Nghị quyết 29 – NQ/TW, ngày 4 tháng 11 năm 2013
về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành Giáo dục đào tạo đã
đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Ngành đã tiếp tục có những giải pháp
để hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, tạo cơ sở pháp lý cho các địa
phương, các cơ sở giáo dục đào tạo thực hiện tốt hơn. Các địa phương đã rà
soát, quy hoạch lại mạng lưới giáo dục, sáp nhập các trường tiểu học, trung học
cơ sở có quy mô nhỏ thành trường đa cấp có quy mô lớn hơn; Chất lượng đội ngũ
giáo viên và quản lý giáo dục được nâng cao. Công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý
giáo dục và giáo viên chuẩn bị cho triển khai đổi mới chương trình, sách giáo
khoa giáo dục phổ thông được triển khai tích cực, bài bản, toàn diện và hệ
thống. Công tác bồi dưỡng thường xuyên, chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên và
cán bộ quản lý giáo dục được thực hiện nghiêm túc và thường xuyên; Chất lượng
giáo dục mầm non có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục phổ thông
được nâng cao. Tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Tổ
chức tốt kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Công tác giáo dục hướng nghiệp và
định huống phân luồng học sinh chất lượng hơn. Việc lựa chọn học nghề phổ thông
của học sinh đã chuyển dần theo hướng phù hợp với nhu cầu phát triển kỹ năng,
phục vụ nhu cầu lao động xã hội. Giáo dục đại học theo hướng phát triển nguồn
nhân lực có chất lượng cao; Tăng cường các giải pháp giáo dục đạo đức lối sống
và phòng chống bạo lực học đường trong học sinh, sinh viên; Chất lượng dạy học
ngoại ngữ được nâng cao hơn, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học. Hoàn thành
xây dựng khung năng lực giáo viên ngoại ngữ, bộ tiêu chí đánh giá các đơn vị tổ
chức bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ.; Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong
dạy học và quản lý được đẩy mạnh. Cơ sở dữ liệu của các cấp học đã được thống
kê. Cải cách hành chính được thục hiện một cách quyết liệt. Cơ sở vật chất bảo
đảm cho giáo dục được quan tâm hơn.
Bên cạnh những kết quả trên, ngành Giáo dục đào
tạo vẫn còn một số hạn chế. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức việc quy
hoạch mạng lưới trường, lớp học, còn thiếu đất cho xây dựng trường học, đặc
biệt là các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu chế xuất. Một số địa phương
vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Nhiều địa phương còn thiếu
giáo viên mầm non theo định biên và chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Tình
trạng học sinh, sinh viên vi phạm đạo đức lối sống đang được báo động. Công tác
phân luồng, hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông chưa thật sự hiệu quả. Chất
lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của thực tiễn. Cơ sở vật
chất, trang thiết bị phục vụ cho giáo dục còn nhiều bất cập. Công tác quản lý,
thanh tra, kiểm tra còn hạn chế nhất định. Còn để xảy ra sai phạm nghiêm trọng
trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại một số địa phương như Sơn La, Hòa Bình,
Hà Giang.
Để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trong
thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt
Nghị quyết 29 – NQ/TW, ngày 4 tháng 11 năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện
giáo dục và đào tạo, trong đó cần tập trung đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất: Tăng cường công tác thông tin tuyên
truyền về giáo dục. Tuyên truyền về giáo dục có tác dụng tạo chuyển biến nhận
thức và sự đồng thuận cho nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục. Đó là
tuyên truyền về Nghị quyết 29 – NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và
đào tạo cũng như các chủ trương, chính sách mới về giáo dục đào tạo; đổi mới
chương trình, sách giáo khoa; giáo dục mầm non, giáo dục nghề…
Thứ hai: Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên
các cấp. Đội ngũ giáo viên có vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng
giảng dạy. Để thực hiện được nhiệm vụ cao cả này cần khắc phục những rào cản,
bất cập hiện nay (biên chế, tiền lương…) để giáo viên yên tâm công tác, thực sự
say sưa, tâm huyết với nghề. Giáo viên cần đảm bảo chuẩn theo quy định và
thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng cập nhật và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp
vụ. Các khóa bồi dưỡng tránh dàn trải mà cần ngắn hạn, chuyên sâu và bồi dưỡng
theo, sát nhu cầu thực tế, tạo động lực để giáo viên học tập, nâng cao trình độ
chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Thứ ba: Nâng cao năng lực quản lý của cán bộ
quản lý giáo dục các cấp. Quản lý là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự kỷ cương,
nề nếp. Cán bộ quản lý cần tổ chức thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các văn bản
chỉ đạo, hướng dẫn, quy định, cũng như các chương trình, kế hoạch của cấp trên
cũng như có những mô hình hay, phương pháp mới phù hợp với xu thế và tình hình
thực tế tại địa phương, đơn vị. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả bộ tiêu chuẩn
cán bộ quản lý cũng như đánh giá, phân loại, sử dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại
cán bộ quản lý theo tiêu chuẩn chức danh cụ thể.
Thứ tư: Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo
dục đào tạo. Cần tập trung rà soát lại và từ đó nghiên cứu quy định cơ cấu chi
ngân sách nhà nước theo hướng ưu tiên cho giáo dục và đào tạo – với vị trí, vai
trò là quốc sách hàng đầu; tăng cường xã hội hóa giáo dục, nâng cao hiệu quả,
đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo. Cùng với
đó, tăng cường đẩy mạnh thu hút các nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong
và ngoài nước đầu tư vào giáo dục, trong đó khuyến khích thành lập các trường
tư thục đa cấp chất lượng cao.
Thứ năm: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giáo dục đào tạo.
Thanh tra, kiểm tra để giữ vững và duy trì kỷ cương, trật tự, nề nếp, sự ổn
định trong giáo dục, đồng thời phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời các hiện tượng
tiêu cực trong giáo dục như gian lận thi cử, dạy thêm học thêm tràn lan, vi
phạm đạo đức lối sống trong đội ngũ giáo viên cũng như học sinh…Bên cạnh đó
cũng cần kịp thời làm tốt công tác thi đua khen thưởng tạo động lực tốt cho đội
ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên cũng như học sinh tích cực thi đua quản
lý tốt, dạy tốt, học tốt.
bài viết rất thiết thực
Trả lờiXóa