Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2020

NV238- KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN NHỮNG THÀNH TỰU NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM

 Lặp lại trò cũ rích, với bộ mặt “đạo đức giả” và tự cho mình cái quyền phán xét nước khác, ngày 13/8/2020, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ lại vừa ra cái gọi là “thông cáo báo chí” bày tỏ “quan ngại” trước việc các cơ quan chức năng Việt Nam xét xử, cầm tù các thành viên của nhóm “Hiến pháp” và yêu cầu trả tự do cho số này. Đài RFA đưa tin “Chính phủ Hoa Kỳ hết sức quan ngại về việc Việt Nam kết tội và tuyên án hơn 40 năm tù đối với tám thành viên của tổ chức xã hội dân sự Hiến Pháp.

 

Thông cáo từ Bộ ngoại giao Hoa Kỳ nêu rõ, mặc dù chính phủ Việt Nam đã có một số bước đi tích cực về nhân quyền trong một số lĩnh vực nhất định vài năm qua, nhưng Hoa Kỳ lo ngại về xu hướng ngày càng tăng các vụ bắt giữ và các bản án khắc nghiệt đối với những nhà hoạt động ôn hòa kể từ đầu năm 2016. Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ vô cớ và cho phép mọi cá nhân ở Việt Nam được tự do bày tỏ quan điểm của mình, không sợ bị trả thù.

 

Các xã hội tự do và cởi mở trên thế giới được củng cố khi từng cá nhân được thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình. Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam hành động phù hợp với các quy định về quyền con người trong hiến pháp Việt Nam cũng như các nghĩa vụ và cam kết quốc tế”.

 

Trước tiên, chúng ta hoàn toàn bác bỏ thông cáo xuyên tạc của Bộ Ngoại giao Mỹ. Cần khẳng định rằng, ngày 31/7/2020, Tòa án nhân dân Tp Hồ Chí Minh đưa ra xét xử vụ án phá rối an ninh đối với 8 bị cáo là đúng người, đúng tội, điều đó không phải bàn cãi. Bởi vì, đây là vụ án xâm phạm an ninh quốc gia do các bị cáo là các thành viên của một nhóm kín có tên là “Hiến Pháp”, lôi kéo thêm người khác thực hiện. Theo cáo trạng, đây là nhóm những người có tư tưởng bất mãn với chính quyền, thường xuyên tiếp xúc với các thông tin trên có nội dung xấu trên mạng xã hội. Các bị cáo đã chia sẻ các video trên Facebook cá nhân để kêu gọi, kích động, lôi kéo người tham gia biểu tình. Quá trình thực hiện hành vi phạm tội, các bị cáo đã tổ chức họp bàn để lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ, kêu gọi tài trợ, chuẩn bị hung khí, công cụ hỗ trợ để tổ chức một cuộc biểu tình mang tính chất bạo động, gây bạo loạn với mục đích gây mất trật tự xã hội, an ninh chính trị nhằm chống phá chính quyền Nhà nước Việt Nam, nhưng đã bị các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và ngăn chặn. Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh khẳng định, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn trật tự xã hội, xâm phạm an ninh quốc gia nên cần phải xử lý nghiêm để giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung.

 

Mặt khác, luận bàn về quyền con người. Theo tuyên ngôn thế giới về quyền con người, được Đại hội đồng LHQ mà Việt Nam là thành viên thông qua ngày 10/12/1948 xác định quyền dân sự, chính trị gồm có: quyền sống, quyền tự do và an ninh cá nhân, quyền không bị bắt làm nô lệ, quyền không bị tra tấn, quyền được đối xử nhân đạo, quyền tự do đi lại và cư trú, quyền có quốc tịch, quyền kết hôn và xây dựng gia đình, quyền sở hữu tài sản riêng, quyền tự do cơ bản của cá nhân, quyền bình đẳng về phẩm giá, quyền tham gia vào quản lý đất nước, quyền tự do tư tưởng, quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội và hội họp hòa bình. Những quyền này đã được đưa vào Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966. Năm 1982, Nhà nước Việt Nam đã ký và thông qua Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị cơ bản của con người.

 

Cho nên cần khẳng định ngay rằng, nội dung thông cáo báo chí từ Bộ ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 13/8/2020 là xuyên tạc, hoàn toàn thiếu khách quan, mang tư tưởng phán xét, áp đặt, thậm chí là có chủ ý xấu, bởi ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm” và lại càng không có “tù nhân chính trị”.

 

Thực tiễn ở nước ta, kể từ mùa thu lịch sử tháng 8 năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã nhất tề đứng lên, lật đổ ách đô hộ của thực dân phong kiến, thành lập nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông nam Châu Á. Cũng từ thành quả cách mạng ấy, người dân Việt Nam mới biết quyền con người, còn trước đó, nhân dân Việt Nam bị đế quốc ngoại bang đô hộ, phong kiến bóc lột, hàng vạn chiến sĩ cách mạng bị bắt, tù đày, tra tấn và hy sinh, nhưng không thấy có bất cứ “nhà dân chủ” nào lên tiếng cho quyền được sống, quyền tự do của người dân Việt Nam.

