Hiện nay,
các thế lực thù địch đang tích cực đẩy mạnh tuyên truyền chống phá Luật Đất
đai, chúng cho rằng Việt Nam nên thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đại hoặc thực
hiện chế độ đa sở hữu giống như nhiều nước khác. Đồng thời chúng cho rằng, sở
hữu toàn dân là không minh bạch, mù mờ, không xác định được ai là chủ sở hữu
trong các quan hệ đất đai, nhất là khi xảy ra tranh chấp đất đai.
Trong điều kiện nước ta đang thực hiện quá trình CNH, HĐH, đô
thị hóa, nếu thiết lập chế độ sở hữu tư nhân về đất đai là một yếu tố cản trở
đầu tư cho phát triển KT-XH. Quá trình CNH, HĐH, đô thị hóa đòi hỏi chuyển một
diện tích đất nông nghiệp sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Sở hữu tư
nhân đất đai sẽ đặt nhà đầu tư vào chỗ phải thỏa thuận với quá nhiều người dân,
chỉ một người không đồng ý với phương án chung là kế hoạch đầu tư khó triển
khai thực hiện. Mặt khác, những người tư hữu riêng lẻ cũng khó có điều kiện
thỏa thuận với nhà đầu tư theo giá có lợi cho họ. Kết quả là sở hữu tư nhân đất
đai vừa cản trở quá trình phát triển KT-XH của đất nước, vừa không có cơ chế
bảo vệ được lợi ích của nhà đầu tư và của chính người dân.
Bên cạnh đó, sở hữu tư nhân đất đai sẽ dẫn đến kết quả không
mong muốn là nảy sinh tình trạng phân hóa giàu nghèo, bất công trong xã
hội nảy sinh.
Điều này
có thấy từ các minh chứng trong lịch sử. Với sở hữu tư nhân đất
đai, người sở hữu đất có quyền đối xử với đất như đối với tài sản riêng, có
quyền mua, bán, chuyển nhượng, thậm chí bỏ hoang không sử dụng, cũng
như chuyển đổi mục đích sử dụng. Không ai có quyền thu hồi, sử dụng đất của
người khác nếu không được chủ đất cho phép. Do đất là tài sản riêng nên người
dân có quyền định đoạt nó như hàng hóa trên thị trường bất động sản. Lợi dụng
khó khăn hoặc kém hiểu biết của nông dân, một bộ phận người có tiền (từ nhiều
nguồn khác nhau mà chúng ta không kiểm soát được) có thể thu gom đất đai để trở
thành địa chủ. Điều này đã diễn ra trong cải cách ruộng đất của chế độ Mỹ -
Diệm những năm 60 của thế kỷ XX ở miền Nam nước ta.
Ngay cả ở giai đoạn hiện nay,
nếu duy trì phổ biến sở hữu tư nhân đất đai cũng sẽ dẫn đến hiện trạng người có
nhiều tiền thu gom đất đai và chỉ sử dụng đất vì mục đích cá nhân như làm trang
trại để nghỉ ngơi, giải trí, cho thuê nhằm kiếm lời,… Đây sẽ là nguyên nhân dẫn
đến một bộ phận nông dân đói nghèo vì không có đất, không còn kế sinh
nhai, khi đa phần đất nông nghiệp được chuyển giao theo con đường sở hữu tư
nhân cho một số người.
Nếu thực hiện chế độ sở hữu tư nhân đất đai,
đành rằng Nhà nước có thể giữ lại quyền quy hoạch mục đích sử dụng từng thửa
đất và ràng buộc chủ đất thực hiện một số quy định vì môi trường sống chung,
nhưng không ai có quyền ngăn cản người chủ đất sử dụng đất theo ý họ, vì đất là
tài sản riêng của họ. Lý do này còn khiến đất đai có xu hướng được sử dụng
không hiệu quả, không vì mục đích sinh tồn của đa số dân cư.
Các thế lực thù địch ra sức “cổ vũ” việc sở hữu tư
nhân về đất đai, coi đó là biện pháp sử dụng đất hiệu quả đã quên đi
mục tiêu xóa bỏ tình trạng dùng quyền sở hữu tư liệu sản xuất (trong đó có đất
đai) để nô dịch người khác. Hơn nữa, như C.Mác đã từng chỉ ra, quyền tư hữu có
tính độc quyền về đất đai là vật cản của tiến bộ kinh tế, kỹ thuật trong nông
nghiệp. Thực tế phân hóa giàu nghèo trong các tư bản phát triển hiện nay cũng
chứng minh cho tính đúng đắn của kết luận này.
Dưới chiêu bài ủng hộ hiệu quả
sử dụng đất (hiệu quả sử dụng đất theo nghĩa đem lại thu nhập bằng tiền cho
người sở hữu đất), chúng lý
lẽ rằng, sở hữu toàn dân về đất đai dẫn đến vô chủ và vì vô chủ nên đất được sử
dụng không hiệu quả. Chúng cũng lý lẽ rằng, Luật đất đai, vì dựa trên lập
trường sở hữu toàn dân nên không chính danh, không xác lập được quan hệ dân sự
trong các giao dịch về đất đai nên dẫn đến các giao dịch đất đai của nước ta
không giống với thông lệ quốc tế, gây tranh chấp khi có yếu tố nước ngoài. Ở
đây, chưa cần bàn đến việc có cho người nước ngoài tự do sở hữu đất
đai, nhất là đất sản xuất hay không, nhưng người nước ngoài trên đất Việt Nam
phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, có lẽ cũng là một thông lệ. Hơn nữa, các nước
trên thế giới không có một luật đất đai giống nhau.
Chúng cho rằng, Nhà nước ta không đủ
năng lực quản lý đất đai. Chúng cố tình không hiểu rằng, chính vấn đề cần
bàn là cần nỗ lực xây dựng một Nhà nước có khả năng quản lý đất đai tốt hơn.
Chúng “khăng khăng” cho rằng, yếu kém của Nhà nước trong quản lý đất đai
với tư cách đại diện cho sở hữu toàn dân là đương nhiên. Một luận giải
khiên cưỡng, bởi nếu Nhà nước không thể thay mặt xã hội quản lý tài sản
chung thì đừng nói đến quốc gia XHCN, mà quốc gia ổn định cũng không có.
Sự phù hợp của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là đúng
đắn.
Xuất phát từ
lập trường “Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”, nhân dân phải là chủ sở hữu
đối với tư liệu sản xuất đặc biệt quý giá của quốc gia là đất đai. Đất đai là
thành quả của sự nghiệp giữ nước và dựng nước lâu dài của cả dân tộc, không thể
để cho một số người nào đó “may mắn” trên thị trường có quyền độc
chiếm sở hữu. Đất đai của quốc gia, dân tộc phải thuộc sở hữu chung của toàn
dân và được sử dụng phục vụ cho mục đích chung của toàn dân tộc, của nhân dân.
Nhiều diện tích đất đai phải được quy định trong luật là để sử dụng chung như
đất làm đường, công viên, bờ biển tập kết của tàu, thuyền ngư dân đánh cá, hồ
nước, dòng chảy của sông,… Các cơ quan giám sát tuân thủ pháp luật phải có đủ
sức mạnh để không cho phép ai lấn chiếm, sử dụng những diện tích dùng chung một
cách tùy tiện.
Sở hữu toàn dân tạo điều kiện để những người lao động có điều
kiện tiếp cận đất đai tự do. Với sự sụp đổ của mô hình CNXH ở Liên Xô và các
nước Đông Âu, nhiều người không còn tin vào CNXH và thậm chí họ còn cho rằng,
Việt Nam nên bỏ “định hướng XHCN” trong mô hình kinh tế thị trường định
hướngXHCN. Song, bản chất XHCN không bị cố định vào mô hình kinh tế kế hoạch
hóa tập trung, quan liêu, càng không bị trói buộc vào chế độ phân phối bình
quân. XHCN dựa trên nền tảng coi trọng lao động, rằng lao động tạo ra xã hội
loài người, tạo ra của cải và tạo ra cuộc sống ngày càng tốt hơn cho con người
theo nghĩa nhân văn. Chính vì thế lao động là vinh quang, ai không lao động mà
sử dụng của cải một cách bất hợp pháp do người khác làm ra là phi đạo đức.
Quảng đại quần chúng lao động phải trở thành chủ nhân của xã hội và tự tổ chức
lại dưới hình thức xã hội tự nguyện, bình đẳng, bác ái, dân chủ. CNXH như vậy
mãi mãi là khát vọng chân chính của loài người. Định hướngXHCN chính là con
đường đúng đắn nhất để đưa khát vọng đó dần trở thành hiện thực trong cuộc
sống. Song, mô hình nào để chúng ta có thể xây dựng được xã hội như thế ở một
nước kinh tế còn đang phát triển với biết bao áp lực của thế giới TBCN bên
ngoài và tính ích kỷ trong mỗi cá nhân chúng ta còn lớn? Lời đáp cho câu hỏi đó
là chúng ta còn đang phải tìm tòi, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Dù mô hình kinh
tế XHCN còn chưa được hiện thực hóa, dù trình độ phát triển kinh tế của chúng
ta còn thua kém nhiều nước, nhưng không vì thế chúng ta lựa chọn con đường TBCN
hy sinh quyền lợi của đa số người lao động, tích lũy của cải vào tay một tỷ lệ
phần trăm nhỏ nhoi những người giàu có trong xã hội.
Sở hữu toàn dân không phải là
sở hữu nhà nước về đất đai. Sở hữu toàn dân về đất đai là
sở hữu chung của toàn dân, nhưng có sự phân chia việc thực hành quyền sở hữu
giữa người sử dụng đất và Nhà nước. Bản chất của cơ chế này là phân
chia một cách hợp lý các quyền của chủ sở hữu đất đai giữa người dân và Nhà
nước, cũng như giữa các cơ quan nhà nước các cấp.
Luật đất đai năm 2013 và các
văn bản pháp luật liên quan đã trao cho người dân khá nhiều quyền: sử dụng
(theo quy hoạch của Nhà nước), chuyển đổi, chuyển nhượng, thế chấp vay vốn,
thừa kế, góp vốn…Về cơ bản, người dân đã có gần hết quyền của chủ sở hữu
cho phép họ đầu tư, sử dụng đất hiệu quả theo năng lực của họ. Một số hạn chế
của quyền chủ sở hữu mà người sử dụng đất không có là: không được tùy ý chuyển
mục đích sử dụng đất; hạn điền; thời gian giao đất hữu hạn; phải giao lại đất
cho Nhà nước để sử dụng vào mục đích an ninh quốc phòng, mục đích công cộng.
Tương ứng với mở rộng quyền cho người sử dụng đất, quyền của cơ quan nhà nước
với tư cách đại diện cho toàn dân thống nhất quản lý đất đai trong cả nước được
quy định trên các mặt sau: quy định mục đích sử dụng cho từng thửa đất (bằng
quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất); thu hồi đất phục vụ các mục đích an ninh,
quốc phòng, mục đích công cộng; thu một số khoản dựa trên đất.
Sở hữu toàn dân về đất đai đem
lại nhiều lợi ích phù hợp với điều kiện lịch sử - cụ thể của Việt
Nam. Không những không cản trở quá trình sử dụng đất hiệu quả ở phương diện vi
mô của người sử dụng đất cũng như ở phương diện lưu chuyển quyền sử dụng đất
trên thị trường bất động sản, chế độ sở hữu toàn dân còn đem lại nhiều lợi ích
phù hợp với đặc thù của nước ta.
Cụ thể là: Chế
độ sở hữu toàn dân nhấn mạnh quyền của người dân trong sử dụng quyền của mình
để cùng nhau giải quyết các vấn đề bất đồng trong sử dụng và phân chia lợi ích
từ đất. Với chế độ pháp quyền XHCN, người dân có quyền cùng nhau xây dựng Hiến
pháp quy định về cung cách sống chung và quyền hạn của Nhà nước trong xã hội.
Với việc quy định chế độ sở hữu toàn dân về đất đai trong Hiến pháp, khi
đa số công dân bị bất lợi trong phân chia lợi ích từ đất đai, họ có thể yêu cầu
Nhà nước sửa Luật đất đai phục vụ mục đích chung của công dân, sửa chữa những
mất công bằng trong phân phối lợi ích từ đất đai do cơ chế thị trường đem lại.
Nếu Hiến pháp tuyên bố sở hữu tư nhân về đất đai thì nhân danh quyền chủ sở
hữu, bộ phận nhỏ dân cư sở hữu nhiều đất đai sẽ không cho phép đa số còn lại
thay đổi chế độ phân phối lợi ích từ đất đai.
Chế độ sở hữu toàn dân về đất
đai tránh cho xã hội chúng ta rơi vào tình trạng bất ổn do một số người có thể
đòi hỏi xem xét lại các quyết định lịch sử về đất đai nếu như duy trì chế độ sở
hữu tư nhân về đất đai. Với tuyên bố đất đai là thuộc sở hữu chung của mọi công
dân Việt Nam được thực thi theo cơ chế Nhà nước được toàn dân ủy quyền cho việc
giao đất cho hộ gia đình và tổ chức sử dụng và Nhà nước được ủy quyền quản lý
đất đai bảo đảm quá trình sử dụng đất đai làm sao để lợi ích của người sử dụng
đất đai thống nhất với lợi ích chung của quốc gia. Khi đó, không có vấn đề
tranh chấp giữa cá nhân và cá nhân. Việc giao đất hay cải cách quản lý của Nhà
nước theo hướng mở rộng hơn nữa quyền của người sử dụng đất có lợi cho người
lao động, nhất là có lợi cho nông dân, những người trực tiếp sử dụng đất với tư
cách tư liệu sản xuất, chỉ là vấn đề tiếp theo của những quyết định đã có trong
lịch sử, không phải là một cuộc đảo lộn lịch sử. Cách làm và quan niệm như
vậy sẽ tạo được sự đồng thuận cần thiết của cả dân tộc trong bối cảnh
nước ta còn không ít khó khăn hiện nay. Về mặt thực tế, duy trì sở hữu toàn dân
trong điều kiện hiện nay là cách làm tốt nhất để ổn định kinh tế, chính trị, xã
hội.
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.
Trả lờiXóa