Trước sự bùng phát của đại dịch COVID-19, bên cạnh đẩy mạnh việc tiêm
chủng vaccine thì nhiều quốc gia cũng thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp giãn
cách xã hội để giảm thiểu tối đa việc lây nhiễm bệnh.
Ở nước ta, việc các địa phương thực hiện biện
pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhận được sự đồng
tình, ủng hộ của đại đa số người dân. Mặc dù quá trình giãn cách xã hội sẽ gây
khó khăn về điều kiện ăn ở, đi lại, sinh hoạt, sản xuất, lưu thông, tuy nhiên
đây là biện pháp cần thiết, cấp bách. Người dân luôn luôn sẵn sàng đồng hành
với Chính phủ với tinh thần chung là sớm đẩy lùi dịch bệnh để đưa cuộc sống ổn
định trở lại.
Đại dịch cũng đã và đang tác động, ảnh hưởng
nhiều mặt đến đời sống của người dân, nhất là người nghèo, người không có công
việc ổn định trong xã hội. Chính vì lẽ đó, Chính phủ rất quan tâm, triển khai
các gói hỗ trợ và chỉ đạo sát sao để người dân không thiếu ăn, thiếu mặc, đảm
bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, do điều kiện, tình hình thực tế của một số địa
bàn cơ sở tại các địa phương thực hiện giãn cách nghiêm ngặt nên việc tiếp cận,
hỗ trợ chưa kịp thời và một số người dân có phản ứng về vấn đề này.
Điển hình vào ngày 27/8, một số người dân khu
trọ đường Bưng Ông Thoàn, phường Phú Hữu, quận 9, TP Hồ Chí Minh có phản ứng vì
chưa nhận được tiền hỗ trợ của địa phương và clip vụ việc này được đăng tải
trên mạng xã hội.
Lợi dụng tình hình trên, các cá nhân, tổ chức
phản động, chống đối chính trị đã chia sẻ video, hình ảnh, bài viết có lời lẽ
kích động, thổi phồng sự thật, cho rằng chính quyền không quan tâm đến cuộc
sống của người dân, có hàng trăm, hàng nghìn người tham gia biểu tình, tuần
hành phản đối chính quyền, kéo lên trụ sở “cướp kho thóc”. Đài Châu Á tự do
(RFA) ngày 30/8 đăng tải đoạn video không trích dẫn rõ nguồn gốc và quy kết
rằng: “TPHCM: Kéo hàng trăm người biểu tình, hơn 100 hộ dân được hỗ trợ ngay
sau đó”.
Tại thời điểm này, một số kênh truyền thông
của các tổ chức phản động cũng đã có các bài đăng tương tự để kích động tâm lý
người dân, cho rằng người dân không thể ngồi nhà chờ hỗ trợ, xuống đường là
giải pháp để có cái ăn, cái mặc.
Tổ chức khủng bố Việt Tân ngày 29/8 rêu rao:
“Dân đã bắt đầu biết xuống đường đấu tranh bất bạo động. Đói ít thì còn ôn hòa
thế, vài tuần nữa, đói nhiều không biết tình hình sẽ ra sao! "Con giun xéo
lắm cũng quằn", dân không phải là giun nên không thể cách ly kiểu giam
lỏng người dân cả tháng trời mà không cung cấp cho họ đủ sức cầm cự là coi như
tiêu…”.
Các bài viết thổi phồng tình hình thực tế diễn
ra tại địa phương, những video được cắt xén, lồng ghép khiến người xem không
hiểu rõ đầu đuôi, bản chất sự việc được các đối tượng tung ra để gây tâm lý
căng thẳng, lo lắng trong nhân dân, từ đó kích động phản đối, cao hơn nữa là
biểu tình, bạo loạn.
Cùng với đó, các đối tượng tung lên các video
có nội dung không đầy đủ, không phản ánh đúng bản chất như việc một số người
trong khu cách ly chen lấn lấy thức ăn hay cảnh công nhân to tiếng, tranh cãi
với nhân viên bảo vệ ở một khu công nghiệp tại Bình Dương. Đây là hành vi nguy
hiểm nếu như người dân không đề cao cảnh giác với những video thất thiệt trên
mạng.
Trong bối cảnh đó, các phần tử chống phá chế
độ sẽ tiếp tục lợi dụng tình hình để tuyên truyền, kích động chống phá, nhất là
ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Do đó, mỗi người dân chúng ta cần
cảnh giác trước các luận điệu kích động biểu tình, kêu gọi xuống đường thông
qua các bài viết, video, hình ảnh thất thiệt trên internet. Chủ động ứng biến,
tiếp cận có chọn lọc trước nguồn thông tin trên internet, biết cách chọn lựa,
sàng lọc để tránh sự tác động tiêu cực từ các nguồn thông tin này.
Cẩn trọng trước những thông tin được phát đi
từ các trang tin của các cá nhân, tổ chức chống đối chính trị, các trung tâm
truyền thông thiếu thiện chí với Việt Nam. Mỗi người sử dụng mạng xã hội cần
nêu cao ý thức, trách nhiệm trước cộng đồng, nên lan tỏa, chia sẻ những thông
tin tích cực, chính thống, có ý nghĩa động viên tinh thần trong công tác phòng,
chống dịch. Ngược lại, không chia sẻ những thông tin thất thiệt, không rõ nguồn
gốc, thông tin sai trái, độc hại. Đặc biệt, cảnh giác với những thông tin kích
động biểu tình, chống phá.
Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa các
thông tin chính xác, kịp thời, tạo ra được sự đồng thuận, chia sẻ, ủng hộ của
người dân. Với các thông tin, hình ảnh thất thiệt, độc hại trên internet, cần
xác minh, kiểm tra để phản hồi kịp thời, tránh để kéo dài khoảng trống thông
tin, gây lo lắng trong nhân dân.
Kịp thời nắm các thông tin trái chiều trên
không gian mạng, các thông tin kích động biểu tình, chống đối được phát đi từ
các trung tâm truyền thông thiếu thiện chí với Việt Nam, các cá nhân, tổ chức
chống đối chính trị để khuyến cáo tới người dân phòng ngừa, đấu tranh. Đồng
thời bám sát địa bàn cơ sở, từng hộ dân, nắm kỹ các nguồn thông tin, đặc biệt
là phản ánh của người dân, lao động nghèo để có các biện pháp tham mưu, đề xuất
kịp thời cho chính quyền chăm lo, hỗ trợ kịp thời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét