Giáo dục và đào
tạo là một lĩnh vực đặc biệt, có vai trò quyết định đến tiến trình phát triển
lâu dài của đất nước; không những thế, nó còn tác động đến mọi gia đình, mọi
con đường phát triển của xã hội. Bởi vậy, đây luôn là lĩnh vực thu hút sự quan
tâm của xã hội, nhạy cảm, dễ trở thành vấn đề gây bức xúc và thường xuyên bị
các thế lực chống phá, cơ hội, khoác áo dân chủ nhân quyền tìm cách lợi dụng,
thổi phồng các vấn đề tiêu cực trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhằm khiến
dân chúng bất bình, hướng lái, đánh tráo bản chất vấn đề để tấn công vào hệ thống
chính trị, bộ máy lãnh đạo của ta.
Ngày 05/3/2023, trên trang facebook Việt Tân, đối tượng Tư Thương phát tán bài “Giáo dục Việt Nam: Gánh nặng của dân nghèo”; đối tượng Thái Hạo với bài “Khi giáo viên không hạnh phúc”, nội dung xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta trên lĩnh vực giáo dục – đào tạo; phủ nhận thành quả đạt được của hệ thống giáo dục các cấp; bôi nhọ, nói xấu Đảng, nói xấu chế độ.
Trước hết, chúng ta không
thể phủ nhận thành tựu của nền giáo dục Việt Nam thời gian qua. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, nước ta phải
đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Một trong số đó là “giặc dốt” khi có
đến 95% dân số không biết chữ. Xác định tầm quan trọng của giáo dục, tại phiên
họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác
định “diệt giặc dốt” là một trong 6 nhiệm vụ cấp bách của nước ta lúc bấy giờ. Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, những năm qua, giáo
dục luôn được xác định là “quốc sách hàng
đầu” và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp
phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, nổi bật là: Thực
hiện nền giáo dục toàn dân; hệ thống trường lớp và quy mô giáo dục phát triển
đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân; chất lượng giáo dục được
nâng cao, góp phần đáp ứng yêu cầu nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã
hội; đội ngũ nhà giáo ngày càng được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất
lượng; cơ sở vật chất của hệ thống giáo dục từng bước được hiện đại hóa…
Vậy, nền giáo
dục của Việt Nam có phải là gánh nặng của dân nghèo hay không? Rõ ràng đây là
một luận điểm hoàn toàn phản động, sai trái. Dĩ nhiên, chúng ta không phủ nhận
giáo dục, đào tạo vẫn có những mặt chưa đáp ứng được yêu cầu. Đại hội XIII Đảng
đã chỉ ra: “Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo chưa cao... Đội ngũ nhà
giáo và cán bộ quản lý giáo dục, trên một số mặt vẫn còn bất cập về chất lượng,
số lượng, cơ cấu và chính sách đãi ngộ. Quản lý nhà nước và quản lý - quản trị
nhà trường còn nhiều hạn chế. Nguy cơ tái mù chữ có xu hướng tăng ở miền núi,
vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà các “nhà dân
chủ” có thể xuyên tạc, phủ nhận sạch trơn, “đổi trắng thay đen” bản chất của
nền giáo dục nước ta.
Việc nhìn
thẳng vào hạn chế, thiếu sót cho thấy Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến
giáo dục, không bao giờ có chuyện “tô hồng” để “mị dân” như những luận điệu độc
địa được các đối tượng xấu đưa ra, mà Đảng và Nhà nước ta luôn có những chủ trương, chính sách để khắc phục hạn chế, bảo đảm việc
tiếp cận giáo dục, hỗ trợ đặc biệt cho người dân. Đơn cử, học sinh bán trú cấp
tiểu học, THCS, học sinh THPT là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện
kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn ở xa trường, không thể đi đến trường và trở
về nhà trong ngày được hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương tối thiểu chung và
tiền nhà ở bằng 10% mức lương tối thiểu chung, hỗ trợ 15kg gạo/tháng/học sinh
theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18-7-2016 của Chính phủ quy định chính
sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Ngoài
ra, còn nhiều chính sách khác để thúc đẩy giáo dục, đào tạo như chính sách cử
tuyển; miễn, giảm học phí; ưu tiên trong tuyển sinh; hỗ trợ đội ngũ nhà giáo và
cán bộ quản lý giáo dục… Đây là minh chứng rõ ràng khẳng định nỗ lực của Đảng,
Nhà nước ta trong bảo đảm công bằng trong giáo dục để không ai bị bỏ lại phía
sau, đặc biệt ở vùng sâu, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong thời gian tới, trước những biến đổi nhanh chóng
của tình hình trong nước và quốc tế, đặc biệt là tác động của cuộc cách mạng
4.0, giáo dục và đào tạo càng có ý nghĩa, vai trò quan trọng. Đại hội XIII của
Đảng xác định định hướng phát triển: “Tạo
đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn
nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài…”. Chúng ta cần tiếp tục đổi mới đồng bộ
mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo
theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã
hội và bảo vệ Tổ quốc. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tri thức, giáo dục
phải tập trung rèn luyện đạo đức, nhân cách, tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn
dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc. Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng một
cách đồng bộ; quan tâm hơn nữa đến phát triển giáo dục ở miền núi, vùng cao,
hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, cần đổi mới mạnh mẽ chính
sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để
tạo nền tảng thúc đẩy giáo dục.
phản động chuyện gì cũng xuyên tạc
Trả lờiXóa