Đảng
Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao
động, đại diện cho lợi ích của toàn thể nhân dân lao động và dân tộc, lấy phục
vụ nhân dân là mục tiêu cao nhất của mọi hành động cách mạng. Vì thế, “mọi
đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục
tiêu phấn đấu”. Tuy nhiên, bất cứ một đảng cầm quyền nào, nhất là
trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, nếu không có cơ chế, biện pháp
kiểm soát, quản lý chặt chẽ đều có thể dẫn đến tham nhũng, quan liêu, suy
thoái, biến chất .... làm mất vai trò lãnh đạo, cầm quyền. Do vậy, để giữ vững
vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, để Đảng thực sự là “của dân”, “vì dân”,
Đảng “phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ
hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái hóa...
trong nội bộ Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị”. Đây là vấn đề rất quan
trọng, then chốt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Hiện
nay, ở nước ta, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng phát động, lãnh
đạo thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, góp phần giữ
vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán
bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; đồng thời bác bỏ luận điệu
sai trái của các thế lực thù địch, phản động, chống đối.
Để
công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng triệt để, hiệu quả, trong
thời gian tới, trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa, trên cơ sở truyền thống văn hóa của dân tộc và tiếp thu có
chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
cần phải thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp.
Một
là, tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo
dục, tuyên truyền, sâu rộng các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, quy
định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về sự nguy hại
của tham nhũng, tiêu cực. Thúc đẩy sự tự giác, thống nhất cao về nhận thức và
hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, tiêu
cực. Nêu cao tinh thần gương mẫu của người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, tổ chức,
đơn vị, địa phương; kiên trì, thường xuyên giáo dục, rèn luyện đức tính liêm
khiết; trung thực.
Hai
là, gắn công tác phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; gắn phòng,
chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và
làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chống suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến," "tự chuyển
hoá" trong nội bộ; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và
toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Ba
là, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công
tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu
tranh; phải trung thực, liêm chính, "chí công vô tư," thực sự là
"thanh bảo kiếm" sắc bén, là những cán bộ "rường cột" của
Đảng và Nhà nước, những "Bao Công" của thời đại ngày nay. Cán bộ
phòng, chống tham nhũng cần “nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân và
đất nước, gương mẫu, đi đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các
nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Đồng thời, việc kiểm
soát quyền lực và thực hành liêm chính, trước hết phải được tiến hành có hiệu
quả trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng. Phải chống tham nhũng trước hết
trong cơ quan chống tham nhũng. Bên cạnh đó, cần có chính sách đãi ngộ hợp lý,
tạo động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
nỗ lực phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc.
Bốn
là, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực
phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi
tham nhũng, tiêu cực, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp,
cản trở việc xử lý tham nhũng, tiêu cực; nghiêm túc thực hiện phương châm
“không có vùng cấm, không có ngoại lệ” và sử dụng đồng bộ các biện pháp chính
trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự. Chỉ có tiến hành triệt
để, kiên quyết, đồng bộ với nhiều giải pháp thì công tác phòng, chống tham
nhũng mới đạt kết quả cuối cùng và đảm bảo tính răn đe trong thực tế.
Năm
là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện
đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế-xã hội và phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những
"khoảng trống," "kẽ hở" để "không thể tham nhũng, tiêu
cực".
Sáu
là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện
các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kiểm tra, giám sát và phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực. Mặt khác, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám
sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử một cách hiệu quả, đảm bảo
tính khách quan, công khai, minh bạc. Phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc,
vụ án tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng góp phần khắc
phục, hạn chế hậu quả của tham nhũng, đồng thời thể hiện tính răn đe của pháp
luật. Xử lý kịp thời và thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện
xách nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, tạo sự tin
tưởng tuyệt đối của nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu
cực.
Bảy
là, tiếp tục hoàn thiện và thực
hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình
trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản,
thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Cùng với việc hoàn thiện cơ chế, thể
chế, đảm bảo công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình là điều kiện
đầu tiên để kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn,
không bị "tha hoá", lạm dụng.
Tám
là, cần xây dựng cơ chế bảo vệ, khen
thưởng, động viên kịp thời những người làm báo tích cực, dũng cảm phát giác,
đấu tranh chống tham nhũng; đồng thời kiên quyết vạch trần, phê phán, bác bỏ
các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để kích
động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Xử lý nghiêm việc đưa tin sai sự thật,
vu cáo, bịa đặt, gây hậu quả xấu. Tăng cường phối hợp, kịp thời cung cấp thông
tin, định hướng tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng; đồng thời chú trọng
thông tin, tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt; khắc phục tình trạng
thông tin một chiều, thông tin không chính xác, mang tính kích động, gây hoang
mang.
Có thể
nói, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống
chính trị và sự ủng hộ tuyệt đối của nhân dân, chúng ta tin tưởng rằng, công
tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần "Cắt bỏ một vài cành
cây sâu mọt để cứu cả cái cây" như Bác Hồ đã từng chỉ dạy, sẽ không những
không làm ảnh hưởng mà còn tạo sinh khí mới, quyết tâm cao, hành động mạnh mẽ
để đánh thắng “giặc nội xâm” và Đảng ngày càng vững vàng, bản lĩnh, tiếp tục
lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân ta giành thắng lợi trong công cuộc xây dựng chủ
nghĩa xã hội, góp phần củng cố niềm tin yêu của nhân dân đối với Đảng, với chế
độ./.
Công tác chống tham nhũng phải triệt để và giải quyết tận gốc
Trả lờiXóa