Trong thời gian qua,
tình hình thế giới và khu vực chuyển biến nhanh chóng với nhiều diễn biến phức
tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song các
nhân tố bất ổn ngày càng gia tăng. Đặc biệt, trong hơn ba năm qua, đại dịch COVID-19
tác động nghiêm trọng và để lại hậu quả nặng nề trên mọi mặt của đời sống xã
hội ở hầu hết các quốc gia. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng
quyết liệt hơn, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ trỗi
dậy. Các thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống ngày càng
gay gắt. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ. Quá trình
định hình lại cấu trúc chính trị, kinh tế thế giới đang diễn ra ngày càng nhanh
với những tập hợp lực lượng đa dạng, phức tạp, đan xen, tác động nhiều chiều
đến hòa bình, an ninh và phát triển của các nước.
Lợi dụng bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, nhiều biến động mới;
tình hình trong nước còn nhiều khó khăn, các thế lực thù địch, phản động, cơ
hội chính trị ráo riết tung ra những luận điệu xuyên tạc nhằm bôi nhọ, hạ thấp
uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Mục tiêu cuối cùng mà sự
chống phá của các thế lực này hướng tới không gì khác là nhằm xóa bỏ sự lãnh
đạo của Đảng, của chế độ xã hội chủ nghĩa và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân
tộc.
Sự tinh vi của những thủ đoạn này ở chỗ, họ lợi dụng không gian
mạng xã hội - nơi khởi phát nhanh chóng những thông tin thật - giả, đúng - sai,
tốt - xấu... đa chiều, phức tạp, để tung ra thông tin sai lệch, xuyên tạc đường
lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Thậm chí, một số “nhà hoạt động”,
“nhà dân chủ”, “học giả” tự xưng..., kể cả ở ngoài nước, đưa ra những “ý kiến”,
“tư vấn”, “phản biện”, tạo những “cơn sóng ngược” trên mạng xã hội, mưu toan
gieo rắc tâm lý hoang mang, mất phương hướng, tạo sự bức xúc, tâm lý chống đối,
gây mất ổn định xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta.
Chẳng hạn, họ xuyên tạc rằng đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà
nước Việt Nam hiện nay là “đu dây”, “tự sát”, bị lệ thuộc, chi phối bởi các
cường quốc; rằng sự lạc hậu về chính sách đối ngoại sẽ khiến Việt Nam khó giữ
được các quan hệ an ninh với các “phên dậu láng giềng”. Rồi họ đưa ra “lời
khuyên”, “chỉ đường” cho Việt Nam nên bỏ chính sách “bốn không” để nghiêng về
phương Tây, gắn với thực hiện “dân chủ hóa Việt Nam”. Xem đây là giải pháp để
bảo vệ chủ quyền quốc gia. Và rằng, một nền dân chủ đích thực sẽ giúp đất nước
thoát khỏi tình thế suy yếu, bị chèn ép...
Tính chất nguy hiểm của các luận điệu nêu trên là tạo ra sự hoang
mang, dao động, gây chia rẽ từ bên trong, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ đối
ngoại của Việt Nam với các nước, nhất là các nước đối tác, đối tác chiến lược,
khiến dư luận trong và ngoài nước hiểu sai lệch về Việt Nam.
“Chiến dịch quân sự đặc biệt” mà Nga thực hiện ở U-crai-na là một
sự kiện quốc tế được các thế lực thù địch, phản động, lợi dụng triệt để nhằm
bóp méo, xuyên tạc chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt
Nam.
Quan điểm của Việt Nam hết sức khách quan, rõ ràng, thể hiện qua
bốn lần bỏ phiếu, đó là đều khẳng định lập trường nhất quán về giải quyết các
tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp
quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập,
chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc
nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, tiếp tục kêu gọi các bên
giảm căng thẳng, ngừng bắn, nối lại đối thoại, tìm giải pháp lâu dài cho các
bất đồng trên cơ sở tính tới quyền và lợi ích chính đáng của các bên liên quan.
Phát biểu của Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc trong Phiên họp lần
thứ 11 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thể hiện rất rõ quan điểm rằng, Việt
Nam hết sức lo ngại về tình hình xung đột vũ trang hiện nay ở U-crai-na, một
quốc gia có chủ quyền, thành viên của Liên hợp quốc. Việt Nam cho rằng, điều
cấp bách hiện nay là cần kiềm chế tối đa và chấm dứt ngay lập tức việc sử dụng
vũ lực để tránh thêm thương vong và tổn thất, đặc biệt là đối với dân thường. Việt
Nam kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và
đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài có tính đến
lợi ích và quan ngại của tất cả các bên, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tuy
nhiên, trên các trang mạng, diễn đàn, tài khoản mạng xã hội của các tổ chức, cá
nhân thù địch, chống đối liên tục đăng tải tin, bài, cố tình đưa ra những luận
điệu sai trái, suy diễn, võ đoán, quy chụp rằng quan điểm của Việt Nam là “mơ
hồ”, “không kiên định”, “lập trường không dứt khoát”, “rõ ràng”; rằng Việt Nam
“lạc lõng” trước thời cuộc. Từ đó, họ đưa ra những kết luận hàm hồ, vô căn cứ
rằng Việt Nam sẽ “mất đi sự ủng hộ của các nước vì thực chất đã “chọn phe””.
Đây là những luận điệu xuyên tạc hết sức nguy hiểm, chúng ta cần cảnh giác và
đấu tranh với những quan điểm sai trái trên.
Trước hết cần khẳng định, Việt Nam thực
hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác
và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; bảo đảm cao nhất lợi
ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp
quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi; kết hợp sức mạnh
dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện,
sâu rộng. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có
trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Thực tế sinh động diễn ra trong hơn 35 năm đổi mới,
nhất là những năm gần đây, đã minh chứng cho tính đúng đắn trong đường lối đối
ngoại của của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Với mục tiêu tối thượng là bảo đảm lợi
ích quốc gia - dân tộc, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa
dạng hóa quan hệ quốc tế của Việt Nam đã góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn
định, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng,
Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Chúng ta phải nhận diện được âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, chỉ rõ những phương thức chống phá của chúng; đồng thời nâng cao sức đề kháng cho cán bộ đảng viên và người dân để chống lại luận điệu xuyên tạc của chúng.
Trả lờiXóa