H136 - Hiện nay, khi internet và điện thoại thông minh có chức năng kết
nối 3G, 4G trở thành vật bất ly thân của mỗi người, những kẻ chống phá đất nước
triệt để lợi dụng bằng các chiêu trò tạo dựng, phát tán các thông tin, hình ảnh
giả tạo, sai lệch, biến có thành không, không thành có, thật giả lẫn lộn, từ đó
lôi kéo, hướng lái dư luận ngả theo quan điểm sai trái, thù địch.
Hành vi xâm phạm an ninh,
chủ quyền quốc gia trên không gian mạng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy
hiểm, các đối tượng lập và sử dụng hàng ngàn website, blog, mạng xã hội, diễn
đàn trực tuyến (như trang “Quan làm báo”, “Dân làm báo”, “Châu Xuân Nguyên”,
“Anh Ba Sàm”, “Tin tức hàng ngày”, “Tạp chí sự thật”, “Người buôn gió”…). Chúng
liên tục mở các chiến dịch tuyên truyền chống phá Việt Nam theo một số phương
thức chủ yếu như: Tuyên truyền phá hoại tư tưởng, tấn công chia rẽ nội bộ,
xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ
trang; kêu gọi tập hợp lực lượng, hình thành và công khai hóa tổ chức chính trị
đối lập trá hình trên không gian mạng; sử dụng Internet để công khai bày tỏ
quan điểm đối lập, đòi đa nguyên, đa đảng, từ đó lôi kéo, phát triển lực lượng
và hoạt động chống phá; lợi dụng các vấn đề nhạy cảm chính trị xã hội, vụ việc
phức tạp thu hút sự quan tâm của quần chúng để kích động biểu tình, gây bất ổn
về an ninh, trật tự, tìm thời cơ tiến hành “cách mạng đường phố” tại Việt Nam.
Một trong những phương thức mà các đối tượng gia tăng hoạt động
chống phá trên mạng internet trong thời gian gần đây là xuyên tạc, bôi nhọ, hạ
uy tín các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, cụ thể là Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị
Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt của cơ
quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo một số địa phương.
Bằng các bài viết xuyên tạc, đả kích, âm mưu của chúng nhằm phá hoại nội bộ hòng
gây chia rẽ trong lãnh đạo cấp cao, tác động tiêu cực tới nhận thức, quan điểm,
tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, gây tâm lý hoang mang,
hoài nghi và làm suy giảm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Thủ đoạn
chủ yếu là giả mạo, cắt xén, ngụy tạo bằng chứng để vu cáo; sử dụng thông tin
cũ với những luận điệu mới; lợi dụng những vấn đề chính trị, thời sự để tung
tin thất thiệt, tạo dư luận xấu; từ các vụ việc tiêu cực, tham nhũng để quy
chụp do đường lối của Đảng, Nhà nước và chế độ. Các đối tượng đặt tên trang
mạng, blog và đặt các tiêu đề, tên bài với ngôn từ giật gân, kích thích tính tò
mò của người đọc, người xem, đăng tải tin, bài viết, video clip có nội dung
phản động, thật giả lẫn lộn. Gia tăng liên kết để đưa thông tin, bài viết, bình
luận, tập trung khoét sâu một chủ đề hoặc trích dẫn, đăng lại bài viết của nhau
nhằm làm tăng hiệu quả tuyên truyền phá hoại tư tưởng. Tận dụng tối đa sơ hở
trong quản lý truyền thông thế hệ mới (mạng 3G, 4G…), khai thác triệt để ưu thế
của các ứng dụng cung cấp nội dung cho người sử dụng Internet (Over The Top –
OTT) để tán phát tin bài, tác phẩm, tài liệu có nội dung chống Việt Nam; kết
hợp giữa viễn thông và Internet bằng cách đưa thông tin xấu lên mạng, sau đó tổ
chức thành chiến dịch nhắn tin thông báo đến các đồng chí lãnh đạo cấp cao
Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ đầu năm 2016 đến nay đã
phát hiện gần 800 tài khoản facebook, gần 300 kênh Youtube do các đối tượng
chống đối trong và ngoài nước quản trị thường xuyên đăng tải thông tin xuyên
tạc, bịa đặt nhằm công kích, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tung tin thất
thiệt gây hoang mang dư luận về vấn đề chính trị, kinh tế Việt Nam. Như vụ
Nguyễn Chí Khương (23 tuổi, trú tại Bến Tre) quay và đăng tải lên Facebook đoạn
clip bịa đặt “đoàn xe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về thăm Bến Tre”.
Clip cho thấy sự xuyên tạc trắng trợn khi trong ngày hôm đó (27-10-2016), đồng
chí Nguyễn Thị Kim Ngân đang điều hành phiên họp Quốc hội tại Hà Nội, thế mà
cùng ngày, giờ Khương lại dựng chuyện Chủ tịch Quốc hội thăm Bến Tre với dàn xe
hộ tống (hơn 50 xe). Thực chất, clip mà Khương đã quay và tải lên mạng xã hội
là đoàn xe của các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và đơn vị chức năng của
tỉnh Bến Tre tham gia diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2016.
Thể hiện rõ hơn là vụ đối tượng Nguyễn Danh Dũng (29 tuổi, trú tại
TP Thanh Hóa), là chủ tài khoản và quản trị, điều hành kênh Youtube “ThienAn
TV”, đăng tải video có tiêu đề xuyên tạc, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng,
Nhà nước và tán phát trên mạng Internet. Kết quả điều tra ban đầu, Nguyễn Danh
Dũng khai nhận đã tạo lập và quản trị các tài khoản Youtube ThienAn TV;
Facebook “ThienAn”, “quachthienan”; blog “tinhhinhdatnuocvietnam.blogspot.com”.
Qua đấu tranh cho thấy, việc các đối tượng trong nước đăng tải
thông tin bịa đặt, xuyên tạc có nguyên do tư lợi cá nhân, thiếu hiểu biết. Đồng
thời, các đối tượng phản động bên ngoài tìm cách lôi kéo, câu nhử để các đối
tượng trong nước trực tiếp hoặc tham gia quản trị, điều hành các trang blog, facebook,
youtube có nội dung xấu; thu thập thông tin để biên tập, gửi bài viết cho đối
tượng bên ngoài đăng tải. Nhiều người sau khi được giáo dục đã kịp tỉnh ngộ,
nhận rõ phải trái, cam kết không tái phạm. Song một số đối tượng do bị tiêm
nhiễm tư tưởng độc hại, khi bị bắt, xử lý vẫn có thái độ bất hợp tác, vu cáo
Nhà nước ta “đàn áp dân chủ, nhân quyền”.