Kể từ khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, chính quyền
về tay nhân dân, người dân Việt Nam mới biết đến các quyền cơ bản của mình,
trong đó có quyền tự do ngôn luận. Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay,
việc bày tỏ tự do ngôn luận càng được chú trọng, bảo đảm hơn. Mọi người
đều có quyền tự do ngôn luận và biểu đạt; bao gồm tự do giữ ý kiến mà không bị
can thiệp, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận và truyền bá thông tin, tư tưởng bằng
bất cứ phương tiện truyền thông nào và không giới hạn về biên giới. Đó là nội
dung chính của Điều 19, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (Tuyên ngôn thế giới về
quyền con người), được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua và công bố theo Nghị
quyết 271A (III), ngày 10-12-1948. Hơn 70 năm tồn tại, Tuyên ngôn vẫn còn
nguyên giá trị, được đánh giá là bản tuyên ngôn có ý nghĩa nhân văn cao cả, đã,
đang và sẽ còn là mục tiêu phấn đấu của toàn thể nhân loại.
Với mỗi quốc
gia, dân tộc, việc kế thừa, phát triển, vận dụng, tuân thủ các giá trị của
Tuyên ngôn có sự khác nhau nhất định, do chi phối bởi đặc thù về chính trị,
kinh tế, xã hội, văn hóa,... Nhưng có một điểm chung bắt buộc là, các quyền tự
do ấy, phải trong khuôn khổ pháp luật, như chính Điều 29 và 30 của Tuyên ngôn
quy định.
Ở Việt Nam, với tầm nhìn vượt thời
đại, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sớm định hình tư tưởng về tự do ngôn luận. Trong Lời
phát biểu tại Đại hội toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp, năm 1921, Người
đã tố cáo thực dân Pháp bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận đối với nhân dân An
Nam: “Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, ngay cả quyền
tự do hội họp và lập hội cũng không có. Chúng tôi không có quyền cư trú và du
lịch ra nước ngoài; chúng tôi phải sống trong cảnh ngu dốt tối tăm vì chúng tôi
không có quyền tự do học tập. Ở Đông Dương, bọn thực dân tìm mọi cách để đầu
độc chúng tôi bằng thuốc phiện và làm cho chúng tôi đần độn bằng rượu. Người ta
đã làm chết hàng nghìn người An Nam và tàn sát hàng nghìn người khác để bảo vệ
những lợi ích không phải của chính họ”. Vì vậy, trong Yêu sách của nhân dân An
Nam, Nguyễn Ái Quốc kêu gọi các Chính phủ trong khối Đồng minh nói chung và
Chính phủ Pháp nói riêng thừa nhận các quyền cơ bản của nhân dân An Nam, trong
đó có quyền tự do ngôn luận: “Trong khi chờ cho nguyên tắc dân tộc sẽ từ lĩnh
vực lý tưởng chuyển vào lĩnh vực hiện thực do chỗ quyền tự quyết thiêng liêng của
các dân tộc được thừa nhận thật sự, nhân dân nước An Nam trước kia, nay là xứ
Đông - Pháp, xin trình với các quý Chính phủ trong Đồng minh nói chung và với
Chính phủ Pháp đáng kính nói riêng, những yêu sách khiêm tốn sau đây: ... 3. Tự
do báo chí và tự do ngôn luận”. Nhất quán yêu sách đó, lãnh tụ Hồ Chí Minh
trong Chương trình Việt Minh, chủ trương: “Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hoà do Quốc dân đại hội cử lên sẽ thi hành những chính sách sau
này: ...2. Ban bố các quyền tự do dân chủ cho nhân dân: Tự do ngôn luận, tự do
xuất bản, tự do tổ chức, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại trong nước, tự do xuất
dương. Bỏ chế độ bắt phu và các chế độ áp bức do đế quốc đặt ra”.
Hiện thực hóa tư tưởng về tự do ngôn
luận, chỉ hơn 1 năm sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày
9-11-1946, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp gồm 7 chương, 70 điều, kế thừa những
tinh hoa văn hóa dân tộc và tư tưởng hiến chính của nhân loại, phù hợp với thực
tiễn đất nước; trong đó, quyền tự do ngôn luận được hiến định ở Điều thứ 10:
“Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và
hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”.
