Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2022

NVD39 - Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các dân tộc ở nước ta

 

Vấn đề dân tộc, quản lý nhà nước về công tác dân tộc và truyền thông cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi có vị trí hết sức quan trọng trong các thời kỳ giai đoạn lịch sử của cách mạng nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề dân tộc, nhằm thực hiện chiến lược đại đoàn kết các dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các DTTS khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau” 

Nước ta có 54 dân tộc, trong đó có 53 DTTS, với 14,123 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Quy mô dân số không đồng đều, có 06 dân tộc trên 01 triệu người, 14 dân tộc dưới 10.000 người, trong đó có 05 dân tộc dưới 1.000 người (Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo và Si La). Hầu hết các DTTS sinh sống ở miền núi cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa và tập trung chủ yếu ở một số tỉnh khu vực miền Bắc, Tây Nguyên, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nam bộ. Cùng với việc hoạch định chính sách chung cho cả nước, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm xây dựng chính sách cho vùng DTTS và miền núi, luôn xác định công tác dân tộc, đoàn kết dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng của cách mạng Việt Nam.

Đảng ta luôn nhất quán chủ trương đẩy nhanh phát triển về mọi mặt đối với vùng DTTS và miền núi, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển so với mặt bằng chung của cả nước, tạo điều kiện thuận lợi cho 1.673 xã khu vực I, 210 xã khu vực II và 1.551 xã khu vực III, với 3.434 xã, phường, thị trấn thuộc vùng DTTS và miền núi; nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, để từng bước nâng cao đời sống phát triển về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng. 

Từ chủ trương của Đảng về vấn đề dân tộc, xác định rõ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi phải gắn với những vấn đề đổi mới cơ cấu kinh tế và tổ chức sản xuất theo hướng chuyển sang sản xuất hàng hóa phù hợp với đặc điểm kinh tế của từng vùng, tiểu vùng, dân tộc; gắn phát triển kinh tế - xã hội với giải quyết vấn đề dân tộc và quốc phòng - an ninh. Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách về phát triển giữa các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn các chương trình của Nhà nước tập trung vào hỗ trợ sinh kế và tạo cơ hội xóa đói, giảm nghèo, như: Chương trình 143 (Chương trình xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm giai đoạn 2001 - 2005, được phê duyệt theo Quyết định số 143/2001/QĐ-TTg, ngày 27-9-2001, của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa, được phê duyệt theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg, ngày 31-7-1998, của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình 134 (một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, ngày 20-7-2004, của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình phân bổ đất rừng và trồng rừng; các chính sách về giáo dục, y tế,... Trong giai đoạn  2011 - 2018, có 205 chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi được ban hành. Tính riêng giai đoạn 2016 - 2018, theo Báo cáo số 426/BC-CP, ngày 4-10-2018, của Chính phủ, “Đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 41 chương trình, chính sách, trong đó có 15 chính sách trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và 36 chính sách chung có ưu tiên cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Nội dung các chính sách giai đoạn 2016 - 2018 tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giảm nghèo; phát triển sản xuất trong nông, lâm nghiệp, thủy sản; phát triển giáo dục - đào tạo, văn hóa, như: Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, phát triển sản xuất và ổn định đời sống cho người dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn; ổn định cuộc sống cho người dân tộc thiểu số di cư tự phát; phát triển kinh tế - xã hội cho các dân tộc thiểu số rất ít người; phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số; tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Ngày 21/02/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 219/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hỗ trợ thông tin tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo, với mục đích đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về dân tộc và truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, các quan điểm đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo, những giá trị của tôn giáo đối với đời sống xã hội, góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Có thể nói, cho đến nay, hệ thống chính sách dân tộc được ban hành khá đầy đủ, bao phủ toàn diện các lĩnh vực, nhằm hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; phát triển giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa; phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Các chương trình đã đem lại những hiệu quả tích cực về đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số nước ta. Từ năm 2003 đến năm 2020, Nhà nước đã tập trung bố trí đầu tư, hỗ trợ kinh phí nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với tổng kinh phí: giai đoạn 2003 - 2008 là khoảng 250.000 tỷ đồng, giai đoạn 2011 - 2015 là 690.000 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 998.000 tỷ đồng. Nguồn lực đầu tư đó được tập trung vào xây dựng hàng vạn công trình kết cấu hạ tầng (đường giao thông, công trình thủy lợi, hệ thống điện, công trình nước sạch, trường học, lớp học, trạm y tế, nhà văn hóa, trung tâm cụm xã...); hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho dân tộc thiểu số rất ít người; hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất... cho hàng trăm nghìn hộ đồng bào các dân tộc thiểu số.

Theo báo cáo Tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thực hiện trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi của Ủy ban Dân tộc cho thấy: Tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng DTTS và miền núi khá cao, giai đoạn 2016-2018 đạt bình quân 7% và tăng dần hằng năm, cao hơn bình quân chung của cả nước (năm 2016 tăng 6,67% nhưng đến năm 2018 tăng 7,56%, trong đó có 21/52 địa phương có tốc độ tăng trưởng bình quân GDP năm 2018 đạt trên 8%). Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hằng năm. Bình quân toàn vùng DTTS và miền núi giảm 4%/năm, riêng các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) giảm trên 4%/năm trở lên; các huyện nghèo giảm 5-6%/năm trở lên. Giai đoạn 2015-2019, đã có 8/64 huyện nghèo theo Nghị quyết 36a thoát nghèo; 14/30 huyện nghèo hưởng cơ chế theo Nghị quyết 36a thoát khỏi tình trạng khó khăn, 124/139 xã, 1.322/20.176 thôn ĐBKK ra khỏi diện đầu tư của Chương trình 135; có 1.052/5.266 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó có 106/2.139 xã ĐBKK đạt chuẩn Nông thôn mới; có 27 huyện thuộc vùng DTTS và miền núi thuộc 31 tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2020, cả nước có 5.506 xã (62%) đạt chuẩn Nông thôn mới.

Công tác phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực người DTTS luôn được chú trọng quan tâm. Hiện nay, toàn quốc có 316 trường Phổ thông Dân tộc nội trú ở 49 tỉnh, thành phố với trên 109.000 học sinh; các chính sách hỗ trợ đào tạo, dạy nghề cho người DTTS được tích cực triển khai thực hiện. Giai đoạn 2016-2020, có trên 800 nghìn người DTTS được đào tạo nghề nghiệp, trong đó có khoảng 412 nghìn lao động nông thôn là người DTTS được hỗ trợ đào tạo dưới 3 tháng theo chính sách của Đề án 1956/QĐ-TTg.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội vùng DTTS và miền núi đã được các bộ, ngành quan tâm, đạt được những thành tựu nhất định. Đời sống văn hóa ở cơ sở có bước cải thiện rõ rệt. Các thiết chế văn hóa được tăng cường, cơ sở vật chất, một số di sản văn hóa của vùng đồng bào các dân tộc được tôn vinh. Các hoạt động giao lưu văn hóa được tổ chức tầm quốc gia, liên vùng, đã góp phần bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc Việt  Nam.

Công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng DTTS, miền núi và khu vực biên giới không ngừng củng cố và tăng cường. Lực lượng công an tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền vận động đồng bào tham gia thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Lực lượng quân đội, nòng cốt là bộ đội biên phòng đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương vùng DTTS và miền núi triển khai có hiệu quả các chương trình phát triển KT-XH. Nhiều mô hình, cách làm hiệu quả thiết thực “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”… đã từng bước thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của đồng bào DTTS.

Trong giai đoạn 2011 - 2020, Chính phủ đã ưu tiên đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho các huyện nghèo, xã, thôn, bản ĐBKK của vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ với gần 1.700 tỷ đồng, trong đó phải kể đến các chương trình, dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở vùng đồng bào DTTS và miền núi như Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015-2020, điển hình là Chương trình 135, Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới, Chương trình 36a…

Tuy nhiên, so với sự phát triển của đất nước nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiếu số vẫn là vùng chậm phát triển nhất. Điều đó cho thấy, việc hoạch định và thực hiện chính sách dân tộc ở nước ta vẫn còn những khó khăn, bất cập. Các nguyên nhân khách quan và chủ quan là: Một số chính sách thiếu tính cụ thể, khả thi, chưa phù hợp với thực tiễn. Bộ máy tổ chức thực hiện còn thiếu đồng bộ, đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu. Thực tế cho thấy, trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các dân tộc không đồng đều nhau. Ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận và ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ nên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để vươn lên, chưa sử dụng hiệu quả vốn đầu tư. Chính sách dân tộc hiện nay vẫn chủ yếu là các chính sách hỗ trợ trực tiếp, chưa có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ có điều kiện, với mục đích cung cấp kỹ năng, tự tạo sinh kế bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Bởi vậy, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều người vẫn còn mang tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không muốn vươn lên để thoát nghèo.

Những kết quả được nêu trên đã chứng minh công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị. Huy động mọi nguồn lực đầu tư để phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi, vùng ĐBKK, đảm bảo phát triển bền vững gắn liền với an sinh xã hội, để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào DTTS. Thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; đẩy lùi các tệ nạn xã hội, nâng cao mặt bằng dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là cán bộ DTTS đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Phát triển vùng DTTS và miền núi gắn liền với ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. Phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, khơi dậy khát vọng, lòng tự hào dân tộc trong cộng đồng các DTTS, hướng tới mục tiêu vì một Việt Nam thịnh vượng và phát triển.

 

1 nhận xét:

  1. Công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị

    Trả lờiXóa

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...