Việt Nam là một quốc gia thống
nhất gồm 54 dân tộc chung sống. Các dân tộc ở nước ta sinh sống gắn bó cùng nhau từ lâu đời, đã sớm
có ý thức đoàn kết, giúp nhau trong chinh phục thiên nhiên, chống giặc ngoại
xâm và xây dựng đất nước. Các dân tộc ở nước ta sống xen kẽ nhau, không có dân
tộc thiểu số nào cư trú theo vùng lãnh thổ riêng. Yếu tố đó nói lên sự hoà hợp
của cộng đồng các dân tộc đã có từ lâu đời và đã trở thành đặc điểm lịch sử,
văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Trong suốt quá trình cách mạng Việt Nam, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về chính sách dân tộc là nhất quán, theo nguyên tắc: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ nhau cùng phát triển. Đây vừa là nguyên tắc, vừa là mục tiêu chính sách dân tộc của Đảng và nhà nước ta.
- Bình đẳng giữa các dân tộc là một nguyên
tắc cơ bản có ý nghĩa quan trọng hàng đầu của chính sách dân tộc về quyền của
các dân tộc thiểu số. Các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ
phát triển cao hay thấp đều ngang nhau về quyền lợi và nghĩa vụ trong mọi lĩnh
vực hoạt động cuả đời sống xã hội và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật.
Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, trước hết là quyền bình đẳng về chính trị,
chống mọi biểu hiện chia rẽ kỳ thị dân tộc, dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan,
tự ty dân tộc,… Quyền bình đẳng về kinh tế, đảm bảo sự bình đẳng trong quan hệ
lợi ích giữa các dân tộc. Nhà nước có trách nhiệm giúp các dân tộc có kinh tế
chậm phát triển để cùng đạt được trình độ phát triển chung với các dân tộc khác
trong cả nước. Bình đẳng về văn hoá, xã hội bảo đảm cho việc giữ gìn và phát
huy bản sắc văn hoá của các dân tộc, làm phong phú và đa dạng nền văn hoá Việt
Nam thống nhất.
- Các dân tộc Việt Nam đã cùng chung sống
lâu đời bên nhau, gắn bó máu thịt với nhau, cùng nhau dựng nước và giữ nước.
Truyền thống đoàn kết đó được gìn giữ và phát triển trong suốt tiến trình hàng
ngàn năm lịch sử, gắn kết các dân tộc chung sức xây dựng tổ quốc Việt Nam thống
nhất.
Kế thừa truyền thống đoàn kết quý báu của
dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã xác định đoàn kết dân tộc là một nguyên tắc cơ
bản trong chính sách dân tộc xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam. Ngày nay,
dưới sự lãnh đạo của Đảng, các dân tộc đang phát huy truyền thống đoàn kết tốt
đẹp, cùng nhau xây dựng đất nước với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công
bằng dân chủ văn minh và tiến bộ.
- Đảng và Nhà nước ta đã coi tương trợ
nhau cùng phát triển là một nguyên tắc quan trọng của chính sách dân tộc trong
thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển thể
hiện trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội.
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội
vùng dân tộc và miền núi, nâng cao dần mức sống của đồng bào các dân tộc, trong
những năm đổi mới vừa qua và nhất là giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã
ban hành nhiều chủ trương chính sách ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số
một cách đồng bộ và toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Đồng
thời, đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án đầu tư phát triển trên
địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc như: Chương trình trồng mới 5 triệu ha
rừng, Chương trình xoá đói giảm nghèo, Chương trình phát triển kinh tế – xã hội
các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135),…
Với sự quan tâm sâu sắc, chăm lo đầy đủ,
cụ thể của Đảng và Nhà nước, cùng với tinh thần nỗ lực, cố gắng của đồng bào
các dân tộc, tình hình kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc đã có bước chuyển
biến, tiến bộ đáng kể, cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng
sâu, vùng xa được cải thiện rõ rệt, quyền của các dân tộc thiểu số được bảo đảm
đầy đủ và toàn diện.