NV238 - QUỐC HỘI-NƠI GẶP GỠ CỦA “Ý ĐẢNG, LÒNG DÂN”
Mỗi quốc
gia đều có một chế độ chính trị phù hợp với lịch sử, văn hóa và điều kiện kinh
tế-xã hội của mình. Chế độ chính trị mà toàn thể dân tộc Việt Nam đang đồng
lòng, nỗ lực xây dựng là chế độ chính trị pháp quyền xã hội chủ nghĩa, “của
nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, hướng tới xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong
đó, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đây là vấn
đề cốt lõi, hết sức rõ ràng của chế độ chính trị nước ta. Vai trò lãnh đạo của
Đảng đã được quy định rõ trong Hiến pháp của Việt Nam, mà mới nhất là Hiến pháp
năm 2013 (Điều 4 của Hiến pháp năm 2013), phù hợp với ý chí của toàn dân tộc,
đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Trước khi được thông qua, dự thảo Hiến pháp
năm 2013 đã được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi toàn dân, bằng nhiều hình thức
phong phú, cả ở trong nước và ở nước ngoài. Kết quả lấy ý kiến cho thấy, đối
với vai trò lãnh đạo của Đảng, người dân đều đồng tình như dự thảo Hiến pháp và
cho rằng mục tiêu, lý tưởng của Đảng không có gì khác hơn là lợi ích của dân
tộc, đất nước và nhân dân.
Hiến pháp
năm 2013 cũng quy định rõ: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân,
cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề
quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”.
Quốc hội do nhân dân bầu ra, là cơ quan nhà nước cao nhất thực hiện quyền lực
của nhân dân. Chỉ Quốc hội mới có quyền thể chế ý chí, nguyện vọng của nhân dân
thành Hiến pháp và pháp luật, thành các quy định chung mang tính chất bắt buộc
phải tuân thủ đối với mọi tầng lớp trong xã hội.
Hiến pháp
đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Điều này
không hề làm mất đi vai trò của Quốc hội. Bởi quyền lực nhà nước ở nước ta là
thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước
trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Đảng lãnh
đạo Nhà nước và xã hội, nhưng đó là sự lãnh đạo có nguyên tắc và theo quy định.
“Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn
khổ Hiến pháp và pháp luật” (Điều 4, Hiến pháp năm 2013). Như vậy, mối quan hệ
giữa Đảng và Quốc hội vẫn là mối quan hệ biện chứng, hai chiều, nghĩa là Đảng
lãnh đạo hoạt động của Quốc hội, nhưng sự lãnh đạo đó vẫn phải trong khuôn khổ
Hiến pháp và pháp luật, không thể đứng trên, đứng ngoài Hiến pháp và pháp luật
đã được Quốc hội thông qua. Đảng lãnh đạo nhưng luôn tôn trọng và phát huy vai
trò của Quốc hội, không áp đặt, không làm thay, mà định hướng nội dung và
phương thức hoạt động của Quốc hội. Đảng lãnh đạo, chứ Đảng không điều hành
công việc của Quốc hội.
Có thể
thấy, kể từ khi ra đời tới nay, Quốc hội ta đã hoàn thành xuất sắc vai trò, sứ
mệnh của mình đối với đất nước, với dân tộc. Trong những năm gần đây, hoạt động
của Quốc hội ngày càng đổi mới, ngày càng thể hiện rõ tính dân chủ và hiệu quả
ngày càng được nâng cao. Tất cả các vấn đề lớn thuộc mọi lĩnh vực, từ chính
trị, kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,... của
đất nước đều được Quốc hội thảo luận và quyết nghị. Với tính chất Nhà nước ta
là Nhà nước pháp quyền XHCN, vì vậy, tất cả chủ trương, đường lối của Đảng muốn
đi vào đời sống, để toàn dân nghiêm túc thực hiện thì đều phải được thể chế hóa
bằng hệ thống pháp luật.
Vai trò
quan trọng của Quốc hội thể hiện qua việc các chương trình, kế hoạch quan trọng
là “xương sống” hoạt động của Nhà nước như kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội
và dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, các kế hoạch đầu tư công... phải được
Quốc hội thông qua mới có thể triển khai thực hiện.
Công tác
xây dựng pháp luật của Quốc hội được thực hiện theo những quy trình rất chặt
chẽ, bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tế
của đất nước. Quốc hội làm việc theo chế độ nghị trường và quyết định theo đa
số. Các dự án luật muốn trình ra Quốc hội cho ý kiến, xem xét, thông qua thì cơ
quan soạn thảo trình Chính phủ cho ý kiến, rồi Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ
Quốc hội cho ý kiến trước khi trình ra Quốc hội, nếu không đạt phải tiếp tục
chỉnh sửa. Khi dự án luật trình ra Quốc hội, cùng với tờ trình của Chính phủ
thì phải kèm theo báo cáo thẩm tra của cơ quan thuộc Quốc hội. Sau đó, Quốc hội
sẽ cho ý kiến trên tinh thần dân chủ, công khai, theo quy trình thảo luận ở tổ,
rồi thảo luận tại hội trường, được cơ quan báo chí truyền thông phản ảnh minh
bạch. Để tăng tốc độ xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thông
thường một dự án luật được Quốc hội cho ý kiến và thông qua trong 2 kỳ họp. Tuy
nhiên, với những dự án luật quan trọng, nhạy cảm thì Quốc hội có thể xem xét, cho
ý kiến trong 3 kỳ họp. Có những dự án luật phải được chỉnh sửa nhiều lần mới
hoàn chỉnh để được Quốc hội thông qua. Điều này cho thấy, vai trò lập pháp của
Quốc hội là rất rõ ràng, và ý kiến của các đại biểu Quốc hội là rất quan trọng.
Không khí
dân chủ, cởi mở của Quốc hội, vai trò của các đại biểu Quốc hội càng được thể
hiện rõ trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đại biểu Quốc hội có
quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng
và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện
trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Người được chất
vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp hoặc tại phiên họp Ủy ban Thường vụ
Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; trong trường hợp cần thiết,
Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép trả lời bằng văn bản.
Các nội
dung bàn về kinh tế-xã hội, và đặc biệt là các phiên chất vấn trong những kỳ
họp của Quốc hội khóa XIV ngày càng sôi nổi, được phát thanh-truyền hình trực
tiếp, thu hút sự quan tâm theo dõi, đánh giá, góp ý của cử tri và nhân dân cả
nước. Việc tranh luận được khuyến khích khiến vấn đề chất vấn được làm rõ ràng
hơn, nhất là các mặt hạn chế, trách nhiệm cán bộ và nêu rõ giải pháp. Sau phiên
chất vấn, Quốc hội sẽ ra nghị quyết về nội dung này, từ đó có cơ sở để theo dõi
vấn đề đã được đặt ra và giám sát lời hứa hẹn của những người trả lời chất vấn.
Việc Quốc hội tăng cường hoạt động chất vấn, khiến cho những người giữ các chức
danh mà Quốc hội bầu, phê chuẩn luôn phải nỗ lực thể hiện rõ trách nhiệm của
mình, không thể lơ là.
Một hoạt
động cũng thể hiện vai trò, vị thế của Quốc hội, đó là hoạt động lấy phiếu tín
nhiệm. Qua 3 lần lấy phiếu tín nhiệm của hai nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và
khóa XIV, hoạt động này đã cho thấy hiệu quả trong việc thúc đẩy những người
giữ chức danh được lấy phiếu tín nhiệm phải tìm các giải pháp để nâng cao hiệu
quả chỉ đạo, điều hành bộ, ngành, cơ quan mà mình phụ trách. Vì vậy, có những
vị bộ trưởng, trưởng ngành rất buồn khi có nhiều phiếu tín nhiệm thấp, nhưng
chính sự đánh giá đó là cơ hội để họ nhìn lại mình, biến thành động lực vươn
lên, khắc phục những điểm còn hạn chế, hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn, đóng góp
nhiều hơn vào sự phát triển của đất nước. Thực tế, ở lần lấy phiếu tín nhiệm
sau, đại đa số các vị bộ trưởng, trưởng ngành nói trên đều có số phiếu tín
nhiệm cao hơn hẳn lần trước đó.
Các
chương trình giám sát của Quốc hội cũng thể hiện rõ hiệu quả. Cùng với những
nội dung giám sát thường xuyên như về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển
kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước... thời gian qua, Quốc hội đã chọn những
vấn đề “nóng” nhất, được cử tri và nhân dân quan tâm nhất để tiến hành giám sát
tối cao. Ví dụ, tại Kỳ họp thứ chín vừa qua, Quốc hội đã thực hiện giám sát
chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ
em” khi trong xã hội xuất hiện những vụ xâm hại trẻ em gây bức xúc dư luận.
Trong
nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, cùng với việc quyết liệt đấu tranh chống tham
nhũng, chống tiêu cực trong bộ máy hành chính Nhà nước nói chung, Quốc hội cũng
rất quyết liệt chống tiêu cực trong đội ngũ của mình. Quốc hội khóa XIV ghi
nhận số đại biểu Quốc hội phải rời vị trí khi chưa hết nhiệm kỳ, có lẽ ở mức độ
kỷ lục. Có những trường hợp không được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội do
vi phạm pháp luật như Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Thị Nguyệt Hường; có những
trường hợp bị mất quyền đại biểu Quốc hội vì vi phạm pháp luật, như Đinh La
Thăng, Nguyễn Quốc Khánh, Châu Thị Thu Nga; một số trường hợp vì vi phạm kỷ luật
Đảng đã bị miễn nhiệm, cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội như Lê Đình Nhường,
Võ Kim Cự, Phan Thị Mỹ Thanh, Hồ Văn Năm. Có thể nói, việc gương mẫu xử lý
nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật của các đại biểu Quốc hội, cho thấy
hiệu lực của Quốc hội không chỉ từ vai trò, chức năng theo quy định của Hiến
pháp, pháp luật mà còn từ phẩm chất, tư cách và năng lực hoạt động của các đại
biểu Quốc hội.
Qua các
cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp Quốc hội, đại đa số cử tri và nhân
dân đều vui mừng vì hiệu quả hoạt động, uy tín của Quốc hội ngày càng được nâng
cao, Quốc hội ngày càng thể hiện tốt vai trò đại diện cho ý chí và nguyện vọng
của nhân dân. Điều đó đã tăng cường niềm tin của cử tri và nhân dân đối với
Quốc hội. Mỗi kỳ họp Quốc hội luôn là sự kiện chính trị-xã hội được cử tri và
nhân dân đặc biệt quan tâm, theo dõi. Bởi cử tri tin tưởng rằng, những nguyện
vọng, ý kiến tâm huyết của mình luôn được Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trân
trọng, lắng nghe, bàn thảo nghiêm túc và từ đó cho ra những quyết sách đúng
đắn, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước, nâng cao đời sống nhân
dân.
Thực tế
đó là minh chứng bác bỏ đanh thép đối với những luận điệu của những đối tượng
có âm mưu đen tối, cố tình xuyên tạc rằng “Quốc hội không có vai trò thực chất,
chỉ quyết nghị theo chỉ đạo của Đảng, chỉ mang tính hình thức, người dân thì
quay lưng, ngoảnh mặt với hoạt động của Quốc hội”.
Đảng Cộng
sản Việt Nam luôn vì lợi ích của nhân dân, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam cũng luôn vì lợi ích của nhân dân! Điều đó không chỉ đúng
và biện chứng về mặt lý luận, mà luôn được chứng minh rõ ràng trong thực tế,
không ai có thể phủ nhận!
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa