Phát triển kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã
hội chủ nghĩa (XHCN) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Đó là kết quả của
quá trình tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, vận dụng sáng tạo quan điểm của
Chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thu có chọn lọc những quan điểm,
kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển KTTT của các nước trên thế giới vào điều kiện
cụ thể của Việt Nam. Tuy nhiên, đề cập
đến mô hình kinh tế này, một số luận điểm cho rằng, kinh tế thị trường và định
hướng xã hội chủ nghĩa như "nước và lửa" không thể kết hợp được với
nhau, kinh tế thị trường là của chủ nghĩa tư bản, Việt Nam xây dựng kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa là trái quy luật...
Đây đều là sự xuyên tạc vô căn cứ bởi lẽ, nguồn gốc
và bản chất của KTTT là kinh tế hàng hoá. Các phạm trù (giá trị, giá cả,
hàng hoá, tiền tệ), quy luật (giá trị, cạnh tranh, cung- cầu) của nền kinh tế
hàng hoá là các phạm trù, quy luật của KTTT. Các phạm trù, quy luật này có trước
chủ nghĩa tư bản, được chủ nghĩa tư bản sử dụng để phát triển KTTT tư bản chủ
nghĩa. KTTT tư bản chủ nghĩa thời kỳ đầu mới ra đời là KTTT tự do cạnh tranh,
chưa có hoặc rất ít sự can thiệp của nhà nước. Sự điều tiết của thị trường -
“bàn tay vô hình”, ngoài những mặt tích cực còn đưa đến nhiều hệ quả tiêu cực,
đặc biệt là khủng hoảng kinh tế chu kỳ, đòi hỏi phải có sự quản lý của nhà nước
- “bàn tay hữu hình” để hạn chế, khắc phục những khuyết tật do điều tiết tự
phát của cơ chế thị trường. Ngày nay, nền KTTT hiện đại của các nước tư bản
phát triển trên thế giới đều là nền KTTT có sự quản lý của nhà nước, vừa có điều
tiết bởi “bàn tay vô hình”, vừa có điều tiết bởi “bàn tay hữu hình”. KTTT có sự
quản lý của nhà nước ở các nước trên thế giới là không hoàn toàn giống nhau mà
có nhiều mô hình khác nhau, tuỳ thuộc vào mức độ can thiệp và nội dung định hướng
can thiệp của nhà nước.
KTTT là sản phẩm của văn minh nhân loại, không phải
là sản phẩm “riêng có” của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản đã sử dụng KTTT
làm cơ sở cho sự tồn tại, vận động, phát triển của mình. Đến nay đã xuất hiện
nhiều mô hình KTTT ở các nước tư bản phát triển, như: KTTT tự do ở Mỹ, KTTT xã
hội ở Đức, KTTT nhà nước phúc lợi ở Thuỵ Điển, KTTT phối hợp ở Nhật Bản… Các mô
hình KTTT này ở những mức độ khác nhau, dù được thừa nhận hay không thừa nhận đều
có các nhân tố khách quan XHCN. Đây là xu hướng tiến bộ, là những mầm mống của
CNXH ngay trong lòng các nước tư bản phát triển.
Các nền KTTT hiện
đại trên thế giới hiện nay đều có sự kết hợp giữa cơ chế thị trường và vai trò
quản lý, điều tiết của nhà nước. Nhà nước vừa bảo đảm, tôn trọng, tạo môi trường
hoạt động cho các quy luật KTTT; vừa hạn chế, khắc phục những tác động tiêu cực,
tự phát do các quy luật KTTT gây ra; giữ môi trường ổn định cho phát triển kinh
tế và hướng sự phát triển kinh tế vào các mục tiêu xã hội, bảo đảm công bằng xã
hội, quan tâm đến an sinh xã hội.
Việt Nam đi lên CNXH từ một nước kinh tế chưa phát
triển, bỏ quan chế độ tư bản chủ nghĩa nên việc phát triển KTTT định hướng XHCN
là rất cần thiết, nhằm giải phóng lực lượng sản xuất, khai thác mọi tiềm năng,
sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển, từng bước xây dựng cơ sở vật
chất cho CNXH. KTTT định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ
quá độ lên CNXH ở Việt Nam. Mô hình này là một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân
theo những quy luật của KTTT, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi
các nguyên tắc và bản chất của CNXH.
Từ thực tiễn qua 35 năm đổi mới, thực hiện nền KTTT
định hướng XHCN, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Việt
Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu
nhập trung bình thấp. Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990) mức tăng
trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4%, thì giai đoạn 1991-1995 GDP bình
quân đã tăng gấp đôi, đạt 8,2%/năm; các giai đoạn sau đó đều có mức tăng trưởng
khá cao; giai đoạn 2016-2019 đạt mức bình quân 6,8%. Liên tiếp trong 4 năm, từ
năm 2016 - 2019, Việt Nam đứng trong top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới,
là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Đặc biệt, trong năm 2020,
trong khi phần lớn các nước có mức tăng trưởng âm hoặc đi vào trạng thái suy
thoái do tác động của dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương
2,91%, góp phần làm cho GDP trong 5 năm qua tăng trung bình 5,9 %/năm, thuộc
nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Quy
mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên, nếu như năm 1989 mới đạt 6,3 tỷ USD,
thì đến năm 2021 đã đạt khoảng 362,4 tỷ USD, dự kiến năm 2022 tốc độ tăng trưởng
đạt hơn 8%, quy mô nền kinh tế đạt hơn 400 tỷ USD. Đời sống nhân dân cả về vật
chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt, năm 1985 bình quân thu nhập đầu người
mới đạt 159 USD/năm, thì đến năm 2022 đạt 2022 ước đạt 4.075 USD
USD/năm. Các cân đối lớn của nền kinh tế về tích luỹ - tiêu dùng,
tiết kiệm - đầu tư, năng lượng, lương thực, lao động - việc làm,… tiếp
tục được bảo đảm, góp phần củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ
mô. Với hơn 45 triệu người thoát nghèo. Tỉ lệ nghèo giảm mạnh từ hơn 70% xuống
còn dưới 6% (3,2 USD/ngày theo sức mua ngang giá)
Vì vậy, chắc chắn rằng, các quy luật của KTTT và định
hướng XHCN hoàn toàn không đối lập nhau, là khách quan phù hợp với tình hình thực
tiễn Việt Nam, không loại trừ nhau trong nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam
Những luận điệu phê phán, phủ nhận, xuyên tạc bản
chất của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện
nay của các thế lực thù địch đều nhằm hướng đến một đích đến duy nhất là làm chệch
hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường, từ đó làm chệch quỹ
đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Do đó, cần hết sức tỉnh táo nhận diện
và kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai lầm, phi lý và vô căn cứ
này; tiếp tục giữ vững niềm tin vào con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.
Việt Nam đã đi rất đúng hướng
Trả lờiXóa