Cuối năm 1929, trên đất nước
ta đã hình thành những cơ sở đầu tiên của Đoàn thanh niên cộng sản, đó là các
chi bộ Đoàn và các nhóm đoàn viên hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng do các
đảng viên trực tiếp phụ trách. Đây là mốc quan trọng trong quá trình tiến tới
thành lập Đoàn.
Ngay trong hội nghị hợp nhất thành lập Đảng tháng
2-1930, công tác vận động thanh niên đã được Bác Hồ và các đại biểu đặc biệt
quan tâm. Với việc thông qua chính cương, sách lược, điều lệ vắn tắt của Đảng,
Hội nghị đã thông qua điều lệ của Đoàn thanh niên cộng sản. Và trong điều lệ
vắn tắt của Đảng đã ghi rõ một điều kiện quan trọng: “Người dưới 21 tuổi
phải vào Thanh niên cộng sản Đoàn”. Hội nghị cũng nói rõ Ban Chấp hành Trung
ương của Đảng, ngoài công tác hàng ngày cần phải tổ chức ngay “Đoàn thanh niên
cộng sản”. Như vậy, vấn đề Đoàn thanh niên cộng sản đã được khẳng định
trong hai văn bản trọng yếu của Hội nghị thành lập Đảng.
Tháng 10 năm 1930, Hội nghị
Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất thảo luận và thông qua nhiều văn
kiện lớn có ý nghĩa lịch sử trong đó có: Án
nghị quyết về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng và Án
nghị quyết về cộng sản thanh niên vận động. Và chỉ hơn 6 tháng sau ngày thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra được
một nghị quyết toàn diện về công tác thanh niên, trực tiếp bắt tay xây dựng
Đoàn với một ý thức đầy đủ “coi việc Đoàn như việc Đảng”.
Biết bao đoàn viên thanh niên cộng sản đã hy sinh anh
dũng với tư thế hiên ngang trước họng súng của quân thù. Trong số đó, tên tuổi
của Lý Tự Trọng, người đoàn viên thanh niên cộng sản được Bác ân cần chăm sóc,
đào tạo, giáo dục từ lúc còn tuổi thiếu niên đã được tuổi trẻ Việt Nam cũng như
tuổi trẻ nhiều nước trên thế giới biết đến như một biểu tượng rực rỡ của tinh
thần bất khuất và lạc quan cách mạng tuyệt vời. Sa vào tay giặc và bị chúng
dùng mọi cực hình dã man để tra tấn song chính khí tiết của anh đã làm cho kẻ
thù phải kính nể. Trước tòa án của kẻ thù, Lý Tự Trọng đã dõng dạc tuyên bố: “Tôi hoạt động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi
làm. Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con
đường nào khác”. Lời nói đanh thép mang nội dung chân lý sâu sắc đó
được các thế hệ tuổi trẻ Việt Nam coi như bản tuyên ngôn bất diệt của thế hệ
thanh niên mở đường cách mạng ở nước ta, có sức cổ vũ vô cùng to lớn đối với
những người tiếp bước theo anh.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung
ương Đảng lần thứ hai tiến hành từ ngày 20 đến 26-3-1931, Trung ương đã dành
một phần quan trọng trong chương trình làm việc để bàn về công tác thanh niên và
đi đến những quyết định có ý nghĩa đặc biệt như các cấp Đảng từ Trung ương đến
địa phương phải cử ngay các cấp ủy viên của Đảng phụ trách công tác Đoàn.
Qua những đóng góp to lớn
của đoàn viên, thanh niên và sự nghiệp lớn mạnh của Đoàn trong cao trào
đấu tranh cách mạng thời kỳ năm 1930 - 1931, Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông
Dương được Ban Chấp hành Quốc tế thanh niên cộng sản công nhận là một bộ phận
của Quốc tế thanh niên cộng sản.
Sự ra đời của Đoàn Thanh
niên Cộng sản Đông Dương đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của phong trào thanh
niên nước ta lúc bấy giờ. Đây là sự vận động khách quan phù hợp với quy luật
phát triển của cách mạng nước ta đồng thời phản ánh công lao trời biển của
Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng kính yêu, Người đã sáng lập và rèn luyện
Đoàn từ những ngày đầu trứng nước.
Được Bộ Chính trị Trung ương
Đảng và Bác Hồ cho phép theo đề nghị của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh
niên Lao động Việt Nam, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ ba họp từ ngày 22 đến
25-3-1961 đã quyết định lấy ngày 26-3-1931 (một ngày trong thời gian cuối của
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ hai đã dành để bàn bạc và quyết định những vấn
đề rất quan trọng đối với công tác vận động thanh niên) làm ngày thành lập Đoàn
hàng năm.
Từ đó, ngày 26-3 hàng năm trở
thành ngày vẻ vang của tuổi trẻ Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét