Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “công trình khoa học” lớn nhất
của Đảng và dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX, là một điển hình thành công về
nghệ thuật chủ động tạo thời cơ, nắm bắt và chớp đúng thời cơ để lãnh đạo toàn
dân khởi nghĩa giành chính quyền. Lịch sử đã chứng minh: Cách mạng tháng Tám
1945 không phải “sự ăn may” mà nổ ra và giành thắng lợi là do Đảng Cộng sản Việt
Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng suốt lựa chọn con đường cách mạng; dân tộc ta
đã kiên cường chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng suốt 15 năm, trải qua các
phong trào cách mạng như: Phong trào 1930-1931 với đỉnh cao Xô Viết Nghệ -
Tĩnh; Phong trào dân chủ 1936-1939; Phong trào giải phóng dân tộc 1939-1945.
Tổng khởi nghĩa chính thức diễn ra từ đêm 13 rạng sáng
14/8/1945 đến ngày 28/8/1945, đã giành được chính quyền về tay nhân dân trong cả
nước mau lẹ, ít đổ máu là vì có sự chuẩn bị chu đáo: Chuẩn bị về chủ trương, đường
lối; lực lượng cách mạng; xây dựng căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn - Võ Nhai, Cao
Bằng, sau đó phát triển thành Cao-Bắc - Lạng; chuẩn bị bộ máy lãnh đạo Tổng khởi
nghĩa. Nếu không chủ động sẵn sàng các điều kiện từ bên trong thì khi thời cơ đến
cũng sẽ không thể giành thắng lợi. Do đó, thành quả Cách mạng tháng Tám 1945 là
hiện thực, có giá trị vĩnh hằng, không thể phủ nhận.
Cách mạng Tháng Tám để lại nhiều bài học quan trọng, trong
đó có bài học về nắm vững thời cơ, chủ động đẩy lùi nguy cơ, vượt qua thách thức,
bảo vệ thành quả cách mạng trước âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Bảo
vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề hệ trọng, xuyên suốt
mọi thời kỳ.
Hiện nay, tình hình Biển Đông liên tục có những diễn biến
ngày càng phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch không ngừng thực hiện “diễn
biến hòa bình”, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, bài học phân tích, dự báo
tình hình, nắm vững thời cơ, đẩy lùi nguy cơ trong Cách mạng Tháng Tám vẫn còn
vẹn nguyên giá trị và ý nghĩa trong quá trình Đảng lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất
nước, hội nhập quốc tế, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng cần kiên định ý chí độc lập, nêu cao tinh thần
tự chủ, sáng tạo; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy cao độ nội
lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời
đại; kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và các lợi ích chính đáng,
hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước
Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét