Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 22 tháng 6, 2017

Ý nghĩa chính trị, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của Ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngày 27 tháng 7

Trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của đất nước ta do Đảng lãnh đạo nhằm giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, làm nghĩa vụ quốc tế vô sản, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh tính mạng, xương máu, cống hiến sức lực, trí tuệ và tài sản cho đất nước. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đời đời ghi nhớ công lao to lớn của những người và gia đình có công với cách mạng.

Từ ngày 19 tháng 12 năm 1946 khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, số binh sĩ bị thương và hy sinh trong chiến đấu ngày càng tăng lên. Vấn đề thương binh, liệt sĩ trở thành vấn đề lớn và quan trọng. Ngày 16 tháng 02 năm 1947, Chính phủ ban hành chế độ “Hưu bổng thương tật” và “Tiền tuất cho thân nhân liệt sĩ”; đây là văn bản pháp quy đầu tiên của Nhà nước ta thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với các chiến sĩ và gia đình liệt sĩ.

Tháng 6 năm 1947 tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, một hội nghị quan trọng của các cơ quan Chính phủ và các hội, đoàn thể chính trị ở Trung ương đã quyết định chọn ngày 27 tháng 7 năm 1947 làm Ngày Thương binh toàn quốc. Chiều ngày 27 tháng 7 năm 1947 tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn, đại biểu Ban Tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc trịnh trọng đọc bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc. Từ đó, vào dịp 27 tháng 7 hàng năm, nhân dân cả nước sôi nổi tổ chức các hoạt động quyên góp, giúp đỡ, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và đã trở thành ngày rất thiêng liêng, thể hiện sự tôn trọng, quý mến đối với những người đã vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà hy sinh xương máu.

Từ năm 1955, Đảng và Nhà nước quyết định đổi ngày “Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” để thể hiện đầy đủ hơn tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những người đã hy sinh xương máu của mình cho Tổ quốc.

Trong Di chúc, Bác Hồ thiết tha căn dặn: “Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”; “Đối với cha mẹ, vợ con thương binh, liệt sĩ mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”; “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh”.

Trước những mất mát, hi sinh của các thương binh, liệt sỹ cho dân tộc Việt Nam, trong 70 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã luôn chú trọng làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”; thể hiện tình cảm, đạo lý, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với những người đã cống hiến, hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân, tạo nên phong trào cách mạng rộng lớn của toàn dân.

Ngày Thương binh - Liệt sĩ đã trở thành ngày truyền thống của đất nước, là ngày lễ quan trọng, hội tụ đầy đủ ý nghĩa chính trị, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của nhân dân ta. Hằng năm cứ đến ngày này, thế hệ trẻ hôm nay lại có nhiều nghĩa cử cao đẹp để thể hiện tấm lòng thành kính của mình đối với những người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Họ là những người con của Tổ quốc Việt Nam thân yêu, dám hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho dân tộc. Sự cống hiến, hi sinh của họ thể hiện rõ lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, của truyền thống hơn bốn nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Chúng ta có quyền tự hào về những người con ưu tú đó của dân tộc Việt Nam.

Đến nay, tuy chiến tranh đã đi qua nhưng những di chứng của chiến tranh vẫn còn hiện hữu. Nó để lại cho mỗi người, mỗi gia đình, bạn bè và người thân các thương binh, liệt sỹ. Ngoài những mất mát, hi sinh mà các anh đã vinh viễn mất đi ở chiến trường thì vẫn còn đó những di chứng, thương tật mà các anh còn để lại trên cơ thể của mình cũng như để lại cho thế hệ con cháu về sau này. Đó là các nạn nhân của chất độc màu da cam, đó là những đứa trẻ bị di chứng của chiến tranh do bố mẹ tham gia chiến trường…. Những nỗi đau đó vẫn còn hiện hữu, chưa thể nguôi ngoai trong nhiều gia đình, dòng họ. Thấy rõ được điều này, chúng ta càng cảm thông, chia sẻ hơn nữa cho hoàn cảnh của họ, đồng thời càng căm thù hơn đối với kẻ thù đã gieo rắc nên tội ác này.

Tổ chức kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tôn vinh các liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, những người và gia đình có công với nước; giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp nhân dân đối với những người và gia đình có công; khơi dậy, phát huy tiềm năng to lớn của xã hội để chăm sóc tốt hơn nữa các đối tượng chính sách; đánh giá hiệu quả về lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện của Đảng, Nhà nước chăm lo cho người và gia đình có công cách mạng.

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn trân trọng đánh giá cao những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng bào, chiến sĩ đối với Tổ quốc; thông qua việc đề ra và thực hiện đầy đủ chính sách xã hội đối với những người và gia đình có công là động lực vật chất, tinh thần để cổ vũ, động viên các đối tượng chính sách vươn lên, vượt qua khó khăn, thử thách, làm chủ cuộc sống.

Quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với công tác chăm lo người và gia đình có công là một hệ thống chủ trương, chính sách hoàn chỉnh, có hiệu lực và hiệu quả cao; các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân nhận thức đầy đủ về hệ thống chủ trương, chính sách đó và quyết tâm tổ chức thực hiện đầy đủ, có hiệu quả cao, thiết thực. Làm tốt chính sách đối với những người và gia đình có công thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của Đảng, Nhà nước ta; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm cơ sở cho giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa.

Do đó, việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, nhân dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ, chúng ta những người dân Việt Nam một lần nữa xin được kính cẩn nghiêng mình dâng lên các Anh hùng liệt sỹ ngọn nến tri ân, những vòng hoa tươi thắm, thắp nén tâm nhang xin bày tỏ lòng thành kính, thể hiện lòng biết ơn vô hạn đến các anh - những người con bất tử, đã hi sinh cho Tổ quốc. Vinh quang của dân tộc Việt Nam ngày hôm nay không ai khác chính các anh là những người đã tạo nên. Tổ quốc, nhân dân Việt Nam tự hào về các anh - những người anh hùng của dân tộc Việt Nam!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...