Những
ngày vừa qua dư luận cả nước không khỏi sửng sốt, bàng hoàng, phẫn nộ trước
những hành vi kích động, lôi kéo tụ tập đông người đập phá trụ sở công quyền,
hủy hoại tài sản, tấn công chống người thi hành công vụ xảy ra ở một số địa
phương của những kẻ nhân danh “người yêu nước”, bày tỏ “chính kiến” đối với Dự
luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (Dự luật Đặc khu) xảy ra ở một số địa
phương.
Chứng kiến hình ảnh những kẻ quá khích, hầu hết là những thanh,
thiếu niên “choai choai” không hiểu biết gì về luật Đặc khu, chưa nhận thức rõ
được quyền và nghĩa vụ công dân, không hiểu mục đích đi “biểu tình” để làm gì,
nhưng “sẵn sàng” nghe theo những lời kích động vu vơ để lao vào đập phá, tấn
công các lực lượng chức năng khiến chúng ta phải đặt câu hỏi vậy kẻ đứng đằng
sau thực sự là ai? Và tại sao lại để xảy ra tình trạng đáng tiếc nói trên mà
không được phát hiện, ngăn chặn và xử lý sớm hơn?
Trước hết, chúng ta cần phải khẳng định, trải qua hơn 30 năm đổi
mới toàn diện, bộ mặt kinh tế - xã hội của đất nước đã có sự thay đổi căn bản,
các tiềm năng, nguồn lực của đất nước ngày càng được khai thác, sử dụng tốt hơn
phục vụ cho mục tiêu phấn đấu đưa Việt Nam sớm trở thành một nước công nghiệp
theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, những lợi thế vốn có của chúng ta về tài
nguyên, dân số đông, lao động giá rẻ… đã dần tới hạn. Trong khi xu thế toàn cầu
hóa, hợp tác và cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, quốc gia nào cũng phải
tìm cách tạo ra những lợi thế cạnh tranh mới để tạo động lực phát triển bắt kịp
cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, và một trong những cách thức đó là sáng tạo mô
hình đặc khu kinh tế. Đó là nơi thử nghiệm các cơ chế, chính sách, bộ máy có
tính chất vượt trội, có sức hấp dẫn lớn về đầu tư, thương mại, dịch vụ, công
nghiệp, khoa học - công nghệ… song khó có thể áp dụng đại trà, nhờ đó tạo động
lực đủ mạnh có thể làm đầu tàu, cực tăng trưởng để lan tỏa ra cả nước.Thực ra
các đặc khu kinh tế đã ra đời từ trên nửa thế kỷ trước và cho đến nay, trên thế
giới đã có hàng ngàn đặc khu kinh tế ra đời và đa số là thành công. Đó là cơ sở
để Đảng và Nhà nước ta quyết tâm hình thành ba đặc khu kinh tế trong tương lai
ở cả ba miền đất nước. Rõ ràng, bối cảnh mới đòi hỏi việc xây dựng thể chế,
chính sách đối với các đặc khu kinh tế ở Việt Nam cũng phải tính đến các yếu tố
bảo đảm tạo ra lợi thế cạnh tranh vượt trội so với các mô hình đặc khu đã có,
kết hợp với các tiềm năng, lợi thế và nguồn lực khác tạo động lực mới đẩy nhanh
tốc độ phát triển kinh tế quốc gia hơn nữa.
Mục tiêu cao nhất xây dựng đặc khu kinh tế có lẽ chỉ có vậy. Tuy
nhiên, do đây là vấn đề mới mẻ, quá trình xây dựng luật về đặc khu cần phải
thỏa mãn nhiều điều kiện khác nhau, thậm chí ngáng trở nhau, trong đó có những
điều kiện khá phức tạp, nhạy cảm đối với an ninh - quốc phòng, dẫn đến có những
ý kiến khác nhau cũng là lẽ thường tình. Chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế đã
có từ hơn 20 năm trước, nhưng đến nay mới đủ chín muồi để dần trở thành hiện
thực. Cũng chính vì tính chất phức tạp của nó, nên quá trình xây dựng luật về
đặc khu đã được các cơ quan chức năng chuẩn bị một cách kỹ lưỡng với sự tham
gia của các chuyên gia, nhà khoa học, hoạch định chính sách trên nhiều lĩnh vực
kinh tế, xã hội, chính trị, luật pháp… để đến kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV
Dự luật Đặc khu được đưa ra bàn thảo và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ năm.
Khi thấy còn có nhiều ý kiến chưa thống nhất tại diễn đàn Quốc hội, ngày
7/6/2017 Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị và được
Quốc hội nhất trí lùi thời điểm thông qua Dự luật Đặc khu sang kỳ họp sau nhằm
tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân. Đây là quyết định
sáng suốt, thể hiện sự cầu thị, dân chủ, sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu đóng góp
trí tuệ toàn dân của Chính phủ và Quốc hội để có thể hoàn thiện ở mức cao nhất
dự luật quan trọng này.
Có nhiều vấn đề đặt ra và cần giải quyết từ các sự kiện nói
trên. Trước hết, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng
công tác nghiên cứu, xây dựng pháp luật theo hướng quy tụ, phát huy tối đa sự
đóng góp trí tuệ, tài năng của các chuyên gia, nhà khoa học, các nhân sĩ trí
thức, các nhà lãnh đạo, quản lý, doanh nhân… Nếu làm được tốt vấn đề này, các
dự án luật nói chung, Dự án Luật Đặc khu nói riêng sẽ đạt được sự đồng thuận
cao hơn ngay tại kỳ họp Quốc hội kỳ này.
Thứ hai, cần đổi mới hơn nữa cả về nội dung, hình thức, phương pháp tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để mỗi người dân có thể nắm rõ những nội
dung cốt lõi của các bộ luật cũng như dự thảo luật; khuyến khích tạo lập nhiều
diễn đàn khác nhau nhằm tăng cường dân chủ, tranh luận, phản biện, tiếp thu các
ý kiến đa chiều trong xã hội đối với mỗi dự thảo luật cần lấy ý kiến đóng góp
của người dân để đi đến thống nhất một cách dân chủ, công khai, minh bạch. Hết
sức coi trọng vai trò định hướng, tạo dư luận của báo chí, truyền thông và ý
kiến của giới chuyên gia, các nhà lãnh đạo, quản lý, những người có uy tín, ảnh
hưởng trong xã hội. Khi người dân chưa được tiếp cận, chưa hiểu biết đầy đủ về
pháp luật thì công tác tuyên truyền, hệ thống truyền thông và các tổ chức trong
hệ thống chính trị các cấp, nhất là cấp cơ sở cần phát huy hơn nữa chức năng,
vai trò, vị trí của mình để cùng góp phần tuyên truyền, phổ biến, đưa pháp luật
vào mọi ngõ ngách của đời sống một cách thiết thực, hiệu quả.
Thứ ba, với tư cách là những công dân yêu nước, hãy biểu thị lòng yêu
nước một cách có văn hóa, đúng pháp luật, mỗi người dân cần hết sứccảnh giác,
bình tĩnh, tỉnh táo tiếp nhận đối với bất cứ những thông tin, sự kiện có tính
chất phức tạp nào, không hiếu kỳ, a dua chạy theo tâm lý đám đông mà vô tình
hay hữu ý mắc bẫy kẻ xấu đi đập phá ngay chính tài sản do mình tạo ra hay đóng
góp, đi tấn công, hành hung gây thương vong cho chính con em, đồng bào của mình.
Thế giới sẽ nhìn nhận Việt Nam thế nào đây khi hàng triệu con người đang ra sức
dựng xây, gìn giữ, bảo vệ hình ảnh một đất nước của hòa bình, thanh bình, thân
thiện mến khách, an toàn, năng động, hấp dẫn… bỗng nhiên bị “mấy người yêu
nước” làm vấy bẩn một cách “kinh hoàng, không ai tưởng tượng được”. Đấy không
phải là lòng yêu nước, mà chính là hành vi “phản nước hại dân” cần bị lên án và
nghiêm trị. Đây không phải là lần đầu tiên diễn ra “sự việc đáng tiếc” mà sao
nhiều người “yêu nước” vẫn “ngây thơ” bị mắc lừa, chưa chịu mở mắt để nhìn nhận
hậu quả nghiêm trọng đã và đang xảy ra đối với chính bản thân, gia đình và xã
hội. Phải chăng vì thiếu hiểu biết, hay vì một chút lợi ích cỏn con mà người ta
sẵn sàng làm những điều ác với chính đồng bào của mình, hoặc thấy người khác ra
tay làm điều ác còn mình vẫn thờ ơ, thản nhiên “đứng xem”, cổ vũ? Khi sự việc
đã qua đi, họ có tự lục vấn lương tâm mà “ăn năn, hối lỗi” để không có “lần
sau”?
Cuối cùng, tại sao chúng ta có cả hệ thống chính trị từ Trung ương
đến cơ sở với vô số các tổ chức hội, cơ quan, tổ chức hành chính, sự nghiệp…
song chúng ta vẫn bị động, bất ngờ, thiếu dự báo và kiểm soát trước những vụ
việc có tính chất nghiêm trọng, lôi kéo đông người, phức tạp… diễn ra ở Bình
Thuận và một số địa phương vừa qua, mà đáng ra phải sớm được phát hiện, ngăn
chặn và khi xảy ra cần được giải quyết kịp thời, tránh để leo thang, lan rộng,
kéo dài tạo thành “điểm nóng”. Chúng ta phải nghiêm khắc kiểm điểm trách nhiệm
của mỗi cơ quan, tổ chức đã làm tròn trách nhiệm với vai trò, chức năng, nhiệm
vụ được giao phó? Đã thực sự gần dân, hiểu dân hay “có lỗi” gì với dân mà để
dân “bức xúc” đập phá bừa cho “hả giận”? Các cơ quan chức năng cần khẩn trương
điều tra, làm rõ vai trò và trừng trị thích đáng theo pháp luật những kẻ cầm
đầu, những đối tượng phản động, cơ hội, bất mãn hay vì bất cứ lý do gì gây ra
vụ việc vừa qua. Phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức đảng các cấp và đội ngũ
cán bộ đảng viên trong công tác vận động quần chúng, xây dựng hệ thống chính
trị cơ sở vững mạnh; đồng thời cần kiên trì cuộc đấu tranh khắc phục sự suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” nội bộ,kiên quyết chống mọi biểu hiện đi ngược lại mục tiêu
“dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” do nhân dân ta đã lựa
chọn./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét