Phong
cách quần chúng Hồ Chí Minh là nội dung quan trọng hàng đầu trong phong cách
làm việc của Hồ Chí Minh.
Nó được
thể hiện bằng những hành động cụ thể như: Sâu sát quần chúng, chú ý tìm hiểu
tâm tư nguyện vọng của quần chúng, quan tâm đến mọi mặt đời sống của quần
chúng; Tin yêu và tôn trọng con người, chú ý lắng nghe ý kiến và giải quyết những
kiến nghị chính đáng của quần chúng, sẵn sàng tiếp thu phê bình của quần chúng
và sửa chữa khuyết điểm của mình; Giáo dục lãnh đạo quần chúng, đồng thời không
ngừng học hỏi quần chúng, tôn trọng quyền làm chủ của quần chúng theo tinh thần
lãnh đạo là đầy tớ của nhân dân, nhân dân làm chủ. Đặc biệt, tự mình phải mực
thước để xứng đáng với sự tin cậy của quần chúng nhân dân. Do đó, trong thực tiễn,
Hồ Chí Minh thường yêu cầu cán bộ, đảng viên phải “từ nơi quần chúng ra, trở lại
nơi quần chúng. Người đã nhiều lần phê phán tệ xa rời quần chúng, lên mặt “quan
cách mạng”, “quan nhân dân”, không thấy mình là người đầy tớ, người học trò của
nhân dân. Hồ Chí Minh luôn yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên thấu
triệt và thực hiện quan điểm “dân là gốc”, mọi thắng lợi đều “trên nền nhân
dân” và chính Người là tấm gương mẫu mực về vấn đề này. Với cương vị chủ tịch Đảng,
Chủ Tịch Nước, nhưng Hồ Chí Minh không xa cách với quần chúng, Người luôn sâu
sát với thực tiễn, gần gũi nhân dân, thấu hiểu và chia sẻ mọi niềm vui, nỗi vất
vả, nhu cầu, lợi ích của các tầng lớp nhân dân từ nông dân, công nhân, bộ đội,
phụ nữ, thanh niên, đến các cụ phụ lão, các cháu nhi đồng. Sự gần gũi đó của
Người được thể hiện ngay từ phút đầu tiên Người ra mắt quốc dân đồng bào chiều
ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945. Khi vừa đọc một đoạn Tuyên ngôn Độc lập khai sinh
ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam), Người đã dừng lại hỏi: “Đồng bào nghe tôi nói rõ không?”. Chỉ là một câu
hỏi thôi, một câu hỏi bình dị, tự nhiên mà thực sự đã làm xúc động trái tim
hàng chục triệu đồng bào toàn quốc!. Đó là một điển hình mẫu mực về mối quan hệ
gần gũi, thân thiết hiếm có giữa lãnh tụ với quần chúng, ngay ở những giây phút
lịch sử trang trọng nhất.
Trong
tư liệu thấy rằng trong vòng 10 năm (1955 - 1965 tức là từ ngày hòa bình lập lại
đến khi chuẩn bị kháng chiến chống trả máy bay Mỹ đánh phá ở miền Bắc) Bác Hồ của
chúng ta thực hiện khoảng 700 cuộc đi đến các hợp tác xã, các bệnh viện, nhà
máy, xí nghiệp, các đơn vị bộ đội….Cách đi của Bác là chuẩn bị rất kỹ để về
nghe tiếng nói của nhân dân, để nhân dân nói thật, nói đúng, để từ đó điều chỉnh
chính sách, điều chỉnh cách thức lãnh đạo, điều chỉnh mệnh lệnh quản lý để
không trở nên giáo điều. Đi thăm địa phương, cơ quan, đơn vị nào bao giờ Bác
cũng đề nghị cơ quan tham mưu giúp việc cho Bác nắm thật chắc công việc, đặc biệt
là phát hiện những vấn đề khó khăn ở địa phương, cơ quan, đơn vị đó. Bác chủ động
tìm đến các địa chỉ, đến người dân để tìm hiểu đời sống của nhân dân, để từ đó
nghe được tiếng nói của cuộc sống, từ đó mà nghĩ ra cách làm, nghĩ ra những quyết
sách có lợi cho nhân dân nhất.
Phong cách quần chúng Hồ Chí Minh còn được thể
hiện ở việc hết lòng, hết sức vì quần chúng, vì nhân dân, sẵn sàng hy sinh lợi
ích riêng của cá nhân vì lợi ích của quần chúng của nhân dân. Đây là một đặc điểm
có tính chất đặc trưng trong phong cách quần chúng, phong cách nhân dân của Hồ
Chí Minh. Trong Di chúc, Người chỉ rõ: “Cả đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ
quốc, phục vụ nhân dân”. Theo Người đã coi trọng nhân dân thì phải biết hy sinh
vì nhân dân. Chứ đánh giá cao nhân dân nhưng mà đến với nhân dân chỉ nghĩ đến lợi
ích của cá nhân mình, cái gì cũng cục bộ, địa phương, tự tư, tự lợi thì dân sẽ
không nghe. Nhiều nhà nghiên cứu khi bàn đến phong cách quần chúng, phong cách
nhân dân Hồ Chí Minh đã thống nhất theo ba lộ trình: Một là, phải được dân tin;
Hai là, phải được dân nghe, dân theo; Ba là, dân sẵn sàng thực hiện, thực hành
mọi mệnh lệnh mà Đảng, Nhà nước ban ra (đây là vấn đề quan trọng nhất), tức là
nghe rồi, hiểu rồi bắt đầu thực hiện. Bởi, theo Hồ Chí Minh dân thực hành trước
hết là vì lợi ích của chính họ. Khi nói chuyện với đồng bào tại Chiến khu Việt
Bắc tháng 2 năm 1947 Bác Hồ nói: Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi ích cho
dân, đấy là một nội dung của tác phong quần chúng. Phong cách quần chúng Hồ Chí
Minh xét đến cùng đó là phong cách dân vận, phong cách vận động quần chúng, để
làm cho Dân tin Đảng, tin Nhà nước và để làm cho Đảng, cho Nhà nước hiểu được
những gì Dân đang cần. Vì vậy, xa rời quần chúng, người cán bộ, đảng viên sẽ giống
như cá bị tách ra khỏi nước, mất hết khả năng và sức sống.
Thấu
triệt những tinh thần trên, trong điều kiện hiện nay chúng ta phải xây dựng cho
được một đội ngũ cán bộ, đảng viên có tư duy và phong cách độc lập, tự chủ,
sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có bản lĩnh chính trị vững
vàng, biết đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích của cá nhân mình.
Điều này trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn
luôn nói và thực hành. Đến nay, được Đảng ta xác định rõ ở mục tiêu chỉ đạo
trong Nghị quyết Trung ương IV khóa XII của Đảng, đó là: “Kiên quyết khắc phục
những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ,
đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững
vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực sự tiên
phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi
ích cá nhân, thực sự là cán bộ của dân, phục vụ nhân dân. Củng cố niềm tin của
nhân dân đối với Đảng”. Theo đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự
thương yêu quần chúng, thấu hiểu, chia sẻ với quần chúng, cùng làm với quần
chúng, học hỏi quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng v.v.. Đây là những
điều sống còn nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng ta hiện nay./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét