Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2017

Thực chất Lê Công Định muốn gì qua “Đồng Tâm”?

Như “đến hẹn lại lên”, cứ chờ Việt Nam “có việc” là bọn phản động, cơ hội chính trị lại nhao nhao xông lên chĩa “ngọn giáo” về phía đồng bào, Tổ quốc mình. Gần đây nhất, nhân sự kiện xảy ra ở xã Đồng Tâm (Hà Nội, tháng 4 năm 2017), Lê Công Định có bài phê phán chế độ sở hữu và cách thức quản lý đất đai ở Việt Nam, từ đó “đề xuất” những “giải pháp” giải quyết. Vậy thực chất của Lê Công Định là gì? Hắn muốn gì qua vụ việc “Đồng Tâm”?

Trong bài viết, sau khi nêu khái lược quá trình quản lý đất đai trong lịch sử nước ta, Lê Công Định cho rằng từ năm 1955 ở miền Bắc và từ năm 1975 ở miền Nam chế độ tư hữu chấm dứt, được thay thế bằng quan niệm “quyền sử dụng đất”, xuất phát từ sở hữu toàn dân. Hắn đánh giá đây là “một quan niệm lạ kỳ”,sở hữu toàn dân là một quan niệm chính trị bay bổng về kinh tế của người cộng sản, nhưng được lồng ghép một cách cưỡng bức thông thường về quyền sở hữu tài sản”, “sở hữu toàn dân thực chất chỉ là một hư quyền”, “Nhà nước CHXHCNVN với thực quyền sở hữu đất đai nghiễm nhiên trở thành giai cấp đại địa chủ duy nhất và lớn nhất trên toàn lãnh thổ Việt Nam”. Hắn hồ đồ luận giải: “Người nông dân lại không có quyền định đoạt lợi ích từ mảnh đất của chính mình trên thực tế. Họ khác gì các tá điền thời phong kiến? Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, suy cho cùng chính là Tô Tá Khế, tức hợp đồng thuê đất canh tác dìa hạn, mà tá điền phải kí kết với địa chủ và trả tiền thuê đất dưới hình thức địa tô”.

Từ những lập luận khiên cưỡng, xằng bậy đó, hắn đi đến kết luận: “Tình trạng pháp lý của đất đai ở Việt Nam hiện nay là “công hữu tư dụng”. Từ đó hắn kể ra những thứ mà được gọi là “hệ lụy” như việc giao dịch mua bán đất “phải thực hiện nhiều thủ tục vòng vo phiền toái”, “ưu đãi nhóm lợi ích và nhận hối lộ”… Trên cơ sở những luận điểm rông dài đó, hắn đề xuất “giải pháp” giả nhân giả nghĩa: “Đã đến lúc phải từ bỏ khái niệm sở hữu toàn dân về đất đai… sửa đổi Hiến pháp để tư hữu hóa các loại đất dùng vào mục đích dân sinh và kinh tế… Nếu không xã hội sẽ ngày càng bất ổn thêm, mà điều đó thì hoàn toàn bất lợi cho chính đảng cầm quyền chứ không ai khác”.

Qua những quan điểm trên, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy sự hồ đồ (hay cố tình hồ đồ) trong nhận thức, lập luận của Lê Công Định.

Trước hết, cần khẳng định rằng, sở hữu toàn dân về đất đai không phải là “một quan niệm lạ kỳ”, “một quan niệm chính trị bay bổng về kinh tế của người cộng sản”, người dân không có thực quyền gì đối với đất đai. Bởi vì, sở hữu toàn dân về đất đai không đồng nhất với sở hữu nhà nước về đất đai. Sở hữu toàn dân về đất đai phải được hiểu là đất đai không thuộc sở hữu của riêng ai, toàn thể nhân dân là chủ sở hữu đối với đất đai, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và được giao nhiệm vụ thống nhất quản lý. Việc quy định Nhà nước ở nước ta là đại diện chủ sở hữu đất đai và thống nhất quản lý xuất phát từ bản chất của Nhà nước là nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhà nước của dân do dân và vì dân, mọi tài sản, tư liệu sản xuất do Nhà nước đại diện cho dân là chủ sở hữu đều được sử dụng vào mục đích phục vụ lợi ích chung của toàn thể nhân dân, chứ hoàn toàn không phải là “giai cấp đại địa chủ duy nhất và lớn nhất trên toàn lãnh thổ Việt Nam”. Thực hiện chế độ sở hữu toàn dân về đất đai không làm hạn chế đến quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng đất. Luật Đất đai quy định người sử dụng đất có các quyền chung và các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất. Việc thực hiện chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở nước ta hiện nay giúp tránh được những hậu quả do chế độ sở hữu tư nhân đất đai gây ra mà Các Mác và sau đó là V.I.Lênin đã chỉ ra đó là nguồn gốc đẻ ra địa tô, làm cho giá cả nông phẩm tăng, kìm hãm sự phát triển của nông nghiệp.

Nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy rằng, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, chế độ sở hữu phong kiến về đất đai mà hình thức sở hữu đặc trưng là sở hữu tư nhân về đất đai đã kìm hãm sự phát triển nông nghiệp và dẫn đến tình cảnh đại đa số nông dân không có ruộng đất, phải thuê lại của địa chủ, phong kiến nên bị bóc lột địa tô rất nặng nề. Do vậy, việc xóa bỏ chế độ sở hữu phong kiến về đất đai là một trong những mục tiêu của cách mạng nước ta do nhân dân ta tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ở nước ta hiện nay, thực hiện chế độ sở hữu tư nhân về đất đai, một mặt sẽ là phủ nhận thành quả cách mạng của nhân dân ta giành được trải qua quá trình đấu tranh vô cùng gian khổ với bao sự hy sinh, mất mát của các thế hệ chiến sĩ cách mạng và người dân Việt Nam; mặt khác, sẽ tạo ra tiền đề, cơ hội dẫn đến sự xuất hiện tầng lớp địa chủ mới - giai cấp từng gây bao đau khổ cho nông dân nước ta trước đây. Chỉ có thực hiện chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, chúng ta mới xóa bỏ tình trạng một nhóm người dùng độc quyền sở hữu đất đai để bóc lột người sử dụng đất.

Với cách hiểu như trên, toàn dân không phải là “chủ sở hữu mơ hồ, thấm chí không tồn tại”. Sở hữu toàn dân về đất đai là điều kiện nền tảng để người lao động Việt Nam có cơ sở pháp lý bảo vệ lợi ích của chính mình, chứ không phải người nông dân lại không có quyền định đoạt lợi ích từ mảnh đất của chính mình trên thực tế” như luận điệu của Lê Công Định. Sở hữu toàn dân tạo điều kiện để Nhà nước xã hội chủ nghĩa bảo vệ lợi ích của người lao động tốt nhất, chứ không biến họ thành “các tá điền thời phong kiến”. Những sai lầm và thiếu sót của cơ quan nhà nước thời gian qua trong lĩnh vực đất đai không phải là bản chất của Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Những hạn chế, tiêu cực đó một mặt, do sự hạn chế trong quản lý đất đai của Nhà nước, chính sách đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ, đến nay, chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai còn một số nội dung chưa đủ rõ, chưa phù hợp; tổ chức bộ máy, năng lực đội ngũ cán bộ về quản lý đất đai còn không ít hạn chế, yếu kém, một bộ phận còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, tham nhũng; mặt khác, do nước ta trải qua nhiều thời kỳ, giai đoạn lịch sử khác nhau, đất đai có nguồn gốc rất phức tạp.

Việc Lê Công Định đề xuất từ bỏ khái niệm sở hữu toàn dân về đất đai… sửa đổi Hiến pháp để tư hữu hóa các loại đất dùng vào mục đích dân sinh và kinh tế không phải nhằm giúp cho xã hội Việt Nam ổn định, giúp cho Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đất nước thuận lợi hơn mà chính là nhằm gây rối loạn lòng dân, gây xáo trộn trong xã hội, mục đích xa hơn là nhằm phục vụ cho ý đồ của các “ông chủ” của hắn, đó là xóa bỏ thành quả cách mạng của dân tộc ta, thành quả của công cuộc đổi mới, từ đó làm thay đổi bản chất chế độ XHCN ở nước ta, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đưa nước ta vào quỹ đạo của các nước tư bản.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...