Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 6 tháng 3, 2023

NVE39 - LÀM RÕ KẾ THỪA, PHÁT TRIỂN VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT NƯỚC NHÀ 80 NĂM QUA

 

Chiều 1/3, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng đối với văn học, nghệ thuật 80 năm qua”.

Các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, chủ trì Tọa đàm.

Tọa đàm khoa học “Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng đối với văn học, nghệ thuật 80 năm qua” là cuộc Tọa đàm chuyên sâu về sự kế thừa, phát triển của văn học, nghệ thuật nước ta trong 80 năm qua trên cơ sở những luận điểm gốc, cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943).

Mục tiêu chủ yếu của Tọa đàm là căn cứ vào nội dung của Đề cương về văn hoá Việt Nam (1943), xuất phát từ đời sống lý luận, phê bình và thực tiễn phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà để đánh giá, làm rõ những vấn đề cơ bản: Phân tích làm rõ quan điểm cơ bản về văn hoá, văn nghệ và giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc, lâu bền của Đề cương về văn hoá Việt Nam (1943); làm rõ quá trình kế thừa, vận dụng và phát triển những nội dung quan trọng của Đề cương trong việc xây dựng và phát triển tư duy lý luận văn nghệ Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; đề xuất định hướng và những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển để xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khẳng định về tầm quan trọng của bản Đề cương trong lịch sử phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam và nền văn hóa nghệ thuật nước ta; nhấn mạnh: “Đề cương về văn hóa Việt Nam ngay từ khi ra đời đã khẳng định tư duy, tầm nhìn, trí tuệ của Đảng ta về cách mạng và văn hóa; như ngọn đèn pha soi rọi cho những người cộng sản và toàn dân nhìn thấy con đường mình đang đi và sẽ đi tới. Ban Tổ chức Tọa đàm mong muốn và đề nghị các đại biểu tập trung nhiều hơn cho việc đánh giá sự ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa đối với văn hóa nói chung, với sự phát triển của văn hóa, văn nghệ nước nhà 80 năm qua; những thành tựu nổi bật của nền văn học, nghệ thuật chúng ta đã gặt hái được; những đề xuất, kiến nghị quan trọng, cấp thiết hôm nay với Đảng và Nhà nước”.

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương sau Tọa đàm kiến nghị cụ thể với Chính phủ để xây dựng chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam. Phó Thủ tướng mong muốn các nhà nghiên cứu, các đại biểu, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu và có những dự báo để văn hóa, văn nghệ tham gia đóng góp sự phát triển của đất nước, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.

Phát biểu kết luận Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Đề cương về văn hóa Việt Nam là văn kiện đầu tiên của Đảng về văn hóa, văn nghệ, có tác dụng to lớn định hướng phát triển văn hóa văn nghệ suốt 80 năm qua. Đặc biệt, ba nguyên tắc vận động của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam "dân tộc hóa", "khoa học hóa", "đại chúng hóa" có sức sống mạnh mẽ, trường tồn.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, trên cơ sở phát triển tư tưởng cốt lõi của Đề cương, Đảng ta đặc biệt chú trọng việc xây dựng, phát triển, phát huy vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta khẳng định: "Tài năng, văn học nghệ thuật là vốn quý của dân tộc. Chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học - nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp".

Tuy nhiên, tình hình thế giới và trong nước hiện nay đang mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Thế giới tiếp tục phát triển theo hướng đa cực, với nhiều khuynh hướng khác nhau, vừa quốc tế hóa và vừa khu vực hóa, vừa hợp tác vừa cạnh tranh về chính trị, kinh tế, quân sự, an ninh, ngoại giao và văn hóa. Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư tạo những tiền đề quan trọng để hiện đại hóa các ngành văn hóa, nghệ thuật nhưng cũng nảy sinh những thách thức trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và quá trình lãnh đạo, quản lý các hoạt động văn hóa, văn nghệ.

“Trước tình hình phức tạp đó, chúng ta cần phải kiên định đường lối xây dựng nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, dân chủ và nhân văn; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quan trọng về văn hóa mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra: Tập trung nghiên cứu và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực của con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.” - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Hội đồng tiếp tục tập trung tổ chức một số công tác trọng tâm là: Tham gia tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23- NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, tổng kết công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam sau 50 năm đất nước thống nhất, tham gia Chương trình nghiên cứu, tổng kết thực tiễn văn học nghệ thuật thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cần nghiên cứu đề xuất những giải pháp khả thi, đưa đường lối của Đảng vào đời sống, quảng bá ngày càng sâu rộng văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ nền văn học nghệ thuật để chúng ta có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật thể hiện chân thực đời sống nhân dân, dân tộc, giàu giá trị nhân văn và giá trị thẩm mỹ, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc và thời đại.

1 nhận xét:

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...