Nhận rõ tồn
tại, yếu kém để khắc phục, sửa chữa
Đại hội XIII của Đảng đã đề ra yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng,
chỉnh đốn Đảng với 10 giải pháp cơ bản, đồng bộ, trong đó nhấn mạnh phải tiếp tục
đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII với trọng tâm là ngăn chặn,
đẩy lùi, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống, những hành vi tham nhũng, tiêu cực và những biểu hiện
"tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.
Cái mới của lần này là Trung ương đã mở rộng phạm vi,
không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống
chính trị đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cùng với ngăn
chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm
sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham
nhũng, tiêu cực...
Trung ương cũng thảo luận và tiếp tục bổ sung, làm rõ
hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối
sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", "tiêu cực"
sát hợp tình hình mới.
Trung ương khẳng định, sự suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự
chuyển hoá" trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong
đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản
thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững
vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước
dân.
Trung ương cũng phân tích rõ những vấn đề còn tồn đọng:
Nguyên tắc tập trung dân chủ bị buông lỏng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình
thực hiện không nghiêm. Việc nghiên cứu, sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách,
luật pháp thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa
kịp thời; nhiều văn bản quy định thiếu chế tài cụ thể, thực hiện không nghiêm.
Quản lý cán bộ, đảng viên còn lỏng lẻo. Đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nể
nang, cục bộ. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên chưa
được coi trọng đúng mức, chậm đổi mới, kém hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám
sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi chưa thường xuyên, không nghiêm túc.
Chưa phát huy đầy đủ, hiệu quả vai trò của nhân dân trong việc giám sát, phản
biện, góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thông qua Mặt trận Tổ quốc,
các tổ chức chính trị - xã hội và các hình thức khác…
Có thể nói, đây là Hội nghị Trung ương 4 lần thứ ba của
3 kỳ Đại hội liên tiếp, Trung ương bàn và quyết định các nội dung trong công
tác xây dựng Đảng, tạo dấu ấn sâu đậm trong Đảng và trong Nhân dân. Mỗi khi nhắc
đến Hội nghị Trung ương 4 của Đảng, chúng ta nghĩ ngay đến một hội nghị thẳng
thắn nhìn vào sự thật để nói rõ những hạn chế còn tồn tại trong Đảng, từ đó thảo
luận và quyết định những vấn đề cốt lõi và quan trọng về công tác xây dựng Đảng
trong mỗi thời điểm lịch sử.
Đến nay, mục tiêu: Phải tạo được sự chuyển biến rõ rệt,
khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, nhằm xây dựng
Đảng ta thật sự là đảng cách mạng chân chính, ngày càng trong sạch, vững mạnh,
không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm
tin trong Đảng và nhân dân, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện
thắng lợi chủ trương, nghị quyết của Đảng đề ra từ Nghị quyết Trung ương 4,
khóa XI, XII đã và đang có những kết quả thiết thực, cụ thể trong cuộc sống.
Chia sẻ
khó khăn cùng Nhân dân, doanh nghiệp
Ban Chấp hành Trung ương nhận định, kinh tế - xã hội cả
nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn, và có thể còn tiếp tục kéo
dài trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022. Các hoạt động sản xuất kinh
doanh, việc học tập, nhất là học trực tuyến của học sinh, sinh viên và đời sống
của người lao động trên hầu hết các lĩnh vực gặp nhiều khó khăn; không ít doanh
nghiệp phải dừng hoạt động, thậm chí bị giải thể, phá sản. Nợ xấu ngân hàng có
khả năng tăng cao; tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với thị trường tài chính - tiền tệ,
thị trường lao động, ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư kinh doanh. Đời sống
của nhân dân, sức chống chịu của người lao động ở vùng dịch bị ảnh hưởng rất nặng
nề; nẩy sinh nhiều vấn đề phức tạp về tâm lý, tâm trạng xã hội, an ninh chính
trị, trật tự, an toàn xã hội. Dự báo, không hoàn thành được nhiều mục tiêu, chỉ
tiêu chủ yếu đã đề ra cho năm 2021.
Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo, Ban cán sự Đảng
Chính phủ, các cấp, các ngành trong những tháng cuối năm 2021, cần phải khẩn
trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp
hơn với thực tế tình hình hiện nay và có tính khả thi cao để tiếp tục tập trung
ưu tiên phòng, chống dịch bệnh và khắc phục có hiệu quả ảnh hưởng của dịch bệnh;
tuyệt đối bình tĩnh, tỉnh táo, không quá hốt hoảng, nhưng cũng không được lơ
là, chủ quan, nóng vội, phấn đấu kiểm soát về cơ bản được dịch bệnh trên phạm
vi toàn quốc trong thời gian sớm nhất có thể để khôi phục, phát triển kinh tế -
xã hội.
Trong đó, tập trung ưu tiên triển khai thực hiện các
cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ thiết thực, có hiệu quả cho nhân dân, người
lao động và doanh nghiệp; nâng cao sức chống chịu, vượt qua khó khăn, thách thức;
ổn định đời sống và phục hồi sản xuất kinh doanh. Giữ vững an ninh chính trị,
trật tự, an toàn xã hội; ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát giá cả, thị trường, bảo
đảm cung ứng, lưu thông hàng hoá và các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung
tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực cho phòng, chống dịch
và phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng từ những khó khăn và bối cảnh nói trên, Ban Chấp
hành Trung ương đồng tình về cơ bản với mục tiêu tổng quát và những nhiệm vụ,
giải pháp chủ yếu cho năm 2022 do Ban cán sự đảng Chính phủ đề xuất, trong đó
có việc lùi thời điểm thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương mà Nghị
quyết Trung ương 7 khoá XII đã nêu.
Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu tiếp tục rà soát,
tính toán kỹ lưỡng, chuẩn xác hoá lại các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải
pháp chủ yếu để trình Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm đáp ứng yêu cầu vừa
tiếp tục phòng, chống, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển
kinh tế - xã hội trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Tập trung ưu tiên thực hiện
có hiệu quả các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi
sản xuất kinh doanh; đồng thời xử lý những hạn chế, yếu kém tồn đọng từ lâu của
nền kinh tế, nhất là trong việc giải ngân vốn đầu tư công; cải cách doanh nghiệp
nhà nước và xử lý vấn đề các dự án thua lỗ lớn, chậm tiến độ kéo dài; các ngân
hàng thương mại mua bắt buộc 0 đồng...
Tăng cường các giải pháp bảo đảm chất lượng giáo dục
và đào tạo; bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội;
nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trong tình hình mới; tăng cường sự thống
nhất, đồng thuận của nhân dân cùng chia sẻ, khắc phục những khó khăn chung của
đất nước.
Nhận rõ những khó khăn ảnh hưởng tới nền kinh tế - xã
hội và đời sống nhân dân, những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng Đảng
và hệ thống chính trị, Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã thảo luận và đưa ra
những quyết sách mới phù hợp với tình hình mới.
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá
XIII đã thành công tốt đẹp. Tổ chức thực hiện có kết quả các nghị quyết, kết luận
của Trung ương tại Hội nghị lần này sẽ góp phần quan trọng đưa Nghị quyết Đại hội
XIII của Đảng vào cuộc sống, thúc đẩy việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phòng,
chống dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống
của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội và xây dựng, chỉnh đốn Đảng,
xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Để tinh thần, chủ trương của Hội nghị Trung ương 4,
khóa XIII đi vào cuộc sống, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất
là mỗi cán bộ, đảng viên “nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm
phải lớn và phương pháp phải đúng” trong quán triệt, triển khai thực hiện./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét