Thời gian qua, việc đảm bảo quyền con
người nói chung, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí nói riêng ở nước ta đã đạt
được những kết quả hết sức quan trọng, được cộng đồng quốc tế công nhận. Tuy
nhiên, bất chấp những thành quả ấy, các thế lực thù địch, phản động lại cố tình
xuyên tạc, vu khống Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Các thế lực thù địch ra sức phê phán,
xuyên tạc Việt Nam ngăn cản tự do ngôn luận, tự do bày tỏ chính kiến, là kẻ thù
của tự do báo chí trên mạng. Các thế lực thù địch cho rằng: Nhà nước Việt Nam hạn
chế nghiêm trọng tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do internet, bao gồm bắt và
truy tố tùy tiện những người chỉ trích chính quyền, kiểm duyệt, đóng các trang
mạng, ra các luật về hành vi phi bảng mang tính chất hình sự; “chính quyền, dưới
chế độ cai trị độc đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam, xiết chặt vòng kiềm tỏa các
quyền tự do biểu đạt, tự do lập hội, nhóm họp ôn hòa, tự do đi lại và tự do tôn
giáo”, hay “Chính phủ Việt Nam đã sử dụng lực lượng 47 với khoảng 10.000 chiến
binh mạng nhằm chống lại cái mà Chính phủ Việt Nam gọi là lực lượng phản động
trên mạng, tức những thông tin chỉ trích Chính phủ”,… Điển hình như vụ việc xảy
ra vào năm 2018, trên trang mạng Dân luận và nhiều hãng thông tấn, báo chí
phương Tây đã tán phát “Bản lên tiếng về quyền được nói và nghe sự thật”. Văn bản
này do những tổ chức xã hội mạng phi pháp và một số cá nhân tự xem mình là người
“bất đồng chính kiến” ký. Điều đáng chú ý là có nhiều trang mạng và các cá nhân
ở nước ngoài đã hùa theo “Bản lên tiếng...” mà về bản chất là sự xuyên tạc, phủ
nhận quyền tự do ngôn luận, báo chí, internet ở Việt Nam.
Trong những năm qua, Nhà nước Việt Nam
đặc biệt quan tâm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm tự do ngôn
luận, tự do báo chí, tự do thông tin. Điều này được thể hiện trong Hiến pháp
năm 2013 và được thể chế hóa trong các bộ luật liên quan như Luật Báo chí năm
2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018 và nhiều văn
bản pháp luật khác. Cụ thể: Điều 25, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có
quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu
tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Bên cạnh đó, Luật
Báo chí năm 2016 và Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 cũng quy định rõ trách nhiệm
của Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự
do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng,
không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; bảo đảm
cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công
dân.
Mỗi quốc gia, tùy thuộc vào điều kiện
và bối cảnh cụ thể mà đưa ra những giới hạn nhất định đối với việc thực hiện tự
do ngôn luận của công dân. Ở Mỹ, giới hạn của tự do ngôn luận được thể hiện chủ
yếu qua án lệ của các tòa án, đặc biệt là Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, cho phép chính
quyền ngăn chặn và trừng phạt các phát ngôn có tính chất khiêu dâm, tục tĩu, phỉ
báng, xúc phạm và gây hấn, mà không bị xem là vi hiến. Ở Pháp, pháp luật về tự
do ngôn luận đưa ra các giới hạn, chế tài nghiêm khắc trừng trị hành vi lạm dụng
quyền tự do ngôn luận làm ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người khác,
bao gồm việc bảo vệ nhân phẩm con người, chống lại việc vu khống, bôi nhọ; chống
phân biệt chủng tộc, tôn giáo; chống kích động bạo lực, gây hận thù (Luật Tự do
báo chí, năm 1881); chống lại việc xâm phạm đời tư (Bộ luật Dân sự); cấm xuất bản
một số tài liệu liên quan đến an ninh quốc gia (Luật Hình sự); việc bày tỏ quan
điểm cá nhân trên mạng internet cũng chịu sự điều chỉnh của Luật Tự do báo chí.
Thấy rằng, việc Việt Nam xây dựng và
hoàn thiện khung pháp lý bảo đảm quyền tự do ngôn luận, bảo đảm nguyên tắc báo
chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ nháp luật và được Nhà nước bảo hộ nhưng
không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí
để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công
dân là hoàn toàn phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người và kinh
nghiệm thực tiễn ở nhiều nước. Luật pháp nghiêm cấm các hành vi lợi dụng quyền
tự do này để viết bài vu khống, bôi nhọ danh dự cá nhân.
Tự do ngôn luận, tự do báo chí là những
quyền cơ bản của con người cần được tôn trọng và bảo đảm. Tuy nhiên, ở bất kỳ
quốc gia nào, tự do ngôn luận, tự do báo chí cũng phải nằm trong khuôn khổ pháp
luật nhằm tránh hiện tượng bị lợi dụng, gây phương hại đến quyền, lợi ích của
cá nhân khác, đến đạo đức xã hội, trật tự công cộng và an ninh quốc gia. Với sự
phát triển của công nghệ thông tin, internet và mạng xã hội đã trở thành công cụ
thể hiện quyền tự do ngôn luận của đông đảo người dân, điều này đặt ra nhiều vấn
đề về xã hội và pháp lý, trong đó có việc quản lý thông tin trên không gian mạng
hiện nay. Cũng cần phải nhìn nhận một cách khách quan rằng việc thực hiện các
quyền tự do nói chung, quyền tự do ngôn luận nói riêng phải luôn gắn chặt với
nghĩa vụ và trách nhiệm công dân. Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm chăm lo thực
hiện tốt quyền tự do cơ bản của con người, của công dân, trong đó có tự do ngôn
luận, nhưng đi kèm với đó phải là kỷ luật, kỷ cương, pháp luật. Tạo mọi điều kiện
tốt nhất để công dân thực hiện quyền tự do, trong đó, có tự do ngôn luận nhưng
với những hành vi lợi dụng tự do ngôn luận để làm những điều trái luật, làm
phương hại danh dự, nhân phẩm người khác; gây tổn hại đến lợi ích của quốc gia,
dân tộc… thì phải nghiêm trị theo pháp luật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét