Cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 là thắng lợi
vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt lịch
sử của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi đó mở ra kỷ nguyên mới đối với đất nước ta -
kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi đó không chỉ có ý nghĩa
to lớn đối với dân tộc Việt Nam, mà còn mang tầm vóc thời đại, cổ vũ mạnh mẽ
phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới...
Không có gì phải nói thêm, “sự thật lịch sử” của cuộc Cách mạng tháng
Tám rất rõ ràng và không thể phủ nhận. Vậy mà, bất chấp thực tế đó, một số kẻ
cơ hội chính trị được sự hà hơi, tiếp sức của các thế lực thù địch đã không
chịu thừa nhận, hơn thế còn tuyên truyền, xuyên tạc hạ thấp giá trị sự kiện
lịch sử trọng đại này. Chúng không thấy hoặc cố tình không thấy sự thật hiển
nhiên, ra sức xuyên tạc, phủ nhận và cho rằng những thành tựu do cuộc Cách mạng
tháng Tám mang lại là vô nghĩa.
Chúng biện minh một cách vụng về và kệch cỡm rằng, Đảng Cộng sản
Việt Nam đã “ăn may”, nhờ tình thế của Pháp, Nhật vào thời điểm đó để cướp
chính quyền cho riêng mình. Đồng thời, chúng còn ngụy biện trắng trợn là nếu
không có Cách mạng Tháng Tám, nước ta đã đi theo “quỹ đạo dân chủ” của các nước
tư sản, trở nên giàu mạnh từ lâu, chứ không phải nghèo hèn, “kém cỏi” như bây
giờ... Và chúng cố tình lờ đi một sự thật là Cách mạng tháng Tám thành công mau
lẹ và ngoạn mục không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả của một quá trình đấu
tranh lâu dài, kiên cường, bất khuất của các tầng lớp nhân dân ta, dưới sự lãnh
đạo sáng suốt, khéo léo của Đảng.
Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân đã đập tan xiềng
xích nô lệ của thực dân, đế quốc trong gần một thế kỷ, lật nhào chế độ quân chủ
chuyên chế mấy nghìn năm, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước
công nông đầu tiên trong lịch sử nước ta và cũng là Nhà nước công nông đầu tiên
ở Đông Nam Á, nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước
độc lập, làm chủ vận mệnh của mình.Chúng ta biết rằng, thành công của cuộc Cách
mạng Tháng Mười Nga không chỉ chứng minh tính tất thắng của chủ nghĩa Mác -
Lênin, mà còn mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân loại: Nhiều quốc gia đi lên chủ
nghĩa xã hội và có một phong trào rộng rãi trên khắp các châu lục đấu tranh
giành độc lập dân tộc. Phong trào giải phóng dân tộc này dựa trên hai trụ cột
không thể thiếu được là Liên Xô, với tư cách như một hậu phương và cục diện
tình hình thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Cách mạng tháng Tám của chúng ta là một ví dụ điển hình. Giải
phóng dân tộc là sự phát triển tất yếu của lịch sử, đã nhen nhóm từ trước đó
rất lâu, nhưng chỉ mãi sau năm 1945 mới thành công trên một diện rộng và trở
thành phong trào thế giới. Tháng 5-1857, bùng nổ cuộc chiến tranh giành độc lập
đầu tiên ở Ấn Độ nhưng bị thực dân Anh dập tắt sau đó hai năm. Ngày 12-6-1898,
những người cách mạng Philippines tuyên bố độc lập, tách khỏi chế độ thuộc
địa Tây Ban Nha, nhưng Nhà nước cộng hòa đầu tiên ở châu Á này thật đoản thọ,
thực dân Anh rồi đế quốc Mỹ đã tiếp tục được chế độ thống trị của chúng.
Nói tóm lại, bằng Cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm
1945, Việt Nam đã góp phần rất lớn trong phong trào giải phóng dân tộc và xứng
đáng là một biểu tượng sáng chói của phong trào này. Trong mọi giai đoạn của
phong trào, Việt Nam luôn là một ngọn đuốc dẫn đường cho phong trào, đánh đuổi
được những tên đế quốc và thực dân đầu sỏ, đã chứng minh một cách hùng hồn là
sức mạnh tổng hợp của một sự nghiệp chính nghĩa là bất diệt.Việt Nam - Hồ Chí
Minh - Điện Biên Phủ đã không chỉ đưa đất nước Việt Nam đến với mọi nơi trên
toàn cầu, mà còn khơi dậy niềm tin và hy vọng cho các dân tộc đấu tranh giành
độc lập. Nếu như chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 báo hiệu sự sụp đổ của hệ
thống thuộc địa trên thế giới, thì sau này, cuộc chiến tranh chống xâm lược Mỹ
và tay sai để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là sự khẳng định tính
tất thắng của phong trào giải phóng dân tộc, là chỗ dựa tinh thần cho những dân
tộc đấu tranh giành độc lập.
Ở giai đoạn hiện nay, nhân loại đang chứng kiến sự tiến triển
của khu vực hoá và toàn cầu hóa, nhưng cả những kinh nghiệm trên lĩnh vực này
tới nay đã cho thấy tính độc lập và tự chủ của mỗi quốc gia vẫn đóng vai trò
ngày càng quan trọng vì đó là nền tảng quan trọng nhất để bảo vệ các lợi ích
quốc gia và phát triển được những giá trị cơ bản nhất, lâu bền nhất của nhân
loại nói chung cũng như của từng quốc gia nói riêng. Và hơn lúc nào hết, mốc
son chói lọi của Cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã đánh dấu
bước chuyển mình vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong dòng chảy của lịch sử thế
giới. Ý nghĩa và tầm vóc lịch sử vô cùng to lớn của nó, không một ai, một thế
lực nào có thể phủ nhận được.