Nhìn lại công cuộc đổi mới, thực hiện Cương lĩnh xây dựng
đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đất nước đã đạt được những
thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển toàn diện so với những năm trước
đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật
chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt.
Trước đổi mới, Việt Nam là một nước nghèo, bị chiến
tranh tàn phá nặng nề, cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ XX, đời sống
nhân dân hết sức khó khăn, thiếu lương thực triền miên, khoảng ¾ dân số sống ở
mức nghèo khổ.
Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế bắt đầu
phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tăng trưởng tương đối cao, trung
bình khoảng gần 7% mỗi năm. Đến năm 2023, quy mô GDP không ngừng được mở rộng, đạt
430 tỷ đô la Mỹ (USD), lọt nhóm 25 nền kinh tế lớn nhất thế giới; thu nhập bình
quân đầu người mức 4.284,5 USD; tổng kim ngạch
xuất nhập khẩu tăng mạnh, đạt trên 683 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt
trên 355,5 tỷ USD; dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 11.902 tỷ USD; tỉ lệ hộ
nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,9% giảm 1,1% so với năm 2022.
Sự nghiệp giáo dục có bước phát triển mới về quy mô,
đa dạng hóa về loại hình trường lớp từ mầm non, tiểu học đến cao đẳng, đại học.
Các đội tuyển học sinh Việt Nam
tham dự Olympic khu vực và quốc tế liên tục mang về thành tích cao, lọt trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất.
Công
tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có bước tiến bộ rõ rệt, hệ thống bảo hiểm
y tế được mở rộng đến khoảng gần 94% dân số. Các chỉ số sức khỏe cộng đồng được
nâng lên. Tuổi thọ trung bình của người dân từ 63 tuổi năm 1990 tăng lên 73,7
tuổi hiện nay.
Các
lĩnh vực văn hoá, xã hội vẫn tiếp tục được quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển,
đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, trong phòng, chống đại dịch
COVID-19, đã giải ngân 104.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho gần 58 triệu người dân, người
lao động và 1,4 triệu người sử dụng lao động.
Với chủ
trương tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam là thành viên Hiệp
hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), thực hiện các cam kết về Khu vực mậu dịch
tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, gia nhập Tổ chức
Thương mại thế giới (WTO),... Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với
hơn 200 nước và vùng lãnh thổ.
Đối với công tác phòng, chống
tham nhũng, các thế lực thù địch, phần tử cơ
hội chính trị cố tình cho rằng đây là những cuộc thanh trừng đấu đá
mang tính chất phe phái để tranh chức, đoạt quyền để kích động, gây mất đoàn kết
nội bộ.
Tuy
nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay đang
tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu
quả hơn; thể hiện qua số lượng vụ án được xử lý ngày càng nhiều, trên hầu hết
lĩnh vực, ở tất cả địa phương. “Trong năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp
đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, hơn 24.160 đảng viên (tăng 12% về số đảng
viên bị kỷ luật so với năm 2022). Trong đó, thi hành kỷ luật 459 đảng viên do
tham nhũng, 8.863 đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,
vi phạm những điều đảng viên không được làm; thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ
Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, bố
trí công tác khác hơn 360 trường hợp sau khi bị kỷ luật, trong đó có 92 cán bộ
thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý. Qua thanh tra, kiểm toán, các cơ quan chức
năng đã kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi 82.560 tỷ đồng và 883 ha đất; kiến
nghị xử lý hành chính 3.530 tập thể và 8.619 cá nhân; đã chuyển 557 vụ việc có
dấu hiệu phạm tội sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của
pháp luật.
Những kết
quả nêu trên cho thấy, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đã lan tỏa rất
mạnh mẽ và có “sức bật mới”, ngày càng đi vào chiều sâu, với phương châm “không
có vùng cấm, không có ngoại lệ”, bất kể người đó là ai.
Về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng, các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước
đã tiến hành nhiều hoạt động nhằm
chống phá; chúng luôn
cho rằng Đảng là người đứng trên pháp luật, không chịu sự chi phối của pháp luật
nên không cần tuân theo pháp luật. Thực tế không phải như vậy, trong điều 4 của
Hiến pháp đã nêu rõ: Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam
hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Xem xét
từ góc độ lý luận và thực tiễn về mối quan hệ giữa đảng chính trị và dân chủ
trong lịch sử, cũng như hiện nay cho thấy, không phải cứ đa đảng là dân chủ và
một đảng là mất dân chủ.
Thực tiễn
cho thấy, dù nhiều quốc gia thực hiện đa đảng, nhưng điều đó không đồng nghĩa với
việc quyền làm chủ của đa số nhân dân được bảo đảm. Những cuộc lật đổ, tranh
giành quyền lực giữa các phe phái chính trị ở một số nước trên thế giới hiện
nay làm cho hàng chục triệu người thiệt mạng, hàng chục triệu người khác lâm
vào cảnh nghèo đói.
Từ lý
luận và tổng kết thực tiễn ở trên cho chúng ta khẳng định: Luận điệu “một đảng
thì mất dân chủ, cản trở sự phát triển, còn đa đảng đồng nghĩa với dân chủ,
phát triển” là hoàn toàn sai trái và không dựa trên cơ sở khoa học. Đa đảng
không phải là yếu tố bảo đảm dân chủ đích thực, bởi bản chất của dân chủ là
“quyền lực thuộc về nhân dân”.
Tóm lại,
mọi luận điệu tuyên truyền của các thế lực phản động xét cho cùng đều không thể
phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Như Đại
hội XIII của Đảng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực,
vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Những bằng chứng đanh thép trên đây đã đập tan tất cả luận điệu xuyên tạc
của các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị luôn rêu rao về cái gọi là
“chế độ một đảng là mất dân chủ”, “một đảng mới dẫn đất nước tới nghèo đói”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét