Có thể tổng kết những thành tựu lý luận lớn của Đảng ta trong lãnh đạo tiến hành công cuộc đổi mới đất nước trên
những nội dung chính như sau:
Một là, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định, bổ sung,
định hình ngày càng rõ hơn nội dung các đặc trưng của CNXH Việt Nam trên cơ sở
nhận thức đúng đắn về thời kỳ quá độ lên CNXH trong điều kiện cụ thể của Việt
Nam.
Trong quá trình đổi
mới, Đảng đã xác định mô hình CNXH bao gồm 6 đặc trưng, rồi tiếp tục bổ sung,
phát triển thành 8 đặc trưng, thể hiện những bước phát triển không ngừng trong
nhận thức lý luận của Đảng về mô hình CNXH, đồng thời cũng là mục tiêu của CNXH
Việt Nam.
Cương lĩnh xây dựng
đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm
2011), được thông qua tại Đại hội XI của Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam, đã khẳng
định xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: 1- Dân giàu, nước mạnh,
dân chủ, công bằng, văn minh; 2- Do nhân dân làm chủ; 3- Có nền kinh tế phát
triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù
hợp; 4- Có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; 5- Con người có cuộc
sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; 6- Các dân tộc
trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng; 7- Có Nhà nước pháp
quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; 8-
Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
Hai là, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành đổi
mới tư duy, vận dụng sáng tạo lý luận CNXH khoa học, tư tưởng Hồ Chí Minh vào
công cuộc đổi mới, xác lập mục tiêu phát triển trong xây dựng CNXH.
Đại hội VI của Đảng
là cột mốc lịch sử quan trọng trong sự nghiệp cách mạng XHCN của nhân dân ta.
Trên cơ sở những thành tựu đổi mới từ Đại hội VI của Đảng, Đại hội VII của Đảng
(tháng 6-1991) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ
lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991). Đây là văn kiện quan trọng mang tầm định hướng
chiến lược. Công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng từ năm 1986 đến nay
tiếp tục nhất quán với mục tiêu và con đường ấy; vận dụng và phát triển sáng
tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng, hình
thành nhận thức mới về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam phù hợp với bối
cảnh quốc gia và thời đại ngày nay. Qua mỗi kỳ đại hội, Đảng ta lại có bước
phát triển mới về vấn đề căn cốt này trên cơ sở tổng kết việc thực hiện mục
tiêu CNXH và bảo đảm định hướng XHCN, định hình từng bước mục tiêu, giá trị
CNXH trong quá trình đổi mới, phát triển đất nước.
Ba là, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổng kết, kế thừa,
làm rõ phương hướng xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH.
Cương lĩnh năm 1991 đã đề ra 7 phương hướng
cơ bản và cũng là nội dung cần thiết của cách mạng XHCN và xây dựng CNXH trong
thời kỳ đổi mới. Cách xác định phương hướng cơ bản xây dựng đất nước trong thời
kỳ quá độ lên CNXH trong Cương lĩnh năm 1991 đã đề cập, bao hàm cả phương hướng
phát triển. Sau đó, Đại hội X của Đảng (năm 2006), qua tổng kết 20 năm đổi mới,
đã cân nhắc, xác định 8 phương hướng nhưng gọn hơn. Kế thừa tinh thần của Đại hội X, tại Đại hội XI của Đảng,
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ
sung, phát triển năm 2011) đã xác định rõ hơn mục tiêu, con đường đi lên CNXH ở
Việt Nam thông qua việc bổ sung, phát triển các phương hướng cơ bản.
Khái quát toàn bộ
phương hướng cơ bản xây dựng CNXH trong 38 năm đổi mới cho thấy, sau mỗi kỳ đại
hội, trên cơ sở thực tiễn thực hiện phương hướng xây dựng CNXH trên từng lĩnh
vực cơ bản, Đảng lại có sự bổ sung, phát triển lý luận về phương hướng rất rõ
rệt và ngày càng sâu sắc, đầy đủ, toàn diện hơn trên tất cả lĩnh vực. Đây là sự
tìm tòi, đổi mới và cống hiến lý luận của Đảng nhằm mục tiêu phụng sự Tổ quốc
Việt Nam XHCN, phục vụ nhân dân trong bối cảnh mới.
Cùng với đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát hiện và xác định các mối quan hệ
lớn cần giải quyết trong quá trình thực hiện các phương hướng xây dựng, phát
triển đất nước. Đặc biệt, hình thành khái niệm “kinh tế thị
trường định hướng XHCN” là sự đổi mới căn bản nhận thức, sự đột phá trong tư
duy lý luận và thực tiễn lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, xây dựng CNXH ở nước ta.
Có thể khẳng định những thành tựu lý luận của Đảng Cộng
sản Việt Nam trong lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước là cơ sở, nền tảng rất
quan trọng góp phần xây dựng và từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; dẫn dắt, soi đường cho sự
nghiệp cách mạng của nước ta trong giai đoạn mới giành thắng lợi; từng bước
nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế./.