Hiện nay, đại dịch COVID-19 bùng phát và có sức
tàn phá khủng khiếp trên khắp thế giới. Nhân loại bước vào cuộc chiến không ngờ
với “kẻ thù vô hình” SARS-CoV-2. Cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam không nằm
ngoài vòng xoáy này. Suốt gần 4 tháng qua, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta
luôn đoàn kết, trên dưới thống nhất một lòng, tận tâm, tận lực thực hiện mục
tiêu của Đảng và Nhà nước đã đề ra: “Bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân”
trước dịch bệnh. Vậy mà, đâu đó vẫn có những luận điệu cố tình xuyên tạc, muốn
phủ nhận công sức, thành quả của nước ta trong cuộc chiến chống đại dịch. Cụ thể:
Khi ta đang thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ thì chúng cho rằng “Đảng đang biến
các địa phương như những trại tù”; vu cáo cơ quan truyền thông “bung bít” thông
tin và chính quyền “không quan tâm đến đời sống của người dân”, nhất là bộ phận
công nhân, kêu gọi xóa sổ tổ chức Công đoàn Lao động Việt Nam, thành lập tổ chức
“Công đoàn độc lập”; yêu cầu “xóa bỏ giãn cách”, kích động người dân không thực
hiện các biện pháp phòng, chống dịch của chính quyền...
Việc làm đó không chỉ thể hiện sự thiếu hiểu
biết, thờ ơ vô cảm trước sinh mệnh của người dân, mà còn lộ rõ dã tâm chống
phá, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với chế độ ta, Nhà nước ta.
Thực tế cho thấy, từ khi dịch COVID-19 bùng
phát lần thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay, Chính phủ Việt Nam đã kích hoạt sớm các biện
pháp phòng, chống cao hơn một mức so với khuyến cáo của WHO; áp dụng một loạt
các biện pháp phòng, chống dịch bệnh chưa có trong tiền lệ, quy mô lớn và áp dụng
biện pháp cách ly toàn xã hội ở một số địa phương. Với quan điểm nhất quán “chấp
nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân
dân”; triển khai các biện pháp đồng bộ để bảo vệ cho người dân trước những nguy
hiểm hiện hữu do đại dịch gây ra là việc cần thiết, cấp bách. Mọi phương châm,
hành động của Chính phủ Việt Nam đều có sự cân nhắc và chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm
thực hiện mục tiêu tối thượng là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân.
Trong từng thời điểm, từng cấp độ dịch bệnh,
Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các biện pháp kịp thời, linh hoạt, nhằm ứng phó hiệu
quả với dịch bệnh. Những quyết sách đó đã được Nhân dân đồng tình thực hiện. Bởi
người dân Việt Nam từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến miền núi xa
xôi, vùng biển mặn mòi, đều ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh và đánh giá
cao những chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước đều là vì dân. Mỗi người
dân là một "chiến sĩ” đều nhận rõ quyền và trách nhiệm trong cuộc chiến
cam go này. Chính vì vậy, đã có biết bao tấm gương, câu chuyện cảm động về tinh
thần nhường cơm sẻ áo, lá lành đùm lá rách, thấm đẫm tình người trong đại dịch.
Đồng thời, Chính phủ và các bộ, ngành liên
quan đã liên tiếp ban hành các chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng người dân và
doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Không thể khoanh tay đứng nhìn, chẳng thể nhắm
mắt làm ngơ khi sinh mệnh của đồng bào mình đang bị đe dọa nghiêm trọng. Đó
chính là đạo lý tốt đẹp, thể hiện trọn vẹn ý nghĩa “không để ai bị bỏ lại phía
sau” trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, khẳng định chủ trương, chính
sách đầy tính nhân văn của Đảng, Nhà nước, quyết tâm hành động vì Nhân dân.
Bên cạnh đó, Công đoàn Lao động Việt Nam nhanh
chóng triển khai nhiều hoạt động thiết thực, nỗ lực sát cánh cùng đoàn viên,
người lao động vượt qua khó khăn, vững vàng duy trì hoạt động sản xuất, kinh
doanh trong đại dịch. Đã sớm quyết định sử dụng tài chính công đoàn tích lũy để
hỗ trợ đoàn viên, người lao động; miễn đóng đoàn phí công đoàn đối với đoàn
viên có mức lương thấp, lùi đóng kinh phí với các doanh nghiệp gặp khó khăn.
Hàng vạn cán bộ công đoàn các cấp ngày đêm bám trụ cơ sở, theo sát chăm lo cho
công nhân lao động ở các tâm dịch. Các cấp công đoàn đã hỗ trợ kịp thời hàng
triệu phần quà, đồ dùng, nhu yếu phẩm cho người lao động; hàng vạn suất ăn, các
loại thực phẩm do cán bộ công đoàn tự tay chế biến được gửi trao tới đoàn viên,
người lao động. Triển khai nhiều mô hình giúp đỡ đoàn viên, người lao động hiệu
quả, như: Tổ an toàn COVID-19, Tổ cứu trợ khẩn cấp, Siêu thị 0 đồng, Xe buýt
siêu thị 0 đồng, Bếp ăn yêu thương, vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê
trọ cho người lao động... Cụ thể: Công đoàn các cấp đã chi hỗ trợ tuyến đầu chống
dịch và đoàn viên, người lao động từ nguồn tài chính công đoàn và nguồn xã hội
hóa với tổng số tiền hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó Tổng Liên đoàn đã chi 19,3 tỷ
đồng; công đoàn cấp trên cơ sở và cơ sở đã hỗ trợ cho 867.972 đoàn viên, người
lao động với số tiền hơn 423 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ các hoạt động vận động xã
hội của các cấp công đoàn, đã có thêm gần 228 tỷ đồng tới tay hàng trăm nghìn
công nhân lao động đang gặp khó khăn; ủng hộ và vận động ủng hộ công tác phòng,
chống dịch hơn 390 tỷ đồng (trong đó nộp về Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam 162,82 tỷ đồng; ủng hộ Quỹ Vaccine phòng, chống dịch COVID-19 hơn 228
tỷ đồng).
Thực tế hành động và kết quả công tác phòng,
chống dịch bệnh trên chính là bằng chứng thuyết phục nhất, nhằm bác bỏ, đập tan
những luận điệu sai trái, lợi dụng bối cảnh khó khăn để xuyên tạc tình hình, chống
phá chế độ. Những luận điệu này phải chăng xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về bản
chất dịch bệnh, phớt lờ những khuyến cáo về mức độ nguy hiểm của virus
SARS-CoV-2 trên phạm vi toàn cầu. Hay đây là luận điệu của những kẻ hiểu rất rõ
về sự nguy hại của đại dịch, nhưng vẫn cố tình xuyên tạc, với những toan tính
riêng. “Đục nước béo cò”, những đối tượng này lồng ghép những lời lẽ xuyên tạc
về công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhưng thực chất là làm suy giảm niềm
tin của Nhân dân vào chế độ ta, Nhà nước ta. Bất luận vì động cơ gì thì đó đều
là những hành vi đi ngược lại với dòng chảy, nỗ lực chung của nhân loại trong
cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu, cần phải lên án mạnh mẽ.
Cuộc chiến chống lại đại dịch vẫn còn nhiều
cam go, chưa có dấu hiệu kết thúc. Trên con đường còn nhiều khó khăn, thử thách
ấy, toàn dân Việt Nam luôn vững một niềm tin, đồng tâm hiệp lực thực hiện những
quyết sách kịp thời, sáng suốt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hướng đến mục tiêu
chiến thắng đại dịch COVID-19./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét