Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Tự phê bình và phê bình


Một trong những nội dung rất quan trọng trong di sản quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng về TPB&PB trong Đảng; Người coi đó là nguyên tắc sinh hoạt Đảng, là quy luật phát triển của Đảng. Tư tưởng về TPB&PB của Người cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa sống còn đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt coi trọng việc giáo dục cán bộ, đảng viên. Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải nắm chắc và sử dụng khéo léo vũ khí tự phê bình - phê bình (TPB&PB) để sửa chữa, xây dựng Đảng và củng cố chính quyền trong sạch vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Người chỉ rõ “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người. Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét”([1]).

Người khuyên: “Ai cũng cần tắm rửa cho mình mẩy sạch sẽ. Thì ai cũng cần tự phê bình cho tư tưởng và hành động được đúng đắn”([2]), “Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa, giúp đồng chí mình sửa chữa”(3). Đồng thời, Người chỉ rõ: “TỰ PHÊ BÌNH LÀ GÌ? Là thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa”(4).

Như vậy, TPB&PB là quy luật xã hội để tồn tại và phát triển, là việc làm thường xuyên của các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, là quyền lợi và trách nhiệm của mọi cá nhân và tổ chức, là biểu hiện của thực hành dân chủ. Thông qua TPB&PB làm cho mỗi cán bộ, đảng viên luôn biết tự răn, tự rèn, tự tu dưỡng, tự giáo dục, tự phấn đấu và giúp đỡ đồng chí, đồng đội cùng tiến bộ.

Trong điều kiện Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên đều được trao một trọng trách nhất định, hơn nữa, trước những tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, nếu không làm tốt công tác TPB&PB trong Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên sẽ rất dễ mắc các căn bệnh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cách báo: “ông quan cách mạng”. Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước nhân dân; nguyên tắc tập trung dân chủ ở nhiều nơi bị buông lỏng; nguyên tắc TPB&PB thực hiện không nghiêm, chưa có cơ chế để bảo vệ người đấu tranh phê bình.

Chính tình trạng suy thoái, nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã làm ảnh hưởng đến uy tín, thanh danh của cán bộ, đảng viên và uy tín của Đảng trước nhân dân. Vì vậy, mỗi tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thực sự đề cao vũ khí phê bình và tự phê bình, phải “ráo riết” TPB&PB theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII). Để làm được điều đó, đòi hỏi mỗi tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, nâng cao giác ngộ lý tưởng cách mạng, trình độ kiến thức mọi mặt, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục giáo dục nâng cao giác ngộ lý tưởng cách mạng, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, bồi dưỡng kiến thức toàn diện, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho cán bộ, đảng viên để mọi người vừa có bản lĩnh, dũng khí, hiểu biết, vừa có cái tâm trong sáng, trung thực, dám bảo vệ cái đúng, phê phán cái chưa đúng, làm cho ý kiến phê bình chính xác, có hàm lượng trí tuệ và có tính thuyết phục cán bộ, đảng viên. Khắc phục tình trạng bưng bít sự thật, không dám công khai hoặc thông tin sai lệch làm ảnh hưởng đến tính lành mạnh và hiệu quả của TPB&PB.

Hai là, mở rộng dân chủ, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, duy trì chặt chẽ và có nền nếp chế độ TPB&PB; phát huy tinh thần trách nhiệm, vai trò gương mẫu của cấp uỷ đảng, cán bộ chủ trì trong thực hành TPB&PB. Thực chất đây là vấn đề xây dựng môi trường, điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt TPB&PB. Dân chủ, TPB&PB có quan hệ chặt chẽ, tác động lẫn nhau. Dân chủ là tiền đề, động lực thúc đẩy TPB&PB đúng đắn, hiệu quả. Các tổ chức cơ sở  đảng, cần phát huy quyền dân chủ trực tiếp để đảng viên thực hiện TPB&PB; đồng thời, chấp hành nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo đi đôi với phân công cá nhân phụ trách; nâng cao tính tư tưởng, tính chiến đấu, tính giáo dục trong sinh hoạt đảng. Thực hiện tốt chế độ TPB&PB của cấp ủy, của cấp trên đối với cấp dưới, cấp dưới đối với cấp trên. Thực hiện tốt chế độ thông báo kết luận xử lý vụ việc, kết quả sửa chữa hạn chế, khuyết điểm sau TPB&PB. Khắc phục cách làm hình thức chiếu lệ, chỉ phê bình mà không tự phê bình, chỉ TPB&PB mà không có biện pháp sửa chữa khuyết điểm, phê bình chung chung “vô hại”, không có địa chỉ rõ ràng.

