Quá trình xây dựng, trưởng thành, phát triển của Đảng Cộng sản
Việt Nam và cách mạng Việt Nam đã để lại thực tế sinh động, nhiều bài học kinh
nghiệm quý báu về mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Ngày
18-8-1962, nói chuyện với nhân dân và cán bộ tỉnh Phú Thọ, Hồ Chí Minh khẳng
định: “Đảng ta là đảng cách mạng. Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có
lợi ích gì khác. Vì vậy mà Đảng ta được dân tin, dân phục, dân yêu. Ngày nay,
nhiệm vụ của Đảng ta là lãnh đạo quần chúng đánh thắng tình trạng nghèo nàn và
lạc hậu, xây dựng đời sống ấm no sung sướng cho nhân dân”.
Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh luôn chỉ rõ quan
điểm Đảng không được xa rời quần chúng nhân dân. Lãnh tụ Lênin từng căn dặn
những người cộng sản: Đối với Đảng Cộng sản “… thì một trong những nguy hiểm
lớn nhất và đáng sợ nhất là sự tự cắt đứt liên hệ với quần chúng”. Chủ tịch Hồ
Chí Minh khi phát biểu về bản Tổng cương và Điều lệ của Đảng, ngày 10-5- 1950,
đã nhắc nhở: “Đảng không phải làm quan, sai khiến quần chúng mà phải làm đầy tớ
cho quần chúng và phải làm cho ra trò, nếu không quần chúng sẽ đá đít. Muốn như
thế phải gần quần chúng, học quần chúng, lãnh đạo quần chúng, cái gì lợi cho
quần chúng thì làm, hại cho quần chúng thì tránh. Xa quần chúng là hỏng, cần
phải nhớ nhiệm vụ của Đảng là làm đầy tớ cho quần chúng”.
Theo Hồ Chí Minh Đảng xa quần chúng là mắc bệnh quan liêu, mà
quan liêu lại là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, là nguồn gốc của tham ô, lãng phí.
Trả lời câu hỏi “Bệnh quan liêu là thế nào?”, trên Báo Sự thật ngày 2-9-1950,
Hồ Chí Minh viết: Bệnh quan liêu “nguyên nhân của nó vì xa cách quần chúng,
không hiểu biết dân chúng, không học hỏi dân chúng, sợ dân chúng phê bình”. Ngày
24-7-1962, nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, Hồ Chí
Minh chỉ rõ: “Quan liêu là cán bộ phụ trách xa rời thực tế, không điều tra,
nghiên cứu đến nơi đến chốn những công việc cần phải làm, việc gì cũng nắm
không vững, chỉ đạo một cách đại khái, chung chung. Quan liêu là xa rời quần
chúng, không đi sâu đi sát, không hiểu rõ lai lịch, tư tưởng và công tác của
cán bộ mình. Không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Sợ phê bình và tự phê bình.
Tác phong của những “ông quan liêu” là thiếu dân chủ, không giữ đúng nguyên tắc
lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách. Vì vậy, bệnh quan liêu là nguồn gốc sinh
ra lãng phí, tham ô”. Trước đó, trong
bài “Cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh” đăng trên Báo Nhân dân ngày
2-9-1951, Hồ Chí Minh xác định: “Bệnh quan liêu mệnh lệnh chỉ đưa đến một kết
quả là hỏng việc. Vì vậy, chúng ta phải mau mau chữa bệnh nguy hiểm ấy”. Hồ Chủ
tịch cũng chỉ rõ các biện pháp để chữa bệnh quan liêu: “Cách chữa bệnh ấy gồm
có một nguyên tắc là: Theo đường lối nhân dân và 6 điều là: Đặt lợi ích nhân
dân lên trên hết; Liên hệ chặt chẽ với nhân dân; Việc gì cũng bàn với nhân dân,
giải thích cho nhân dân hiểu rõ; Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước
nhân dân, và hoan nghênh nhân dân phê bình mình; Sẵn sàng học hỏi nhân dân; Tự
mình làm gương mẫu cần kiệm liêm chính, để nhân dân noi theo”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò to lớn của quần
chúng nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, Đảng bao gồm những quần chúng tiên phong,
gương mẫu nhất: “Là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nghĩa là
những người thợ thuyền, dân cày và lao động trí óc kiên quyết nhất, hăng hái
nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Những
người mà: Giàu sang không thể quyến rũ. Nghèo khó không thể chuyển lay. Uy lực
không thể thuyết phục”. Hồ Chí Minh cũng khẳng định mục đích duy nhất của Đảng
là vì nhân dân, ngoài lợi ích của nhân dân Đảng không có lợi ích nào khác; đồng
thời có nhân dân thì mới có lực lượng cách mạng. Phân tích mối quan hệ giữa
Đảng với giai cấp công nhân, với nhân dân, Người chỉ rõ: giai cấp mà không có Đảng
lãnh đạo thì không làm cách mạng được, nhưng nếu Đảng mà không có giai cấp công
nhân cũng không làm được gì. Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng phải ra sức lãnh đạo, tổ
chức nhân dân để giải phóng nhân dân và nâng cao sinh hoạt, văn hóa, chính trị
của nhân dân. Tháng 10-1947, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chủ tịch
viết: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng nghe ý kiến của dân
chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi. Vì vậy,
cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng
giữa trời, nhất định thất bại”.
Vì vậy, trong suốt quá trình xây dựng, rèn luyện Đảng ta, Hồ Chí
Minh thường xuyên yêu cầu Đảng không được xa rời quần chúng mà phải: “Đảng phải
đi sát quần chúng, khéo tổ chức và lãnh đạo quần chúng, thì cách mạng mới thành
công”. Đồng thời Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dân cũng phải tích cực ủng hộ, tham
gia vào các hoạt động cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ngay từ ngày 18-
2-1930, trong Lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ
Chí Minh đã viết: “Hỡi công nhân, nông dân, binh sĩ, thanh niên, học sinh! Anh
chị em bị áp bức, bóc lột! Đảng Cộng sản ở Đông Dương đã được thành lập. Đó là
Đảng của giai cấp vô sản. Đảng sẽ dìu dắt giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng An
Nam đấu tranh nhằm giải phóng cho toàn thể anh chị em bị áp bức, bóc lột chúng
ta. Từ nay, anh chị em chúng ta cần phải gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo
Đảng…”. Trong khi kêu gọi, mong muốn nhân dân ủng hộ Đảng, đi theo Đảng, Hồ Chí
Minh thẳng thắn chỉ rõ yêu cầu nhân dân phải tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng,
góp ý phê bình Đảng: “Cán bộ phải tôn trọng dân chủ, nhưng đồng bào phải đòi
quyền dân chủ nhân dân của mình. Mình làm cách mạng để thực hiện dân chủ, không
phải làm cách mạng để thành “Cán chủ”. Phải loại trừ cho nhanh chừng nào tốt
chừng ấy các tệ nạn quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lãng phí”. Hồ Chí Minh cũng
thường xuyên nhắc nhở Đảng cần phải tạo thuận lợi cho nhân dân làm tốt công
việc này. Người chỉ rõ Đảng là đầy tớ của nhân dân, cần phải hoan nghênh sự phê
bình của nhân dân. Người nêu rõ nhân dân phê bình không có hại mà chỉ có lợi
cho Đảng và nhân dân phê bình càng rộng, thì chính sách của Đảng càng đúng, uy
tín của Đảng càng cao.
Từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang thực
hiện tốt mối quan hệ máu thịt với nhân dân và đó chính là nguồn sức mạnh to lớn
để Đảng, nhân dân, đất nước giành được những thắng lợi to lớn về mọi mặt. Đây
cũng là cơ sở quan trọng, là bài học kinh nghiệm thiết thực để chúng ta thực
hiện thắng lợi phương châm mà nghị quyết của Đảng đã xác định: “Dân biết, dân
bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Để đạt được phương
châm, mục tiêu đó đòi hỏi chúng ta phải phát huy cao nhất sức mạnh của ý Đảng,
lòng dân, trong đó mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự tiên phong, gương mẫu
thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nhất là về mối quan
hệ Đảng với nhân dân. Yêu cầu cấp thiết, cụ thể của từng cán bộ, đảng viên là
phải tự giác, gương mẫu chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng, trong đó có
Quy định về những điều đảng viên không được làm, mà tại Điều 3, có quy định
đảng viên không được: “độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”./.
bài viết rất thực tế
Trả lờiXóa