Thực thi Hiến pháp đầu tiên của nước ta nói chung và thực hiện quyền tự do ngôn
luận nói riêng, chỉ 3 năm sau, trong bài Trả lời điện phỏng vấn của ông Walter
Briggs, tháng 3-1949 đăng trên Báo Cứu quốc, số 1198, ngày 23-3-1949, Hồ Chí
Minh đã khẳng định thành tựu quyền tự do ngôn luận rất rõ ràng: “Hỏi: Ở Việt
Nam có tự do ngôn luận không (ngoài những ngôn luận phản quốc và thân thực dân
Pháp)? Trả lời: Có”. Tiếp tục khẳng định quyền tự do ngôn luận trong Báo cáo về
dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa đọc ngày 18-12-1959, Người tiếp tục khẳng định, quyền tự do ngôn
luận là một trong những quyền cơ bản của công dân...
Nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí
Minh về quyền tự do ngôn luận là quyền này phải đi đôi với nghĩa vụ và trách
nhiệm cá nhân. Tự do ngôn luận, tự do tư tưởng là một giá trị cơ bản, quan
trọng bậc nhất của quyền con người. Người giải thích: “Chế độ ta là chế độ dân
chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người
tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà
cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm
thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý.
Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của
Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục
vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý”.
Quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ
Chí Minh về quyền tự do ngôn luận, trong thời kỳ đổi mới, phù hợp với các Hiến
pháp năm 1992 và năm 2013, các văn kiện của Đảng, Nhà nước đều khẳng định và
hiện thực hóa quyền tự do ngôn luận của công dân. Có thể hiểu rằng, tự do ngôn
luận là tự do phát biểu ý kiến của mình bàn bạc một công việc chung; là quyền
của công dân được tham gia bàn bạc, thảo luận, đóng góp ý kiến vào những vấn đề
chung của xã hội.
Thực tế, Việt Nam luôn phải đối mặt
với các phần tử và thế lực thù địch cả ở trong và ngoài nước, trên nhiều lĩnh
vực, mặt trận khác nhau, trong đó có mặt trận tư tưởng, thông tin. Các thế lực
phản động, thù địch luôn tìm mọi cách để xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo, vu khống
các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trên mọi lĩnh vực, phủ nhận
các thành tựu đã đạt được, kể cả những thành tựu được bạn bè quốc tế ghi nhận,
đánh giá cao.
Trong quá trình xây dựng và phát
triển đất nước, để phù hợp với thực tiễn, trong bối cảnh “thế giới phẳng”, toàn
cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã điều chỉnh, bổ sung,
xây dựng nhiều đạo luật mới, đề cao, tôn trọng các quyền cơ bản, chính đáng của
con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy
định rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin,
hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy
định”. Hay như trong các luật được ban hành thời gian gần đây, như Luật Tiếp
cận thông tin (năm 2013); Luật Báo chí (năm 2016); Luật An ninh mạng (năm
2018)..., quyền tự do ngôn luận luôn được tôn trọng và bảo đảm. Kể từ khi hòa
mạng internet toàn cầu ngày 1-12-1997, Việt Nam liên tục thiết lập những kỷ lục
mới, bảo đảm quyền tự do ngôn luận, báo chí, đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu
tìm kiếm, trao đổi, thụ hưởng thông tin mọi lúc, mọi nơi, mọi mặt,... của người
dân cả trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cũng như truyền thông xã
hội. Người dân Việt Nam có thể dễ dàng truy cập vào tất cả các trang web, báo
chí trên thế giới; có thể bày tỏ mọi suy nghĩ, trăn trở, mong muốn chính đáng,
hợp pháp, bảo đảm thuần phong mỹ tục, giá trị nhân văn, đạo đức,... của mình
trên mạng xã hội hằng giờ, hằng ngày, thông qua việc viết bài, đăng ảnh, video
clip. Mỗi người dân Việt Nam cũng đều có thể tiếp cận tin tức của các cơ quan
thông tấn, báo chí lớn trên thế giới hay các trang cá nhân của mọi “công dân
toàn cầu” mà không gặp phải bất cứ sự hạn chế, ngăn chặn, cấm đoán nào./.
Phải bắt hết bọn phản động và xử lý thật nghiêm khắc để răn đe người khác.
Trả lờiXóa