Trong suốt cuộc đời binh
nghiệp của mình, Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị,
nguyên Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã để lại
nhiều dấu ấn trong sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia. Từ
khi còn là Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, mặc dù ở một vị trí mà nhiệm vụ
chính liên quan nhiều đến phương thức tác chiến, binh lực, phương tiện khí tài
của toàn quân, nhưng Đại tướng Phùng Quang Thanh đã dành thời gian quan tâm đến
các vấn đề về biên giới quốc gia.
Dự
án đầu tư xây dựng đường tuần tra biên giới ra đời có sự đóng góp rất lớn của Đại
tướng Phùng Quang Thanh. Thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công
binh cho biết: Dự án đầu tư xây dựng đường tuần tra biên giới do Đại tướng Phạm
Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Quân ủy Trung ương,
nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khởi xướng và giao nhiệm vụ cho Bộ Tổng Tham mưu
và Bộ Tư lệnh Công binh triển khai. Đương nhiên, khi Bộ trưởng quyết định triển
khai một dự án quan trọng phải lấy ý kiến nhiều cơ quan; trong đó, ý kiến Bộ Tổng
Tham mưu là rất quan trọng. Và khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường tuần
tra biên giới thì dường như tất cả mọi chỉ đạo trực tiếp đều do Đại tướng Phùng
Quang Thanh.
Trong thời gian Đại tướng Phùng Quang
Thanh làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông đã dành nhiều thời gian cho nhiệm vụ
công tác biên phòng. Có thể nói, rất nhiều cuộc họp, làm việc với lãnh đạo
Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Đại tướng Phùng Quang Thanh
đều có những kiến nghị cụ thể, rất có giá trị đối với nhiệm vụ xây dựng, quản
lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Ví dụ như việc sử dụng ngân sách quốc phòng và
ngân sách địa phương nhằm xây dựng mới hệ thống đồn, trạm Biên phòng, trang bị
xe ô tô bán tải cho các đồn Biên phòng, Đại tướng đều đưa ra kế hoạch thực hiện
và có sự cam kết của các địa phương với bộ chủ quản.
Trong điều hành thực hiện chức trách,
nhiệm vụ của mình, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã dành nhiều thời gian nghe
Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP báo cáo về những bất cập, vướng mắc trong thực hiện
các chủ trương chính sách trên các vùng biên giới, biển, đảo. Đồng thời, ông
cũng dành nhiều thời gian gặp mặt, nói chuyện với cán bộ cao cấp trong lực
lượng BĐBP. Những đánh giá khích lệ động viên, cũng như những vấn đề hạn chế
trong lực lượng BĐBP mà ông nêu ra qua các buổi gặp mặt, làm việc, thể hiện ông
có sự am hiểu sâu sắc về những khó khăn phức tạp, gian khổ, những hy sinh thầm
lặng, thiệt thòi mà cán bộ, chiến sĩ BĐBP phải chịu đựng, trải qua. Điều đó đã
giúp cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP có thêm động lực cống hiến.
Có thể nói, Đại tướng Phùng Quang Thanh
là một vị chỉ huy chiến lược có tài thao lược về quân sự. Ông trưởng thành
trong chiến đấu, chiến tranh ác liệt, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh
hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tuy nhiên, qua các lần tiếp xúc, được nghe
ông nói chuyện, cán bộ, chiến sĩ đều cảm nhận ở ông có sự nổi trội về tầm nhìn và
tư duy có tính nhân văn sâu sắc của một nhà chính trị. Được biết, ông sinh ra
từ một vùng quê lam lũ với ruộng vườn, có một tuổi thơ đầy những bi thương,
buồn tủi. Khi ông mới được 1 tuổi, cha ông - một cán bộ cách mạng kiên trung đã
bị quân giặc sát hại. Hình ảnh người mẹ tần tảo, chịu đựng đau thương, mất mát
nuôi ông lớn khôn vẫn mãi nằm sâu trong tâm trí ông. Có lẽ vì thế, cùng với sự
giáo dục, rèn luyện của Quân đội, ông đã trở thành một sĩ quan ưu tú, một vị
tướng giữ trọn đạo làm tướng. Ông luôn chia sẻ, cảm thông và ghi nhận sự hy
sinh cống hiến của đồng bào, đồng chí có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Sự uyên thâm về chính trị của Đại tướng
Phùng Quang Thanh trong chỉ đạo công tác biên phòng ở chỗ, ông đã tạo mọi điều
kiện thuận lợi để sáng kiến của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP được thực thi trên
thực tế. Đó là câu chuyện xây dựng mối quan hệ đoàn kết láng giềng giữa quân và
dân hai bên biên giới. Ông rất vui khi mô hình kết nghĩa “bản - bản”, kết nghĩa
các đơn vị bảo vệ biên giới giữa các nước láng giềng với BĐBP Việt Nam ra đời
và phát huy tác dụng tích cực.
Hiện nay, đường biên giới đất liền Việt
Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Lào đã hoàn thành phân giới, cắm mốc; đường biên
giới đất liền Việt Nam - Campuchia đã hoàn thành 84% khối lượng phân giới cắm
mốc trên thực địa. Đây là giải pháp rất cơ bản để bảo đảm đường biên giới ổn
định lâu dài. Tuy nhiên, sự gắn kết lòng dân và quân hai bên biên giới mới là
giải pháp quan trọng nhất để bảo đảm biên giới ổn định và phát triển. Vì vậy,
Đại tướng Phùng Quang Thanh đã có nhiều chỉ đạo sâu sát, kịp thời vì mục đích
biên cương hữu nghị.
Các phóng viên của Báo Biên phòng còn nhớ
Đại tướng Phùng Quang Thanh cùng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Ủy viên
Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã trực tiếp chỉ đạo thực hiện
Chương trình “Biên cương thắm tình hữu nghị” lần thứ nhất tại Nhà hát lớn Hà
Nội, nhân kỷ niệm 55 năm Ngày Truyền thống BĐBP (3-3-2014). Đây là lần đầu tiên
Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng cho phép BĐBP tổ chức chương trình giao lưu
với lực lượng quản lý và bảo vệ biên giới của các nước láng giềng. Chương trình
có nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, Công an, Ngoại giao...
tham dự.
Nhờ có sự quan tâm chỉ đạo của Đại tướng
Phùng Quang Thanh, nhiệm vụ công tác biên phòng có thêm nhiều thuận lợi. Toàn
quân nhận thức rõ hơn về nhiệm vụ công tác biên phòng. BĐBP được bổ sung các
nguồn lực cơ sở vật chất và chính sách ưu tiên, nhân dân các vùng biên giới
cũng được hưởng những thành quả do thực hiện các chương trình, dự án có giá trị
về quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét