Ngày
30/4/1975, đại thắng mùa xuân đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm
lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, giải phóng hoàn
toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cứu nước lâu dài nhất, khó
khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta.
Nói về nhân tố con người
trong hoạt động quân sự, đặc biệt trong chiến tranh, quan điểm “Không sợ thiếu
vũ khí, chỉ sợ khi thời cơ đến lại thiếu người cầm vũ khí, người trước súng
sau” và “Dù có bao khí giới tinh xảo mà con người không có lập trường vững,
quan điểm đúng, thiếu tinh thần trong sạch, một lòng một dạ phục vụ nhân dân thì
súng cũng bỏ đi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ một vấn đề có tính nguyên
tắc là: đối với chiến tranh giải phóng, vũ khí là quan trọng, nhưng nhân tố con
người luôn phải đặt lên hàng đầu, và con người là một trong những nhân tố cơ
bản quyết định sự thành bại của cách mạng. Quan điểm của Người là sự vận dụng
sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về vai trò của con người trong sự
nghiệp cách mạng vào hoàn cảnh lịch sử, cụ thể của Việt Nam. Đặc biệt là trong
cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chúng ta phải đương đầu với kẻ thù có sức
mạnh vượt trội gấp nhiều lần về quân sự, về kinh tế, thì việc phát huy nhân tố
con người phải trở thành một phương châm chỉ đạo chiến lược.
Truyền thống văn hóa
Việt Nam với lòng yêu nước và ý thức tự tôn dân tộc cao độ. dưới ngọn cờ vẻ
vang của Đảng, được tiếp thêm sinh lực từ lý tưởng tiên tiến của thời đại,
truyền thống yêu nước của dân tộc đã được nâng lên một tầm cao mới, các phẩm
chất cao quý của văn hóa, con người Việt Nam được phát huy đến mức cao nhất,
trở thành động lực tinh thần và sức mạnh to lớn vượt qua mọi gian khổ, đưa sự
nghiệp giải phóng Tổ quốc đến thắng lợi.
Thực
tiễn đã chứng minh, nhân tố con người chỉ có thể đóng vai trò quyết định thắng
lợi dưới sự lãnh đạo đúng đắn sáng tạo của Đảng bằng đường lối tiến hành đồng
thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền đất nước, do một Đảng thống nhất lãnh
đạo, một quân đội cách mạng tiến hành với sự đồng tình ủng hộ của nhân dân cả
nước.
Chiến tranh không chỉ là
thử thách khắc nghiệt đối với mỗi cộng đồng dân tộc, mà đối với mỗi con người,
thử thách còn khắc nghiệt hơn, vì mỗi người đều phải trực tiếp giải quyết các
mâu thuẫn giữa nghĩa vụ và quyền lợi, giữa sự sống và cái chết, giữa cá nhân,
gia đình và Tổ quốc,... nảy sinh từ chiến tranh. Do có ý thức sâu sắc về vận
mệnh của dân tộc, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mọi người Việt Nam từ
hậu phương tới tiền tuyến đều nhận rõ vai trò và trách nhiệm của mình, biết đặt
sang một bên quyền lợi riêng, lấy lợi ích và quyền lợi dân tộc làm mục đích
sống.
Ở miền Nam, ngay sau khi
Hiệp định Giơnevơ được ký kết (7 - 1954), đế quốc Mỹ đã dựng lên chính quyền
tay sai Ngô Đình Diệm triển khai chiến dịch “tố cộng, diệt cộng”
để dìm phong trào cách mạng vào trong biển máu. Với tinh thần bất khuất, kiên
cường, cán bộ và đồng bào miền Nam đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, từng bước
khôi phục, phát triển lực lượng, dấy lên phong trào Đồng khởi, tăng cường đấu
tranh chính trị kết hợp với đấu tranh quân sự đẩy chính quyền tay sai vào thế
bị động, lúng túng buộc đế quốc Mỹ phải đưa quân viễn chinh vào miền Nam. Hàng
triệu quân Mỹ và tay sai, hàng triệu tấn bom đạn được sử dụng, những loại vũ
khí hiện đại nhất được thử nghiệm, các thủ đoạn chiến tranh thâm độc, tàn bạo
nhất được tiến hành, cùng với sức mạnh kinh tế được huy động nhưng đã không thể
khuất phục, không thể lung lạc ý chí, quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào
miền Nam. Đồng cam, cộng khổ, chịu đựng mọi gian khổ, thiếu thốn, cán bộ, chiến
sĩ và đồng bào miền Nam từ nông thôn tới thành thị, từ đồng bằng tới miền núi,
không phân biệt già trẻ, gái trai, không phân biệt dân tộc và tôn giáo, đã cùng
đứng trong một đội ngũ, chủ động và sáng tạo tìm ra cách đánh hiệu quả nhất,
lập nên vô vàn chiến công hiển hách như: ấp Bắc (1-1963), Bình Giã (3-1965),
Vạn Tường (5-1965), Mậu Thân 1968… làm kẻ thù phải kinh ngạc, khiếp sợ, chịu
thất bại hoàn toàn trước sức tiến công của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến
công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Trong cuộc kháng chiến hào hùng ấy, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã
ngã xuống trên chiến trường. Các anh, các chị đã thực sự trở thành tấm gương
tiêu biểu, là biểu tượng cho các thế hệ con người Việt Nam thời đại mới, trung
thành với lý tưởng và sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân cho sự nghiệp cách
mạng vĩ đại.
Hiện nay, tuy hòa bình,
hợp tác và phát triển trên thế giới vẫn là xu thế lớn, nhưng bên cạnh đó, vẫn
có những diễn biến phức tạp mới, tiềm ẩn nhiều nhân tố bất trắc, khó lường. Thực tiễn đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân
và toàn quân ta phải luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã
hội; lấy giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế-xã hội là
lợi ích cao nhất của đất nước. Đi đôi với khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh để
phát triển kinh tế, chúng ta phải luôn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách
mạng, làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch; có
đối sách phù hợp để giải quyết tốt các vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan trực
tiếp đến QP-AN của đất nước, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Để thực hiện mục tiêu
đó, các cấp, các ngành, các địa phương cần quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết
số 28-NQ/TƯ (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đi đôi
với đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, chúng ta cần tăng cường nguồn lực đầu tư cho
QP-AN; quan tâm phát triển khoa học-công nghệ, nghệ thuật quân sự, đẩy mạnh ứng
dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Cần
chuẩn bị chu đáo các phương án, kế hoạch động viên nhân tài, vật lực cho nhiệm
vụ QP-AN; tiếp tục điều chỉnh thế bố trí chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
phòng thủ đất nước; nâng cao chất lượng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế
trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Các khu vực phòng
thủ tỉnh, thành phố cần tiếp tục được xây dựng, củng cố vững chắc. Xây dựng các
lực lượng vũ trang, đặc biệt là Quân đội nhân dân và Công an nhân dân theo
hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, có chất lượng tổng
hợp và sức chiến đấu cao, làm nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân trong sự
nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Các lực lượng quân đội, công an thường xuyên nêu cao
tinh thần cảnh giác, chủ động bám sát, nắm chắc tình hình, dự báo đúng các tình
huống phức tạp có thể xảy ra, kịp thời phát hiện những âm mưu, hành động chống
phá của các thế lực thù địch để tham mưu cho Đảng, Nhà nước có phương án, biện
pháp đấu tranh, ngăn chặn phù hợp, hiệu quả. Từng đơn vị phải thường xuyên điều
chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các phương án tác chiến, kế hoạch phòng thủ trên
phạm vi cả nước, trên từng hướng chiến lược sát hợp với sự biến chuyển của tình
hình. Cùng với nâng cao chất lượng huấn luyện, các đơn vị cần duy trì nghiêm
chế độ sẵn sàng chiến đấu, quản lý chặt chẽ biên giới, vùng trời, vùng biển đảo
thiêng liêng của Tổ quốc.
Phía trước chúng ta đang
có cả thời cơ và thách thức. Với niềm tự hào chiến thắng 30-4 và những truyền
thống, bài học quý báu đúc kết từ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc,
chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của toàn
đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ tiếp tục giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa. Sức
mạnh Việt Nam không chỉ tỏa sáng trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc
mà còn tiếp tục được khẳng định trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước vì mục tiêu “dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét