Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2017

Tính sáng tạo cách mạng của tổng khởi nghĩa tháng Tám trong giành chính quyền tại Hà Nội

Khẳng định giá trị lịch sử lớn lao của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta".

Bước nhảy vọt kỳ diệu của dân tộc ta trong Cách mạng Tháng Tám khởi nguồn từ tư duy cách mạng, sáng tạo Hồ Chí Minh trong những năm 20 của thế kỷ XX: để cứu nước, để giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản, phải có Đảng Cộng sản lãnh đạo, phải sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng, đề cao tính chủ động cách mạng của các dân tộc thuộc địa, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân vượt qua mọi gian khổ hy sinh, kiên quyết giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Do sự lãnh đạo sáng suốt và kiên quyết của Đảng, do sức đoàn kết và hăng hái của toàn dân trong và ngoài Mặt trận Việt Minh, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã thắng lợi".

Tổng khởi nghĩa mùa Thu năm 1945 là một kỳ tích lịch sử mở đường cho những thắng lợi vang dội của nhân dân ta qua hai cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp, chống Mỹ; giương cao ngọn cờ tiền phong, lần lượt đánh sập chủ nghĩa thực dân cũ và mới, vì độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội; đóng góp to lớn vào sự nghiệp hoà bình và phát triển của nhân dân các dân tộc trên thế giới.

Đầu những năm 40 của thế kỷ XX, từ Hội nghị Trung ương 6 đến Hội nghị Trung ương 8 (khoá I), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã có một quyết định tài tình, sáng tạo là kịp thời chuyển hướng tập trung sức lực của toàn Đảng và nhân dân cả nước vào nhiệm vụ đánh đế quốc, giải phóng dân tộc. Trong Lời kêu gọi đồng bào tháng 6 - 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa bỏng"(1). Từ quyết định nhạy bén và đặc sắc đó và với sự chỉ đạo rất sát sao trước mỗi biến cố lịch sử trong nước và thế giới thời kỳ này, Đảng ta đã khơi dậy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân vì nghĩa lớn giải phóng Tổ quốc, đưa phong trào hành động cách mạng của các tầng lớp nhân dân tiến những bước lớn lao "một ngày bằng 20 năm". Theo sáng kiến của Bác Hồ, Mặt trận Việt Minh (Hội Việt Nam độc lập đồng minh) được thành lập tại Pắc Bó (Cao Bằng) ngày 19 - 5 - 1941 và theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8, Mặt trận Việt Minh được đặc biệt mở rộng, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân vào các hội cứu quốc. Thanh thế của Mặt trận Việt Minh phát triển rất nhanh, rất mạnh trên khắp nước, từ Bắc chí Nam, từ miền núi, đồng bằng đến ven biển.

Hoạt động của Đảng và phong trào Việt Minh không chỉ dừng lại ở rừng núi, nông thôn, mà phát triển sâu rộng cả ở thành thị, ngay cả các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, các trung tâm đầu não lớn của thực dân Pháp và phát-xít Nhật. Đâu đâu cũng phát triển mạnh mẽ các đoàn thể quần chúng trong Mặt trận Việt Minh như Nông dân cứu quốc, Công nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nhi đồng cứu quốc, Quân nhân cứu quốc... Trên cơ sở phong trào rộng khắp đó mà trong những ngày Tháng Tám năm 1945, khi thời cơ đến, nhân dân cả nước, nhờ đã trải qua quá trình rèn luyện ý chí và tập dượt tổ chức đấu tranh trong phong trào Việt Minh, đã nhất lượt vùng lên giành chính quyền khắp các thành phố, thị xã, tỉnh lỵ, huyện lỵ trên mọi miền đất nước.

Trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, cuộc khởi nghĩa của các tầng lớp nhân dân Hà Nội có một vị trí đặc biệt quan trọng và cũng là một biểu hiện rõ rệt về tinh thần dũng cảm, kiên quyết và tính sáng tạo cách mạng của Đảng ta và nhân dân ta. Có thể khái quát những nét đặc sắc nhất: Một là, Đảng bộ Hà Nội với số đảng viên rất ít so với dân cư đã huy động được phong trào Việt Minh ngày càng rộng lớn, thu hút cả nông dân, công nhân, trí thức và nhiều người yêu nước thuộc tầng lớp trên; cả phụ nữ và thanh niên, đặc biệt là lực lượng thanh niên học sinh yêu nước vừa có nhiệt tình sôi nổi, vừa có hiểu biết, nhiều sáng kiến. Hai là, với ý thức chủ động cách mạng cao, trên cơ sở phong trào chính trị rộng lớn của nhân dân , Thành uỷ Hà Nội đã tích cực lãnh đạo lực lượng vũ trang quần chúng nhằm trước hết đẩy mạnh vũ trang tuyên truyền trên khắp các địa bàn, và khi thời cơ đến đảm nhiệm lực lượng nòng cốt cho khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền của nhân dân Hà Nội.

Từ phong trào Thanh niên Cứu quốc Hoàng Diệu (Hà Nội) cuối năm 1944, Thành uỷ đã chỉ đạo chọn lọc một số thanh niên nhiệt tình, hăng hái, gan dạ, thông minh, đủ tin cậy để tổ chức ra đội vũ trang tuyên truyền của Hà Nội, mang tên Đội thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu, sau đó phát triển thành Đoàn Thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu. Trong lời giới thiệu cuốn sách Đoàn thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu, Thường vụ Thành uỷ Hà Nội, Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô đã khẳng định: "Được Đảng lãnh đạo, Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu đã nắm vững thời cơ cách mạng, dũng cảm, táo bạo, khôn khéo chuyển hướng vận động quần chúng từ chỗ nhỏ, lẻ, từng người một sang tuyên truyền xung phong trước đông đảo quần chúng ngay giữa hang ổ của địch, gây thanh thế vang đội cho Mặt trận Việt Minh, làm cho kẻ thù hoang mang lo sợ, lực lượng cách mạng nhanh chóng phát triển. Đoàn đã góp phần cùng các đoàn thể khác trong Mặt trận Việt Minh dấy lên cao trào cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa ở Hà Nội, thúc đẩy điều kiện khởi nghĩa chín muồi. Đặc biệt trong những ngày Tháng Tám lịch sử, mặc dù lực lượng nhỏ bé, trang bị thô sơ, Đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ là một đơn vị vũ trang nòng cốt cho cuộc khởi nghĩa của quần chúng cách mạng Hà Nội đi đến thắng lợi".

Ý chí cách mạng kiên quyết, táo bạo và tính khoa học, sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân Hà Nội thể hiện đặc biệt rõ nét ở sự lựa chọn phương thức và thời điểm khởi nghĩa. Những ngày đầu Tháng Tám, cả nội thành và ngoại thành đều bừng bừng sục sôi khí thế giục dã khởi nghĩa. Bác Hồ và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp là Xứ uỷ Bắc Kỳ, đã đặc biệt quan tâm đến Hà Nội. Ngay khi được tin phát-xít Nhật đầu hàng Đồng Minh, đêm 14 và ngày 15 - 8, Xứ uỷ Bắc Kỳ họp ở làng Vạn Phúc (Hà Đông) quyết định xúc tiến khởi nghĩa từng phần ở những nơi có đủ điều kiện tại các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời chủ trương thành lập Uỷ ban Quân sự cách mạng Hà Nội để tập trung trí tuệ, sức lực toàn Đảng bộ và nhân dân, thường trực chỉ đạo công việc khởi nghĩa ở Hà Nội.

Sáng 16 - 8, Uỷ ban Quân sự cách mạng Hà Nội họp phiên đầu tiên ở số nhà 101 phố Gambetta (nay là Trần Hưng Đạo) để nắm lại tình hình, bàn bạc về mọi công việc chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa. Thách thức lớn nhất đặt ra là lực lượng quân sự của phát-xít Nhật tập trung ở Hà Nội. Chính phủ bù nhìn tuy vẫn ngoan cố bám giữ lấy "độc lập giả hiệu", dựa vào quân Nhật và xin xỏ vũ khí của chúng hòng chống lại phong trào Việt Minh ở Hà Nội; tuy nhiên, xét về thực lực, nếu tách khỏi chỗ dựa là quân Nhật thì chúng không tránh khỏi sụp đổ nhanh chóng trước bão táp cách mạng quá lớn của nhân dân Hà Nội.

Có người nghĩ rằng, do Nhật đầu hàng Đồng Minh nên ta thu được thắng lợi dễ dàng. Đó là cách tư duy quá giản đơn, không đúng với thực tế quá trình nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn phức tạp của Đảng và nhân dân ta ở Hà Nội và trong cả nước. Trong Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn mọi người: "Cuộc tranh đấu của chúng ta đương còn gay go, dằng dai. Không phải Nhật bại mà bỗng nhiên ta được giải phóng, tự do. Chúng ta vẫn phải ra sức phấn đấu. Chỉ có đoàn kết, phấn đấu, nước ta mới được độc lập"(1). Trên thực tế, quân Nhật chiếm đóng Đông Dương chủ yếu là Quân đoàn 38 với 6 vạn quân, riêng tại Hà Nội tập trung đến 1 vạn quân với trang bị vũ khí mạnh, chưa bị sứt mẻ gì đáng kể. Nhiều nơi trên thế giới, mặc dù Nhật hoàng đã tuyên bố đầu hàng, nhưng quân đội Nhật vẫn không tự động buông súng. Liên quân Liên Xô và Mông Cổ phải kéo dài đến tận cuối tháng 8 - 1945 mới tiêu diệt được đội quân Quan Đông. Ngày 1- 9, quân Nhật ở Xin-ga-po vẫn còn nổ súng. Ngay ở Việt Nam, bộ đội Nam tiến đánh đồn Thái Nguyên còn gặp sức đề kháng ngoan cố của Nhật. Ngày 19 - 8, sau khi ta tiến chiếm trại Bảo an binh, quân Nhật cho xe tăng và bộ binh tiến ra phố Hàng Bài đòi tước vũ khí của lực lượng vũ trang cách mạng. Song, với khí thế của dòng người đổ về ngày càng đông bao vây quanh các đường phố sát trại Bảo an binh ngay trước nòng pháo xe tăng và các ụ súng máy của quân Nhật, giương cao cả rừng cờ đỏ sao vàng, hô vang các khẩu hiệu cách mạng, chúng ta đã khéo léo vô hiệu hoá khả năng can thiệp của quân Nhật.

Cuộc họp 16 - 8 của Uỷ ban Quân sự cách mạng  Hà Nội đã xác định phương thức khởi nghĩa của Hà Nội là dựa vào lực lượng quần chúng cách mạng đông đảo, có bộ phận vũ trang nhất định, để tiến hành mít-tinh, biểu tình, cổ vũ quần chúng tổ chức thành đội ngũ xông lên giành những vị trí xung yếu mà chính quyền và quân đội bù nhìn đang chiếm giữ. Đó là phương thức cơ bản, nhưng cần xúc tiến chuẩn bị về tư tưởng, tổ chức lực lượng chính trị và vũ trang cho quần chúng; làm tốt công tác tuyên truyền đối với binh lính Nhật và theo dõi sâu hơn nữa động thái của chúng.

Tổng hội công chức ngụy được sự chỉ đạo của chính phủ bù nhìn tổ chức cuộc mít tinh vào chiều 17 - 8 để rêu rao nền "độc lập giả hiệu", lừa bịp hòng lôi kéo quần chúng tách khỏi ảnh hưởng rộng lớn của phong trào Việt Minh. Uỷ ban Quân sự cách mạng Hà Nội lập tức chủ trương kiên quyết phá cuộc mít-tinh đó và biến nó thành cuộc biểu dương lực lượng to lớn của Việt Minh, động viên nhân dân tham gia khởi nghĩa, khuếch trương khí thế cách mạng của quần chúng. Ngay sau khi ban tổ chức cuộc mít-tinh của Tổng hội công chức ngụy tuyên bố lý do, một tổ ba người của Đoàn thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu đã cướp diễn đàn, giành mi-crô, giương cờ đỏ sao vàng, diễn thuyết thông báo tin quân Nhật đầu hàng và hô hào nhân dân ủng hộ Mặt trận Việt Minh, tham gia Mặt trận, tích cực tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội.

Sự kiện diễn ra ngày 17 - 8 - 1945 là một cuộc biểu dương lực lượng quy mô lớn toàn thành phố, khác về chất với các hoạt động vũ trang tuyên truyền trước đó. Đây là một bước thể nghiệm cực kỳ quan trọng về sức mạnh áp đảo của lực lượng chính trị quần chúng có các đội vũ trang cách mạng làm nòng cốt trước thái độ "án binh bất động" của quân Nhật, phần vì hoang mang chán nản, phần vì kinh ngạc trước khí thế cách mạng của nhân dân Hà Nội, cũng như sự rệu rã của bọn phản động thân Nhật và chính quyền bù nhìn. Cuộc họp tối 17 - 8 của Uỷ ban Quân sự cách mạng Hà Nội đưa ra quyết định cụ thể về phương thức khởi nghĩa, kế hoạch khởi nghĩa, ngày giờ khởi nghĩa.

Với phương thức khởi nghĩa cụ thể là dùng lực lượng chính trị áp đảo của quần chúng cách mạng là chủ yếu, chĩa mũi nhọn phá sập chính quyền bù nhìn và vận dụng sách lược mềm dẻo vô hiệu hoá quân đội Nhật, sáng 19 - 8, Mặt trận Việt Minh huy động khoảng 30 vạn người, hầu như toàn thể nhân dân Hà Nội và nhân dân nhiều phủ, huyện lân cận tham gia vào cuộc mít-tinh ở quảng trường Nhà hát lớn, rồi chuyển thành tuần hành thị uy có vũ trang tiến chiếm hai mục tiêu chính là những cơ quan trọng yếu của chính quyền bù nhìn: Phủ Khâm Sai - Toà Thị chính và trại Bảo an binh. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đã thắng lợi trọn vẹn.

Thường vụ Trung ương Đảng, khi từ Tân Trào về đến Hà Nội làm việc với Thành uỷ Hà Nội ngày 21 - 8, đã khẳng định tinh thần kiên quyết, dũng cảm và rất sáng tạo của cuộc Khởi nghĩa tại Hà Nội, đồng thời chỉ thị cho các nơi theo gương Hà Nội đẩy mạnh cao trào Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, coi đó là kinh nghiệm sáng tạo phù hợp với tình hình mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...