Một
trong những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại của dân tộc ta trong thế kỷ
XX là thắng lợi của Cách mạng tháng
Tám năm 1945 và việc thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cách
mạng tháng Tám đã xóa bỏ chế độ thuộc địa nửa phong kiến ở nước ta, mở ra kỷ
nguyên mới của lịch sử dân tộc : kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa
xã hội. Cách mạng tháng Tám năm 1945 là sự vùng dậy của cả một dân tộc dưới sự
lãnh đạo của Đảng Cộng sản với tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Đó là kết quả của phong trào cách mạng liên tục diễn ra suốt 15 năm kể từ ngày
thành lập Đảng, với cao trào những năm 1930-1931 và Xô viết Nghệ - Tĩnh, cuộc vận
động dân chủ 1936-1939 đến phong trào giải phóng dân tộc 1939-1945.
Viết
về nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa của cuộc Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ
Chí Minh nhấn mạnh: “Vì chính sách của Đảng đúng và thi hành chính sách ấy kịp
thời và linh động, cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám đã thành công”. “Do sự lãnh đạo
sáng suốt và kiên quyết của Đảng, do sức đoàn kết và hăng hái của toàn dân
trong và ngoài Mặt trận Việt Minh, cuộc cách mạng tháng Tám đã thắng lợi”. Với
thắng lợi của Cách mạng tháng Tám chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt
Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác
cũng có thể tự hào rằng: “Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của
các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn
quốc”.
Chủ
tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ : Cách mạng tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi
thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho
nhân dân, đã xây nền tảng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh
phúc. “Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”. Thành
quả lớn nhất của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là đã xây dựng Nhà nước cách mạng
kiểu mới ở Việt Nam. Đặc trưng nổi bật của Nhà nước cách mạng kiểu mới đó là
Nhà nước dân chủ, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Ngay sau
khi giành được chính quyền, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng toàn dân
xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân.
Ngay
sau một tháng kể từ ngày Cách mạng tháng Tám thành công, trong bài Chính phủ là công bộc của dân Chủ tịch
Hồ Chí Minh nêu rõ: “Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích
duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao
giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì
làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”. Về chính quyền nhân dân ở các địa
phương, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ yêu cầu: “Các Ủy ban nhân dân làng, phủ là
hình thức Chính phủ địa phương phải chọn trong những người có công tâm, trung
thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo
dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui lọt
vào các Ủy ban đó”. Người nhấn mạnh: “Ủy ban nhân dân làng trái với các hội đồng
kỳ mục cũ thối nát, sẽ làm những việc có lợi cho dân, không phạm vào công lý,
vào tự do của dân chúng. Nó hết sức tránh những cuộc bắt bớ đánh đập độc đoán,
những cuộc tịch thu tài sản không đúng lý. Ủy ban nhân dân thận trọng hết sức
trong chỗ chi dùng công quỹ, không dám tuỳ ý tiêu tiền vào những việc xa phí
như ăn uống”; “Những nhân viên ủy ban sẽ không lợi dụng danh nghĩa Ủy ban để
gây bè tìm cánh, đưa người “trong nhà trong họ” vào làm việc với mình” “Ủy ban
nhân dân là Ủy ban có nhiệm vụ thực hiện tự do dân chủ cho dân chúng. Nó phải
hành động đúng tinh thần tự do dân chủ đó”.
Một
điều dễ nhận thấy là vai trò quan trọng của chính quyền ở địa phương và cơ sở
trong việc thực thi dân chủ trực tiếp với nhân dân. Những ngày tháng sau Cách mạng
tháng Tám Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian viết nhiều bài về xây dựng
các Ủy ban nhân dân. Ngày 11-9-1945, Người viết bài Cách thức tổ chức các Ủy ban nhân dân. Ngày 4-10-1945 Người viết
bài: Thiếu óc tổ chức - một khuyết điểm
lớn của các Ủy ban nhân dân. Và ngày 12-10-1945, Người lại viết bài Sao cho được lòng dân? Người nhấn mạnh:
“Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dẫu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan
hệ tới đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta
đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù
chữ cho dân. Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất
và tinh thần của dân phải được đặc biệt chú ý” “muốn được dân yêu, muốn được
lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân lên trên hết thảy,
phải có một tinh thần chí công vô tư”.
Đặc
biệt, trên báo Cứu quốc số 69 ra ngày 17-10-1945 đã đăng Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện
và làng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một lần nữa Người nêu rõ bản chất cách
mạng và dân chủ của chính quyền nhân dân, nguồn gốc sức mạnh của chính quyền là
ở sự gắn bó với nhân dân, hết lòng, hết sức mưu cầu tự do, hạnh phúc cho nhân
dân. “Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có
Chính phủ, thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ với nhân dân phải
đoàn kết thành một khối. Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam dân
chủ cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc
lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét