Ngày 28-3-1935, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất ra “Nghị quyết về đội
tự vệ” được coi là ngày thành lập Dân quân tự vệ Việt Nam. Từ năm 1935 đến năm
1945, các đội tự vệ ở cả nông thôn và thành thị ra đời, làm nòng cốt cho quần
chúng thực hiện vũ trang khởi nghĩa, tiến hành chiến tranh du kích, xây dựng và
mở rộng các căn cứ địa. Đội du kích Bắc Sơn sau đổi tên thành Đội Cứu quốc quân
Bắc Sơn được Trung ương Đảng trực tiếp thành lập và chỉ đạo ngay sau cuộc khởi
nghĩa Bắc Sơn; là đội quân vũ trang tuyên truyền của Đảng – một trong những đội
vũ trang tiền thân của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Hoạt động của
Đội du kích Bắc Sơn giữ vai trò hết sức quan trọng trong quá trình xây dựng, củng
cố và phát triển căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai, một trong những căn cứ địa chiến
lược của cách mạng Việt Nam.
Ngày 27-9-1940, dưới sự lãnh đạo của đảng bộ địa
phương, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) diễn ra thắng lợi, là tiếng
súng báo hiệu bước chuyển giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam: Từ đấu tranh
chính trị tiến lên khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân. Tiếng
vang của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã thức tỉnh, lay động mạnh mẽ tinh thần và ý
chí cách mạng của nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn và cả nước. Sau khi cuộc
khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ, Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc kỳ cử đồng chí Trần Đăng
Ninh, Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ lên Bắc Sơn nắm tình hình và tiếp tục
chỉ đạo phong trào quần chúng cách mạng tại đây.
Trước tình hình
thực dân Pháp huy động lực lượng ráo riết đàn áp cuộc khởi nghĩa và phong trào
quần chúng cách mạng ở Bắc Sơn, ngày 29-10-1940, đồng chí Trần Đăng Ninh họp
bàn với ban chỉ huy cuộc khởi nghĩa, đề ra nhiệm vụ và biện pháp bảo toàn lực
lượng, duy trì phong trào cách mạng ở Bắc Sơn, đó là: Rút toàn bộ cán bộ, đảng
viên đã bị lộ cùng du kích vào rừng sâu để tiến hành hoạt động bí mật; đối với
cán bộ, đảng viên chưa bị lộ thì kiên trì bám chắc lấy quần chúng để củng cố và
giữ vững cơ sở cách mạng ở các xã; gấp rút chuẩn bị để có thể chủ động chống cuộc
khủng bố lớn của địch.
Từ ngày 6 đến
ngày 9-11-1940, Trung ương Đảng tổ chức họp bàn về vấn đề phát triển ảnh hưởng
của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn. Sau khi nghe đồng chí Trần Đăng Ninh báo cáo tình
hình, Trung ương Đảng quyết định duy trì lực lượng vũ trang, thành lập Đội du
kích Bắc Sơn với các nhiệm vụ: dùng hình thức vũ trang công tác, khi cần thì
chiến đấu chống khủng bố, bảo vệ sinh mạng, tài sản của nhân dân; phát triển cơ
sở cách mạng, tiến tới thành lập căn cứ địa, lấy vùng Bắc Sơn - Võ Nhai làm
trung tâm, do Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo. Đồng chí Hoàng Văn Thụ, Ủy
viên Thường vụ Trung ương Đảng được giao trọng trách trực tiếp chỉ đạo triển
khai thực hiện nhiệm vụ do Trung ương Đảng đề ra.
Thực hiện chủ
trương của Trung ương Đảng về việc xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang làm
nòng cốt cho cuộc “bạo động cách mạng” giành chính quyền, cuối năm 1940, Xứ ủy Bắc
kỳ phân công đồng chí Lương Văn Tri, Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ trực tiếp
chỉ đạo và mở lớp huấn luyện quân sự cho một số cán bộ cốt cán các tỉnh, thành
thuộc Xứ ủy tại xã Thanh Vân, tổng Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Đồng
thời, Xứ ủy Bắc kỳ chỉ đạo Đảng bộ Võ Nhai (Thái Nguyên) tăng cường lực lượng hỗ
trợ cho lực lượng du kích Bắc Sơn hoạt động.
Tháng 1-1941,
Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc kỳ phân công một số cán bộ tăng cường cho xây dựng
phong trào cách mạng và củng cố Đội du kích Bắc Sơn. Đồng chí Lương Văn Tri, Ủy
viên Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ được Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc kỳ phân công
làm Chỉ huy trưởng Đội du kích Bắc Sơn, trực tiếp chỉ đạo triển khai tăng cường
củng cố, phát triển phong trào cách mạng, từng bước xây dựng, củng cố căn cứ địa
Bắc Sơn - Võ Nhai; căn cứ của Đội du kích Bắc sơn được đặt tại khu rừng Khuổi Nọi,
xã Vũ Lễ, Châu Bắc Sơn. Sau khi được tăng cường lực lượng và trang bị thêm vũ
khí, tại căn cứ Khuổi Nọi, Ban Chỉ huy Đội du kích Bắc Sơn đã tổ chức các lớp
huấn luyện quân sự cho các học viên được tuyển chọn từ các xã của châu Bắc Sơn
(Lạng Sơn) và một số địa phương thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc
Ninh. Từ các lớp huấn luyện quân sự tại căn cứ Khuổi Nọi, Ban Chỉ huy Đội du
kích Bắc Sơn tiếp tục tổ chức các lớp huấn luyện quân sự tại Phú Thượng, Lâu
Thượng, Tràng Xá (Võ Nhai, Thái Nguyên). Nhiều xã ở châu Bắc Sơn và châu Võ
Nhai đã có đội tự vệ được trang bị vũ khí, có đủ lương thực, thực phẩm, bảo đảm
hoạt động dài ngày trong những đợt thực dân Pháp khủng bố.
Trên địa bàn Bắc
Sơn và châu Võ Nhai, Đội du kích Bắc Sơn đã liên tiếp tiến hành các cuộc tập
kích vũ trang, trừng trị bọn Việt gian ác ôn, tay sai của thực dân Pháp, làm
cho chính quyền địch ở nhiều nơi lâm vào tình thế hoang mang, lo sợ, khích lệ
tinh thần đấu tranh của đông đảo quần chúng cách mạng.
Thực hiện nhiệm
vụ xây dựng, củng cố căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai, Đội du kích Bắc Sơn đã tích
cực tiến hành công tác tuyên truyền trên địa bàn, cùng với nhân dân duy trì sản
xuất, đảm bảo lương thực, thực phẩm, mở rộng phạm vi hoạt động đến địa bàn các
huyện Bình Gia, Bằng Mạc và Hữu Lũng, củng cố hệ thống cơ sở của Đảng và phát
triển phong trào cách mạng trên địa bàn toàn tỉnh Lạng Sơn.
Tháng 2-1941, đoàn đại biểu Trung ương Đảng gồm
các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh trên
đường đi dự Hội nghị Trung ương lần thứ 8 tại Pác Bó (Cao Bằng) đã dừng chân tại
căn cứ Khuổi Nọi. Sau khi nắm tình hình về phong trào cách mạng và kết quả xây
dựng, củng cố căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai, Đồng chí Hoàng Văn Thụ, Ủy viên Ban
Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ đã thông báo cho cán bộ, đảng
viên và Đội du kích Bắc Sơn về quyết định của Trung ương, đổi tên Đội du kích Bắc
Sơn thành Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn.
Ngày 14-2-1941, tại căn cứ Khuổi Nọi, Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn tổ chức lễ
thành lập; Đồng chí Lương Văn Tri, Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ được
Trung ương chỉ định đảm nhiệm Chỉ huy trưởng, đồng chí Chu Văn Tấn, Chỉ huy
phó. Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn khi mới thành lập gồm 32 cán bộ, chiến sĩ là con
em đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã được giác ngộ cách mạng. Tại lễ thành lập,
đồng chí Hoàng Văn Thụ, thay mặt Trung ương Đảng giao nhiệm vụ cho Đội Cứu quốc
quân Bắc Sơn: Tích cực dùng hình thức vũ trang công tác, củng cố mở rộng căn cứ
du kích, nhanh chóng phát triển lực lượng về mọi mặt để khi thời cơ đến, tiến
hành khởi nghĩa giành chính quyền. Nhiệm vụ trước mắt của Đội Cứu quốc quân là
để anh em các địa phương khác đến học tập. Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã trao cho Đội
Cứu quốc quân lá cờ đỏ sao vàng do Hội phụ nữ phản đế Hà Nội tặng, có thêu dòng
chữ “Tặng du kích Bắc Sơn”.
Dưới lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng, đồng chí Lương Văn Tri, Chỉ huy trưởng
Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn tuyên đọc 5 lời thề danh dự của Đội Cứu quốc quân:
1- Không phản Đảng.
2- Tuyệt đối trung thành với Đảng.
3- Kiên quyết chiến đấu trả thù cho các đồng chí đã hy sinh.
4- Không hàng giặc.
5- Không hại dân.
Sau khi thành lập, Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn biên
chế lại các tiểu đội, phân công cán bộ, chiến sĩ phụ trách các địa bàn, tăng cường
hoạt động tuyên truyền, vận động, phát triển cơ sở quần chúng cách mạng, từng
bước mở rộng khu căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai. Trung tâm căn cứ Khuổi Nọi được
tăng cường bố trí lán trại, chuẩn bị thêm bãi tập để tiếp tục tổ chức các lớp
huấn luyện quân sự, trang bị kiến thức cơ sở về quân sự cho lớp cán bộ quân sự
đầu tiên của nhiều tỉnh, thành; phát hành bản tin “Du kích” làm tài liệu tuyên
truyền. Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5-1941), đồng chí Phùng Chí Kiên, Ủy
viên Trung ương Đảng được Trung ương phân công đảm nhiệm Chỉ huy trưởng căn cứ
địa Bắc Sơn - Võ Nhai kiêm Chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn. Đồng chí
Lương Văn Tri giữ chức Chính trị viên Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn.
Quân đội nhân dân Việt Nam-Biểu tượng của tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng”; qua từng giai đoạn lịch sử Quân đội đã thắng mọi kẻ thù xâm lược; hình ảnh Anh Bộ đội Cụ Hồ mãi là hình ảnh cao đẹp, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Trả lờiXóaBạn nói quá chuẩn
Xóa