Kể từ khi Hiến pháp năm 1992
được ban hành cho đến nay đã hơn hai thập kỷ. Hai thập kỷ qua cũng chỉ ra rằng,
từ khi Đảng ta ra đời cũng như trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc, chưa bao giờ các thế lực thù địch từ bỏ âm mưu “diễn biến
hòa bình”, nhằm gạt bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến tới
lật đổ chính quyền cách mạng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, hướng
lái Việt Nam theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Một trong những luận điệu tuyên
truyền mà chúng đưa ra là: Hiến pháp các năm 1946 và 1959 không có điều nào quy
định Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nhưng Đảng vẫn lãnh đạo
nhân dân đánh thắng thực dân đế quốc xâm lược và hoàn thành nhiệm vụ cách mạng
dân tộc dân chủ nhân dân, thì cũng không nhất thiết phải xác nhận lại vai trò
lãnh đạo của Đảng như trong Hiến pháp hiện tại! Vậy, lập luận của các thế lực
thù địch và bọn phản động có đúng hay không? Tại sao chúng ta phải giữ quy định
tại Điều 4 như trong Hiến pháp hiện nay.
Trước hết bàn về luận điệu của
bọn phản động và các thế lực thù địch đưa ra. Phải khẳng định luận điệu này là
lập lờ, thiếu toàn diện, không có quan điểm lịch sử cụ thể.
Sở dĩ Hiến pháp năm 1946 không
có quy định vai trò lãnh đạo của Đảng, vì trước đó ngày 11-11-1945, thời điểm
lịch sử do tình thế đặc biệt của cách mạng, Đảng ta đã ra tuyên bố tự giải tán,
nhưng sự thật là rút vào hoạt động bí mật, giữ vững vai trò lãnh đạo.
Trong những năm thập niên 50 của
thế kỷ XX, đế quốc Mỹ nhảy vào can thiệp miền Nam, đất nước ta bị chia cắt,
Đảng bộ miền Nam cũng chưa ra hoạt động công khai vì bộ luật 10-59 của ngụy
quyền Sài Gòn nhằm “tiêu diệt Cộng sản” cực kỳ hà khắc, man rợ. Vì vậy, Hiến
pháp năm 1959 cũng chưa thể đề cập nhiều đến vai trò lãnh đạo của Đảng.
Sau khi giải phóng hoàn toàn
miền Nam, thống nhất Tổ quốc, dân tộc ta có chung một bản Hiến pháp mới, trong
đó khẳng định Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Điều này là tất
yếu khách quan, phù hợp với yêu cầu lịch sử, nhiệm vụ cách mạng mới, đáp ứng
nguyện vọng của nhân dân và thực hiện đúng cơ chế vận hành “Đảng lãnh đạo, Nhà
nước quản lý, nhân dân làm chủ” trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở
nước ta.
Kế thừa tinh thần Hiến pháp năm
1980, Hiến pháp năm 1992, và mới nhất là Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng
định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội Điều 4 Hiến pháp 2013
xác định: "1. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của
giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của
dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân
lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh
làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. 2. Đảng Cộng
sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát
của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.
3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn
khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Vậy tại sao chúng ta phải giữ
nguyên Điều 4 trong Hiến pháp?
Lập luận trên cũng đã phần nào
trả lời cho thắc mắc này, nhưng bên cạnh đó cũng không thể không nói đến những
nguyên nhân sau:
Thứ nhất, việc quy định Đảng
lãnh đạo Nhà nước và xã hội không chỉ là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán để
khẳng định vị trí, vai trò độc tôn lãnh đạo của Đảng, mà còn là một nguyên tắc
bất di bất dịch của cách mạng Việt Nam, phù hợp với thể chế chính trị-xã hội mà
Việt Nam đã lựa chọn, phù hợp với bản chất Nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân,
do dân và vì dân.
Khác với những quan điểm tư sản,
sự khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được quy định trong
Hiến pháp năm 1992 chính là khẳng định Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam là sự thể hiện ý chí, lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân,
mang bản chất giai cấp công nhân. Ý chí, lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân
thống nhất với lợi ích cơ bản của nhân dân lao động và cả dân tộc, đó là độc
lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Việc hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Việt Nam trong Hiến pháp năm 1992 chính là thể hiện ý chí của giai cấp công
nhân, của nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam. Đây là điểm khác nhau
căn bản giữa Hiến pháp nước Việt Nam với hiến pháp của các nước tư bản chủ
nghĩa. Các thế lực thiếu thiện chí đã cố tình lờ đi bản chất, chỉ lấy hiện
tượng và vin vào đó để công kích, xuyên tạc, bôi nhọ, hòng xóa bỏ Điều 4 trong
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Và như vậy, vấn đề vai trò lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Việt Nam được ghi trong Hiến pháp, không chỉ đơn giản là “văn bản
hóa” mà còn thể hiện thái độ công khai tuyên bố tính đảng, tính giai cấp trong
Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Thứ hai, quy định tại Điều 4 của
Hiến pháp tái này khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan sự lãnh đạo
của Đảng đối với quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta.
Đất nước ta phát triển như hiện nay không thể không nhắc đến vai trò lãnh đạo
của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trải qua nhiều thăng trầm, khó khăn của đất nước,
nhân dân ta vẫn kiên trì đi theo sự lãnh đạo của Đảng, với kim chỉ nam là tư
tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Vì vậy, việc giữ nguyên Điều 4 của Chương I
trong Hiến pháp là hoàn toàn đúng đắn.
Thứ ba, việc quy định sự lãnh
đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam là phù hợp với ý chí và nguyện
vọng của đông đảo nhân dân Việt Nam. Đối với nhân dân Việt Nam, nói đến Đảng là
nói đến tình cảm thiêng liêng, là thể hiện niềm tin và tình yêu son sắt của
nhân dân dành cho Đảng. Có một sự thật mà hầu như mọi người Việt Nam ai cũng
biết, đó là: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng chính trị duy nhất đã lãnh đạo
cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cách mạng Tháng Tám
năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời; 30 năm kháng chiến
chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược giành thắng lợi vẻ vang, hoàn thành
sự nghiệp thống nhất Tổ quốc, cùng với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch
sử của hơn 26 năm thực hiện đường lối đổi mới vừa là minh chứng thực tiễn sinh
động, vừa là cơ sở khoa học thực tiễn để khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng
ta đối với dân tộc và nhân dân Việt Nam.
Rõ ràng quy định sự lãnh đạo của
Đảng Cộng sản đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam trong Hiến pháp là tất yếu,
không thể thay đổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét