Tư tưởng về con đường giải phóng dân tộc “Đem sức ta mà tự giải
phóng cho ta” của Nguyễn Ái Quốc được nâng lên ở tầm cao mới khi Người quyết
định đến với quê hương của Cách mạng Tháng Mười, đến với chủ nghĩa Mác - Lênin.
Được hình thành, phát triển mạnh mẽ ngay sau sự kiện Đảng Cộng
sản Việt Nam thành lập vào ngày 3-2-1930, tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường
cách mạng nói chung và tư tưởng “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” chính thức
được truyền bá sâu rộng và phù hợp với điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam.
Bằng tư tưởng, tinh thần ấy, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo ra một sự
chuyển biến mạnh mẽ cho phong trào cách mạng Việt Nam. Hàng loạt cuộc đấu tranh
quy mô lớn, nổi bật là phong trào Xô viết - Nghệ Tĩnh. Khí thế cách mạng sục
sôi của cao trào Xô viết - Nghệ Tĩnh đã lan rộng nhanh chóng ra khắp cả nước
với hàng loạt các cao trào, cuộc khởi nghĩa... Đây chính là quá trình Đảng ta
bổ sung và hoàn thiện đường lối chính trị, phương thức tiến hành, chuẩn bị lực
lượng cho cuộc Tổng khởi nghĩa trên toàn quốc sau này. Khi thời cơ cách mạng
xuất hiện, công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, tinh thần đoàn kết của toàn dân đã
lên đến đỉnh điểm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào cả nước nhất tề
đứng lên giành chính quyền. Ngay trong lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa, Chủ tịch Hồ
Chí Minh nêu rõ: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta
đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta mà tự giải phóng cho
ta...”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, kế thừa và phát huy truyền thống của
dân tộc qua các thời kỳ lịch sử, bằng tư tưởng “Đem sức ta mà tự giải phóng cho
ta”, Đảng ta đứng đầu là Hồ Chủ Tịch đã dẫn dắt cả dân tộc đứng lên tận dụng
triệt để thời cơ lịch sử giành thắng lợi to lớn trong cách mạng Tháng Tám năm
1945.
Sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền non trẻ đứng
trước muôn vàn khó khăn, thử thách, vận mệnh đất nước trong cảnh “ngàn cân treo
sợi tóc”. Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh
quân và dân ta tiếp tục phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình
là chính, “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” để vượt qua tất cả. Nhấn mạnh
tinh thần ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Một dân tộc không tự lực cánh
sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”.
Bằng tư tưởng “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng
với Đảng ta đã vững vàng chèo lái đưa dân tộc vượt mọi chông gai, băng qua mọi
thác ghềnh kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm chống thực dân
Pháp xâm lược bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn
động địa cầu”.
Thành quả và những bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc cách mạng
Tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị, trong đó, bài học về tinh thần “Phát
huy sức mạnh nội sinh”, “Dựa vào sức mình là chính”, “Đem sức ta mà tự giải
phóng cho ta” có ý nghĩa thời sự sâu sắc, luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân
ta xác định vừa là phương châm, vừa là giải pháp để hoàn thành thắng lợi các
mục tiêu của cách mạng. Đặc biệt, bằng tinh thần “Tự lực cánh sinh”, “Dựa vào
sức mình là chính”, “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” dưới sự lãnh đạo của
Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã giành nhiều thắng lợi to
lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng
miền Nam. Bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn miền
Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc
lập, tự do, thống nhất và chủ nghĩa xã hội.
Trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã
hội chủ nghĩa, chính nhờ kế thừa và phát huy tư tưởng, tinh thần “Dựa vào sức
mình là chính”, “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” mà Đảng, Nhà nước và nhân
dân ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thành tựu ấy
là sự kết tinh ý chí, tinh thần, nghị lực, sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân
và toàn quân ta.
Trong điều kiện mới hiện nay, bài học “Dựa vào sức mình là
chính”, “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” từ cách mạng Tháng Tám năm 1945
tiếp tục được Đảng ta kế thừa và phát huy nhằm khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý
chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo xây dựng và phát triển đất nước phồn
vinh, hạnh phúc, quốc gia hùng cường, thịnh vượng như Nghị quyết Đại hội XIII
của Đảng đã xác định./.
Bài viết rất ý nghĩa
Trả lờiXóa