuộc Tập đoàn RAND (Research And Development) nói.
Không một Quốc gia nào có thể tùy tiện áp đặt bất kì điều gì trên lãnh thổ chủ quyền Việt Nam. Việt Nam kịch liệt lên án và kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.
Trả lờiXóaBạn nói rất đúng, tôi hoàn toàn ủng hộ
Xóa