 

Trong suốt hàng chục năm qua, Việt Nam đã nỗ lực từng bước thực hiện đầy đủ toàn diện các quyền chính trị, dân sự của người dân. Trong đó, quyền sống là quyền trước tiên, quan trọng của con người. Nhà nước Việt Nam đặc biệt ưu tiên và nỗ lực cao nhất nhằm bảo đảm quyền sống cho mọi người dân, kể cả những người phạm tội, mọi hành vi xâm phạm quyền sống của con người bị coi là hành vi phạm tội nghiêm trọng nhất và bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật. Bộ luật Hình sự Việt Nam đã dành 18 điều luật quy định những mức án nghiêm khắc đối với các tội trực tiếp hoặc gián tiếp xâm phạm đến quyền sống của con người, quyền tự do bất khả xâm phạm về thân thể và tôn trọng nhân phẩm được pháp luật Việt Nam bảo vệ.

 

Pháp luật Việt Nam quy định chặt chẽ các căn cứ, điều kiện, trình tự, thủ tục và thẩm quyền áp dụng các biện pháp như việc bắt giữ, tạm giam. Bộ luật hình sự có các điều khoản nghiêm cấm các hành vi tra tấn, dùng nhục hình và bức cung, phạm nhân được hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ, được khám sức khỏe định kỳ, được học văn hóa để xóa mù chữ, phạm nhân chưa thành niên được phổ cập tiểu học, việc dạy nghề đối với phạm nhân chưa thành niên là bắt buộc. Một trong những thành tựu nổi bật của Việt Nam về việc đối xử nhân đạo, khoan hồng với tù nhân, những người lầm lỡ, tạo điều kiện cho họ trở về với cuộc sống lương thiện bằng đặc xá vào các dịp Lễ lớn của dân tộc. Ở Việt Nam, không có việc những người vì tự do bày tỏ chính kiến mà bị bắt giữ. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật.

 

Việt Nam chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thực thi tối đa quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra giám sát. Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của nhân dân thông qua mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng.

 

Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo và nhiều loại hình tín ngưỡng. Ngay sau cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh chính sách tín ngưỡng, tự do và lương giáo đoàn kết, trong chương trình hành động của chính phủ coi đó là nhiệm vụ cấp bách của nhà nước Việt Nam. Luật tín ngưỡng tôn giáo, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 là bước ngoặt lớn tạo sự thông thoáng, minh bạch, tạo cơ chế pháp lý nhằm tôn trọng, bảo hộ, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, đồng thời củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo điều kiện để quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo và các giá trị dân chủ, văn minh của loài người và chủ nghĩa xã hội để phát huy.

 

 Trong báo cáo hằng năm, tuy thừa nhận Việt Nam có chuyển biến tích cực, nhưng một số tổ chức, cá nhân núp bóng dân chủ, nhân quyền luôn cố ý đánh giá tiêu cực về tình hình tôn giáo, dân chủ, nhân quyền ở việt Nam. Chẳng biết dựa vào đâu mà họ còn lớn tiếng vu cáo Việt Nam đàn áp tôn giáo, trấn áp các chiến sĩ bảo vệ nhân quyền. Đặc biệt vừa qua, khi một số đối tượng lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo để thực hiện hành vi vi phạm, bị xử lý theo quy định của pháp luật, liệu các tổ chức này có tìm hiểu để biết hành trình phạm tội của những người này hay không, mà lại vội vàng cho rằng Việt Nam đàn áp tôn giáo, vi phạm các quy định về nhân quyền, khiến không ít người tự đặt câu hỏi: các “nhà dân chủ cuội” này đang diễn trò gì?

 

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc. Hiến pháp năm 2013 nêu rõ, nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc, các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình.

 

Trong mỗi thời kỳ lịch sử của cách mạng Việt Nam, việc bảo đảm quyền con người mang những nội dung khác nhau, nhưng có thể khẳng định, thực hiện công cuộc đổi mới là thời kỳ Việt Nam đạt nhiều thành tựu to lớn, bảo đảm các quyền và tự do của con người. Còn những tổ chức, cá nhân muốn phán xét, thì cũng phải bắt đầu từ bản chất sự việc, hiện tượng và nhất thiết cần đủ thời gian, kiến thức và thông tin nhiều mặt, chứ đừng phán xét theo kiểu mũ ni che tai, nhắm mắt nói bừa để rồi tự biến mình thành kẻ a dua, đạo đức giả./.

2 nhận xét:

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...