Tự phê bình và phê bình tốt phải có chuẩn bị, có tổ chức lãnh đạo chặt chẽ, cán bộ phải tự giác, gương mẫu. Phát huy cao trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, vai trò của đội ngũ cán bộ, trước hết là bí thư cấp ủy, chi bộ, thủ trưởng đơn vị gương mẫu đi đầu, dám tự phê bình, dám nhận khuyết điểm trước tập thể, trước cấp trên, cấp dưới và đồng cấp; thật sự tạo không khí cởi mở, dân chủ, khuyến khích đảng viên mạnh dạn TPB&PB. Cùng với nâng cao ý thức tự giác của cấp uỷ và cán bộ; gắn việc thực hiện chế độ TPB&PB với kiểm điểm, đánh giá, bình xét, phân loại chất lượng đối với tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ hàng năm và bổ nhiệm, đề bạt cán bộ.

Ba là, động viên tổ chức quần chúng trong đơn vị phê bình tổ chức đảng, phê bình cán bộ, đảng viên. Là người trực tiếp lãnh đạo, có quan hệ gắn bó với quần chúng, mọi hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, của cán bộ, đảng viên đều được quần chúng theo dõi, giám sát. Thực tế cho thấy, phát huy tốt việc quần chúng tham gia phê bình sẽ giúp tổ chức đảng lãnh đạo sát đúng, kịp thời phát hiện sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, góp phần phòng, chống tham ô, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống, làm trong sạch đội ngũ và củng cố được niềm tin của quần chúng đối với Đảng. Có thái độ chân thành tiếp thu ý kiến phê bình và công khai, kịp thời thông báo kết quả xử lý, kế hoạch, biện pháp sửa chữa khuyết điểm của cán bộ, đảng viên trước quần chúng. Sử dụng phương pháp khéo léo động viên, khuyến khích quần chúng tham gia phê bình rộng rãi, có chất lượng, khách quan, đúng sự thật. Chăm lo xây dựng và phát huy vai trò trách nhiệm của các tổ chức quần chúng.

Bốn là, gắn TPB&PB với công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng; có kế hoạch, biện pháp sửa chữa sai lầm, khuyết điểm và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm nguyên tắc, chế độ TPB&PB. Chất lượng TPB&PB suy cho cùng là có đạt được mục đích làm cho cán bộ, đảng viên phát huy ưu điểm, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, nội bộ đoàn kết, phát triển vững mạnh hay không. Vì vậy, các cấp uỷ đảng cần xác định rõ kế hoạch, biện pháp, thời gian cụ thể, kiểm tra, theo dõi giúp đỡ đảng viên sửa chữa sai lầm, khuyết điểm và kịp thời thông báo kết quả phấn đấu tiến bộ của đảng viên trước tập thể. Tuy nhiên, những sai phạm chưa đến mức xử lý kỷ luật thì cần tận tình giúp đỡ để người mắc khuyết điểm sửa chữa, khắc phục. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ TPB&PB với công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng, chính quyền, nhằm phát hiện và xử lý nghiêm minh những trường hợp suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống, tham nhũng, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, những người trù dập, uy hiếp, trả thù người phê bình hoặc lợi dụng TPB&PB để đả kích, chia rẽ nội bộ, mưu cầu lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Từ đó, vừa góp phần khuyến khích động viên mọi người TPB&PB hăng hái, tích cực, khách quan, vừa nâng cao hiệu quả thực tế của TPB&PB, trên cơ sở đó góp phần xây dựng các cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện./.



(1) (3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 272 - 273, 80


(2) (4) Sách đã dẫn, tập 7, tr.80.

2 nhận xét:

  1. Mọi người dân Việt Nam luôn nhớ công lao trời bể của Chủ tịch Hồ Chí Minh; vì vậy mỗi người dân; nhất là cán bộ, Đảng viên phải thường xuyên học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách của người.

    Trả lờiXóa
  2. Tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi mãi toả sáng cho mọi thế hệ học tập và làm theo

    Trả lờiXóa

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...