Việt Nam là một quốc gia thống nhất, đa dân tộc, đa tín ngưỡng, tôn
giáo. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đồng bào các dân tộc, tôn
giáo luôn luôn đoàn kết, chung tay đấu tranh với “thiên tai, địch họa”, xây
dựng Tổ quốc ngày càng giàu mạnh. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta
luôn khẳng định vấn đề dân tộc, vấn đề tôn giáo và công tác dân tộc,
công tác tôn giáo là vấn đề chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt;
thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, phát huy truyền thống và sức mạnh
của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một đảm bảo quan trọng cho thắng lợi của
sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã xây dựng nguyên tắc của chính sách dân tộc ở Việt Nam là: bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân
tộc. Văn kiện Đại hội XIII vẫn tiếp tục
khẳng định “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng
phát triển”. Những nguyên tắc này được quán triệt và thực hiện nhất
quán, có hiệu quả trong mọi thời kỳ cách mạng.
Chống phá cách mạng Việt Nam là âm mưu không bao
giờ thay đổi của các thế lực thù địch. Hiện nay, chủ nghĩa đế quốc đang đẩy
mạnh chiến lược “diễn biến hoà bình” chống Việt Nam với phương châm lấy chống
phá về chính trị, tư tưởng làm hàng đầu, kinh tế là mũi nhọn, ngoại giao làm
hậu thuẫn, tôn giáo, dân tộc làm ngòi nổ, kết hợp với bạo loạn lật đổ, uy hiếp,
răn đe, gây sức ép về quân sự. Vấn đề dân tộc, tôn giáo là một trong những lĩnh vực
trọng yếu mà các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá cách mạng, cùng
với việc lợi dụng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng để chuyển hoá
chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; xoá vai trò lãnh đạo của Đảng với toàn xã
hội, thực hiện âm mưu “không đánh mà thắng”.
Thời gian qua, vào ngày 06/8/2022 trên trang blog
Việt Nam Thời Báo đối trượng Hoài Nguyễn phát tán bài “Tôn giáo sắc tộc ở Tây
Nguyên xung đột với Đảng Cộng sản và ngày 07/8/2022 trên trang Blog Đối
Thoại phát tán bài “Thư Ngỏ của đại diện
người Mông bị đàn áp Tôn giáo gửi ông đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ”. Đây chính là
những nội dung sai trái nhằm xuyên tạc chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo
của Đảng và Nhà nước ta; vu cáo chính quyền Việt Nam “đàn áp” tôn giáo, “kỳ
thị” đối với dân tộc thiểu số ở đồng bào Tây Nguyên; đồng thời kêu gọi các tổ
chức nước ngoài can thiệp, kích động đấu tranh đòi “ly khai tự trị, tự do chính
trị, tự do tôn giáo”.
Măt khác chúng còn thực hiện âm mưu trực tiếp phá hoại
khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ dân tộc đa số với dân tộc thiểu số và
giữa các dân tộc thiểu số với nhau, chia rẽ đồng bào theo tôn giáo và không
theo tôn giáo, giữa đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, hòng làm suy yếu khối
đại đoàn kết dân tộc; kích động các dân tộc thiểu số, tín đồ chức sắc các tôn
giáo chống lại chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước; đối
lập các dân tộc, các tôn giáo với sự lãnh đạo của Đảng nhằm xoá bỏ sự lãnh đạo
của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam; vô hiệu hoá sự quản lý của
Nhà nước đối với các lĩnh vực đời sống xã hội, gây mất ổn định chính trị - xã
hội.
Vì vậy, để vô hiệu
hoá sự lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam của các thế lực thù địch
thì giải pháp chung cơ bản nhất là thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế
- xã hội, mà trực tiếp là chính sách dân tộc, tôn giáo, nâng cao đời sống vật
chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc, các tôn giáo, củng cố xây dựng khối
đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, theo mục tiêu
dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh cụ thể cần tập trung
vào những giải pháp cơ bản, cụ thể sau :
Một là, ra sức tuyên truyền, quán
triệt quan điểm, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước; về âm mưu,
thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam của các
thế lực thù địch cho toàn dân. Đây
là giải pháp đầu tiên, rất quan trọng. Chỉ
trên cơ sở nâng cao nhận thức, tư tưởng của cả hệ thống chính trị, của toàn dân
mà trực tiếp là của đồng bào các dân tộc, tôn giáo về các nội dung trên, thì
chúng ta mới thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, vô hiệu hoá được sự
lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch.
Nội dung tuyên truyền giáo dục phải mang tính toàn diện,
tổng hợp. Hiện nay cần tập trung vào phổ biến sâu rộng các chủ trương chính
sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, tôn giáo, chính sách dân tộc,
tôn giáo cho đồng bào các dân tộc, các tôn giáo. Phổ biến pháp luật và giáo dục
ý thức chấp hành pháp luật của nhà nước, khơi dậy lòng tự tôn, tự hào dân tộc,
truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục để đồng bào hiểu rõ âm mưu
thủ đoạn chia rẽ dân tộc, tôn giáo, lương giáo của các thế lực thù địch, để
đồng bào đề cao cảnh giác không bị chúng lừa gạt lôi kéo lợi dụng. Vận động
đồng bào các dân tộc, tôn giáo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, thực hiện
đúng chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo.
Hai là, tăng cường xây dựng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn
định chính trị - xã hội. Đây
là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao nội lực, tạo nên sức đề
kháng trước mọi âm mưu thủ đoạn nham hiểm của kẻ thù. Cần tuân thủ những vấn đề
có tính nguyên tắc trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ
Chí Minh: Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân phải dựa trên nền tảng khối liên
minh công - nông - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thực hiện đại đoàn kết
phải sâu rộng, lâu dài. Mở rộng, đa dạng hoá các hình thức tập hợp Nhân dân,
nâng cao vai trò của Mặt trận và các đoàn thể Nhân dân. Kiên quyết đấu tranh
loại trừ nguy cơ phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
Riêng
đối với vấn đề dân tộc, tôn giáo, trước tiên cần phải thực hiện tốt chính sách
dân tộc, tôn giáo. Thực hiện bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau giữa
các dân tộc, các tôn giáo. Chống kỳ thị chia rẽ dân tộc, tôn giáo, chống tư
tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan, tự ti mặc cảm dân tộc,
tôn giáo. Chủ động giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các
vùng dân tộc, tôn giáo, bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia. Đây là tiền đề quan
trọng để vô hiệu hoá sự chống phá của kẻ thù.
Ba là, chăm
lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc, các tôn
giáo. Đây cũng là một
trong những giải pháp quan trọng, xét đến cùng có ý nghĩa nền tảng để vô hiệu
hoá sự lợi dụng của kẻ thù. Khi đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao,
đồng bào sẽ đoàn kết, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, thực hiện tốt quyền lợi,
nghĩa vụ công dân thì không kẻ thù nào có thể lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo
để chống phá cách mạng Việt Nam.
Bốn là, phát huy vai trò của cả
hệ thống chính trị; của những người có uy tín trong các dân tộc, tôn giáo tham
gia vào phòng chống sự lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng
Việt Nam của các thế lực thù địch. Tích
cực xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng dân tộc, vùng tôn giáo. Thực hiện
chính sách ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ cả cán bộ
lãnh đạo quản lý và cán bộ chuyên môn kỹ thuật, giáo viên là người dân tộc
thiểu số, người có tôn giáo. Bởi đây là đội ngũ cán bộ cơ sở có rất nhiều lợi
thế trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo. Đổi mới công tác dân vận vùng
dân tộc, tôn giáo theo phương châm: chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì,
vững chắc; sử dụng nhiều phương pháp phù hợp với đặc thù từng dân tộc, từng tôn
giáo.
Năm là, chủ động đấu tranh trên
mặt trận tư tưởng, lý luận làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng dân tộc,
tôn giáo chống phá cách mạng của các thế lực thù địch; kịp thời giải quyết tốt
các điểm nóng. Cần thường
xuyên vạch trần bộ mặt phản động của kẻ thù để nhân dân nhận rõ và không bị lừa
bịp. Đồng thời vận động, bảo vệ đồng bào các dân tộc, tôn giáo để đồng bào tự
vạch mặt bọn xấu cùng những thủ đoạn xảo trá của chúng. Phát huy vai trò của
các phương tiện thông tin đại chúng trong cuộc đấu tranh này.
Kịp
thời chủ động giải quyết tốt các điểm nóng liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn
giáo. Chủ động, kịp thời phát hiện, dập tắt mọi âm mưu, hành động lợi dụng vấn
đề dân tộc, tôn giáo kích động lôi kéo đồng bào gây bạo loạn. Khi xuất hiện
điểm nóng, cần tìm rõ nguyên nhân, biện pháp giải quyết kịp thời, không để lan
rộng, không để kẻ thù lấy cớ can thiệp; xử lí nghiêm minh theo pháp luật những
kẻ cầm đầu, ngoan cố chống phá cách mạng.
Chúng ta cần tỉnh táo, sáng suốt phân tích và nhận rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền, lừa bịp của các thế lực thù địch; đồng thời kiên quyết đấu tranh bác bỏ và vạch trần những luận điệu xuyên tạc của chúng
Trả lờiXóa