Sau liên tiếp
những âm mưu và hành động chống phá Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của
Đảng của các thế lực thù địch thất bại khiến chúng càng trở lên ngông cuồng,
hung hăng và trắng trợn hơn bao giờ hết. Vẫn tiếp tục với các chiêu trò cũ
rích, kẻ thù tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá ta thông qua việc tuyên
truyền, xuyên tạc làm nhũng nhiễu thông tin, gây hoang mang dư luận, phá vỡ khối
đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo tiền đề phá hoại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội
khóa XV sắp tới.
Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV là sự
kiện chính trị vô cùng quan trọng diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và
toàn quân ta đang nỗ lực triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Tiếp nối
với việc tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp vừa qua, tổ chức tốt cuộc bầu
cử lần này sẽ là dịp để chúng ta tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam “của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân
dân”. Vì vậy, bầu cử đại biểu Quốc hội mang ý nghĩa hết sức to lớn để chúng ta
lựa chọn, bầu ra những người thực sự tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, uy tín
đại diện xứng đáng cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân tham
gia vào Quốc hội.
Để phá hoại cuộc bầu cử này, kẻ thù
đang đẩy mạnh các hoạt động rêu rao, tuyên truyền những luận điệu xuyên tạc,
phản động trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước như: “Cơ
chế Đảng cử, dân bầu là không bảo đảm dân chủ trong bầu cử”; “Quốc hội qua các
nhiệm kỳ chưa làm tròn chức trách là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước,
phần lớn đại biểu chỉ là cơ cấu để bấm nút bỏ phiếu, chưa thể hiện được tiếng
nói và nguyện vọng của đông đảo quần chúng Nhân dân”; “Tổ chức bầu cử như hiện
tại chỉ gây lãng phí tiền của Nhân dân”; “Cuộc bầu cử này là không chính danh,
chỉ là hội nghị Đảng Cộng sản mở rộng”; “Cuộc bầu cử chỉ do Đảng độc diễn,
người dân không có vai trò gì”; “Cuộc bầu cử không có gì mới so với trước đây”;
Đảng “phân biệt đối xử với người tự ứng cử”; “Việc quy định con số và tỷ lệ đại
biểu do Đảng áp đặt là tùy tiện, trái Hiến pháp”.... Chính vì vậy, chúng kêu
gọi bỏ “Đảng cử, dân bầu”, mở rộng đường cho việc tự ứng cử, tự vận động, tranh
cử công khai để cử tri lựa chọn...
Khi mới nghe, nếu không trên cơ sở thế
giới quan khoa học, phương pháp luận biện chứng, nhân sinh quan cách mạng thì
chúng ta rất dễ rơi vào trạng thái mơ hồ, ảo tưởng, cho rằng những luận điệu
trên là “hợp lý”. Song, mỗi công dân Việt Nam hơn bao giờ hết cần phải có lập
trường, quan điểm rõ ràng, hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, cảnh giác nghiên cứu,
xem xét bản chất sâu sa vấn đề mà kẻ thù đang tuyên truyền để giữ vững niềm
tin, hành động quyết liệt, không để lung lay ý chí.
Những luận điệu trên của kẻ thù thực sự
hết sức phản động, thâm độc nhằm đánh lừa và hướng dư luận ủng hộ cho những mưu
toan của chúng. Phải khẳng định rằng: Nước ta là nước dân chủ, mọi quyền hành,
lực lượng đều ở nơi dân, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân. Điều này
đã được chứng minh cả về mặt lý luận và thực tiễn. V.I.Lênin khẳng định: “Với
việc phát triển chế độ dân chủ một cách đầy đủ, nghĩa là với việc làm cho toàn
thể quần chúng nhân dân tham gia thực sự bình đẳng và thực sự rộng rãi vào mọi
công việc của nhà nước”. Quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng đó vào điều
kiện, hoàn cảnh của Việt Nam, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định
trong phần mở đầu khi viết tác phẩm “Dân vận” (1949): “Bao nhiêu lợi ích đều vì
dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách
nhiệm của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn
thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực
lượng đều ở nơi dân”. Thấm nhuần những tư tưởng trên, Đảng Cộng sản Việt Nam từ
khi lãnh đạo, nền dân chủ ở Việt Nam ngày càng được củng cố, hoàn thiện và phát
triển, nhất là giai đoạn hiện nay: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa,
bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương
của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng,
quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, được Nhân dân tham gia ý kiến. Dân
chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời
sống xã hội”.
Việc bầu cử đại biểu Quốc hội ở nước ta
đã diễn ra được 14 khóa, từ khóa đầu tiên (6/01/1946) đến nay đều được tiến
hành một cách dân chủ, công khai bảo đảm đúng
quy trình, thủ tục, nguyên tắc và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Điều này đã
được hiến định rõ ràng trong Hiến pháp năm 2013 (tại Điểm 1, Điều 4):
“Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là
đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung
thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy
Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực
lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh
đạo Nhà nước và xã hội thì đương nhiên đối với cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các
cấp, sự kiện chính trị quan trọng hàng đầu để xây dựng chính quyền nhân dân thì
sự lãnh đạo của Đảng là tất yếu. Chính sự lãnh đạo đó sẽ giúp cho quá trình bầu
cử tốt hơn, đúng Hiến pháp và pháp luật, phát huy được vai trò của toàn Đảng,
toàn dân và của cả hệ thống chính trị.
Trở lại vấn đề xuyên tạc cuộc bầu cử
đại biểu Quốc hội khóa XV ở Việt Nam hiện nay, một căn cứ vô cùng quan trọng mà
kẻ thù đang cố tình phớt lờ những quy định của pháp luật về quyền bầu cử và ứng
cử là những quyền chính trị cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp -
đạo luật có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật của Nhà nước
ta.
Hơn nữa, cuộc bầu
cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là kỳ bầu cử đầu tiên mà chúng ta có
một hệ thống thiết chế pháp luật phục vụ cho công tác bầu cử hoàn thiện nhất
trong lịch sử 75 năm của Quốc hội nước ta. Chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc
hội khóa XV, trong Hiến pháp năm 2013 (tại Điều 27) của nước ta quy định: “Công
dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử
vào Quốc hội, HĐND”. Luật Bầu cử số 85/2015/QH13 ở Việt Nam (tại Điều 2) quy
định: “Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng
cử vào Quốc hội, HĐND các cấp theo quy định của
Luật này”. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp năm 2015
(tại Khoản 5, Điều 4) quy định “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hiệp thương
lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp;
tham gia giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các
cấp”.
Như vậy, mọi công
dân đều có quyền ứng cử và bầu cử theo luật định. Việt Nam không hạn chế quyền ứng cử tự do của
công dân như kẻ thù đang rêu rao trên nhiều trang mạng. Nếu mỗi người trong
chúng ta tự xét thấy mình đủ đức, đủ tài, đủ sức ra gánh vác công việc chung
của đất nước thì đều có quyền tự ứng cử. Bầu cử đại biểu Quốc hội không chỉ là
quyền lợi mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm nặng nề của mỗi công dân nhằm mục
đích lựa chọn cho mình những người đại diện và trao quyền cho họ thay mặt
mình quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước.
Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và
toàn quân ta đang nỗ lực đoàn kết thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, chúng ta
hướng đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 sắp tới như
ngày hội của toàn dân với tinh thần phấn khởi, tự hào để thông qua lá phiếu có
trách nhiệm của mình lựa chọn những đại biểu thực sự có đức, có tài đại diện
cho lợi ích, ý chí, nguyện vọng của Nhân dân xứng đáng là nơi gửi gắm niềm tin
của cử tri cả nước vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công
bằng, văn minh”./.
Có thể thấy, các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, chống phá trước thềm Đại hội Đảng của các đối tượng thù địch rất đa dạng; do đó chúng ta phải luôn tỉnh táo, cảnh giác và đấu tranh vạch trần các luận điệu xuyên tạc của bọn chúng.
Trả lờiXóa