Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2024

NVH40 - Cảnh giác với các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc việc từ chức, miễn nhiệm trong công tác cán bộ hiện nay

 

Thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã xem xét nguyện vọng và cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác, nghỉ hưu đối với một số cán bộ cấp cao. Lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu đã ra sức tuyên truyền xuyên tạc về bản chất vấn đề nhằm gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, chia rẽ đoàn kết nội bộ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.


Vấn đề nhân sự, nhất là nhân sự cấp cao trong các cơ quan Đảng, Nhà nước từ lâu vẫn là đề tài thu hút sự quan tâm của dư luận. Đặc biệt, với những vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, chính quyền, việc ai được bổ nhiệm sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai, vận mệnh của dân tộc. Do vậy, mọi sự thay đổi trong công tác nhân sự của Đảng, Nhà nước đều nhanh chóng nhận được sự theo dõi của cộng đồng. Bên cạnh đó, việc miễn nhiệm, từ chức của cán bộ cấp cao trong các cơ quan Đảng, Nhà nước là một trong những hoạt động của công tác xây dựng Đảng, sắp xếp bộ máy Nhà nước. Thế nhưng, lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, phần tử xấu đã bóp méo sự thật, tuyên truyền xuyên tạc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta.


Chúng đã lập ra hàng nghìn trang mạng xã hội, nhất là các nền tảng xã hội Facebook và YouTube để truyền tải thông tin xuyên tạc tới quần chúng nhân dân. Một mặt, chúng vẫn tái diễn luận điệu vu khống cho rằng, đây là kết quả của việc “tranh giành quyền lực”, “đấu đá phe phái”. Mặt khác, chúng tích cực lan truyền các thông tin suy diễn vô căn cứ, lập ngôn, cắt ngọn thông tin, lấy hiện tượng để xuyên tạc bản chất. Chúng cố tình bẻ cong luận điệu, nguỵ tạo luận cứ, luận chứng, nhằm lèo lái công chúng hiểu sai lệch bản chất vấn đề. Theo kiểu “một cán bộ giấu tên cho biết”, “theo giới thạo tin”, “nguồn tin bên lề”, hướng lái sự việc theo chiều hướng tiêu cực khi cho rằng, đây là kết quả của “bất ổn chính trị”. Mục đích, thông qua việc dựng chuyện, thổi phồng sai lầm, thiếu sót của cán bộ, đảng viên hòng hạ thấp uy tín, phá vỡ khối đoàn kết trong Đảng, chia rẽ Đảng với dân, từ đó hướng lái, kích động người dân thực hiện các hành vi sai trái, tiếp tay cho các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước.


Đơn cử như trong thời gian vừa qua, việc cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác của các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, Chủ tịch nước cho thấy công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước ta đang thực hiện đúng phương châm “có lên, có xuống, có vào, có ra”, bất kể người đó là ai và đang giữ chức vụ gì. Khi cán bộ có sai lầm, khuyết điểm, vi phạm và không còn đủ uy tín thì việc thôi giữ chức vụ cũng là điều hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, qua lăng kính đánh giá của các đối tượng xấu, chúng nhào nặn, tô vẽ, biến tướng gây nhiễu loạn dư luận, kích động sự hoài nghi, hoang mang, dao động trong xã hội. Trước đó, không cần biết lý do xin từ chức là gì, chỉ cần lãnh đạo các nước trên thế giới tuyên bố từ chức, giới “dân chủ” sẽ ngay lập tức ca ngợi, cho rằng đó là hành động văn minh, tiến bộ, dân chủ là “văn hóa từ chức” và ca thán cho rằng “không biết khi nào ở Việt Nam mới có lãnh đạo xin từ chức”. Nhưng khi lãnh đạo trong nước xin từ chức thì những kẻ này lại vu khống, xuyên tạc, quy chụp cho rằng đó là vì “đấu đá nội bộ”, “tranh giành quyền lực” ...


Một trong những phương thức hiệu quả nhất của các thế lực thù địch nhằm chống phá, xuyên tạc là sử dụng mạng Internet, nhất là lợi dụng các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube... Bởi hiện nay, chúng ta có hơn 100 triệu dân và số người sử dụng điện thoại thông minh và các phương tiện thiết bị sử dụng mạng xã hội lên tới 70 triệu người. Đặc biệt, xu hướng tích hợp trí tuệ nhân tạo vào mạng xã hội đang bùng nổ, người xem chỉ cần xem, truy cập vào một trang xấu, độc thì ngay lập tức sẽ được gợi ý xem hàng trăm trang khác có nội dung tương tự. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện nay, có khoảng 63% người dùng đọc phải tin tức giả trên mạng, 200 kênh YouTube hàng ngày đăng tải hơn 300 video xấu, độc… Do đó, việc lan truyền thông tin xấu ngày càng nhanh hơn, nguy hiểm hơn, ngay lập tức tác động đến nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, từ đó gây hoài nghi vào hệ thống chính trị, vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, gieo rắc sự hoang mang, tâm lý bi quan ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân và dẫn đến tâm lý tiêu cực, phản kháng…


Mục đích cao nhất của các đối tượng này là làm nhiễu loạn, bất ổn xã hội, dẫn đến suy yếu thể chế chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội, đối với đất nước và sự nghiệp cách mạng của chúng ta. Thực chất các hoạt động tuyên truyền của các thế lực thù địch, phần tử xấu là để gây chia rẽ nội bộ. Thông qua việc thường xuyên dựng chuyện, thổi phồng sai lầm, thiếu sót của cán bộ, đảng viên, qua đó, gây hoang mang, tạo bức xúc trong dư luận xã hội, kích động người dân gây mất an ninh, trật tự… hòng hạ bệ uy tín cán bộ, phá vỡ khối đoàn kết trong Đảng, chia rẽ Đảng với dân. Sau quá trình bị tác động bởi những thông tin xấu một cách thụ động thì người dân đã tìm đến các thông tin này một cách chủ động. Đây là việc cực kỳ nguy hiểm trong tình hình hiện nay.


Trước sự nguy hiểm của hoạt động trên, trước hết, cần khẳng định rằng, việc miễn nhiệm, từ chức là việc diễn ra bình thường, không chỉ có ở Việt Nam, mà ở nhiều nước trên thế giới, không phải đến bây giờ mới có. Việc từ chức của cán bộ hoàn toàn không thể và không phải do bất kỳ một tổ chức, cá nhân nào có thể ép buộc, áp đặt vô căn cứ. Đảng và Nhà nước ta đã có những quy định rõ ràng, chặt chẽ, đầy đủ căn cứ pháp lý đối với việc miễn nhiệm, từ chức của cán bộ. Vấn đề này đã được đặt ra trong các Nghị quyết, quy định của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và được luật hóa trong hệ thống pháp luật nhà nước. Theo đó, Quy định 41-QĐ/TW ngày 3-11-2021 về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ quy định nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Quy định 41 nêu nguyên tắc: “1. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và các nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. 2. Cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu nêu cao trách nhiệm trong việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. 3.Kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ. Không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm”. Quy định 41 cũng nêu rõ 6 căn cứ xem xét miễn nhiệm cán bộ, 4 căn cứ xem xét từ chức.


Hay tại Thông báo số 20-TB/TW ngày 8/9/2022 thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật nêu rõ: “Việc bố trí công tác đối với cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật nhằm thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng và Quy định của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, thực hiện phương châm "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện; góp phần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và chế độ. Khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định…”. Qua chủ trương này cho thấy chính sách nhân văn, đạo đức của Đảng, Nhà nước ta khi tạo ra một hướng mở cho cán bộ vi phạm có cơ hội sửa chữa, phấn đấu rèn luyện.


Bên cạnh đó, cần phải nhận thức rõ một thực tế là: không phải ngẫu nhiên một trong các trọng tâm các thế lực thù địch, phản động tập trung chống phá là công tác cán bộ bởi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”; Công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”. Điều này đồng nghĩa với việc nếu sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động đối với công tác cán bộ không được ngăn chặn, phản bác kịp thời và hiệu quả sẽ nguy cơ gây rối loạn chính trị-xã hội, làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Do đó, kịp thời nhận diện và đấu tranh phản bác có hiệu quả những luận điệu sai trái, xuyên tạc về công tác cán bộ của Đảng là góp phần không nhỏ trong cuộc đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.


Mặc dù ra sức tung tin xấu độc, thật giả lẫn lộn, đào sâu, khuếch trương một số hạn chế, tồn tại trong công tác cán bộ hòng dẫn dắt dư luận, làm rối loạn chính trị-xã hội, gây mất lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước thì các thế lực thù địch cũng không thể phủ nhận những thành tựu to lớn mà chúng ta đã đạt được trong công tác cán bộ như Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ và đạt một số kết quả quan trọng; về tổng thể, đội ngũ cán bộ đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; từng bước hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ; xây dựng, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới nhiều quy định, quy chế về đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền; quy trình công tác cán bộ tiếp tục được đổi mới, trong nhiệm kỳ đã đẩy mạnh thí điểm đổi mới cách tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, chặt chẽ hơn. Việc chống chạy chức, chạy quyền được coi trọng, có chuyển biến; công tác điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được chú trọng và đổi mới, gắn với nhu cầu thực tiễn…


Như vậy, miễn nhiệm, từ chức là công việc bình thường trong công tác cán bộ từ cổ chí kim, từ đông sang tây, phù hợp quy luật vận động và phát triển của xã hội. Đảng và Nhà nước ta thực hiện miễn nhiệm, từ chức trong cán bộ theo đúng quy định, nguyên tắc. Người dân cần nhận thức rõ quan điểm này để từ đó giữ vững lập trường chính trị, không để các thế lực xấu dẫn dắt, lợi dụng để cố tình xuyên tạc, chống phá công cuộc xây dựng và phát triển của nước ta. Những luận điệu cho rằng đó là việc “củng cố quyền lực” hay “thâu tóm quyền lực cá nhân” chỉ là một chiêu trò của một số cá nhân chống phá nhằm bôi nhọ danh dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và hạ thấp uy tín của Đảng. Một khi toàn Đảng đã thống nhất, lòng dân đã thuận thì không một thế lực nào, một thủ đoạn nào có thể làm thay đổi được ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...