Trong lịch sử
nhân loại có nhiều loại hình cách mạng: Cách mạng tư sản, cách mạng XHCN, riêng
Cách mạng tháng Tám của dân tộc Việt Nam hội tụ được cả hai cuộc cách mạng đó.
Dưới lăng kính của các nhà Sử học trong nước và thế giới đều coi đây là cuộc
cách mạng điển hình chuẩn mực ở nhiều phương diện và mang thông điệp
của dân tộc và thời đại. Nói đến thành quả Cách mạng
tháng 8 năm1945 đối với trong nước, ai cũng biết Cách mạng tháng Tám năm 1945
chấm dứt 87 năm Pháp thuộc nước Việt Nam tranh thủ đúng thời cơ, chủ động giành
lấy chính quyền trên toàn quốc từ tay phát xít Nhật và thực dân Pháp, giành
quyền tự quyết về chủ quyền quốc gia khi phe đồng minh chưa kịp đến và đưa ra
quyết định theo quan điểm của người chiến thắng. Cách mạng tháng Tám tạo thế để
chính quyền lâm thời ra Tuyên ngôn độc lập, tuyên cáo chủ quyền quốc gia đối
với quốc tế. Tiếp theo đó, ngày 06 tháng 01 năm 1946, chính quyền lâm thời tổ
chức tổng tuyển cử bầu quốc hội lần thứ nhất và Quốc hội này soạn thảo hiến
pháp, bầu chọn chính phủ chính thức, hợp pháp, hợp hiến hoàn tất quy trình
thành lập một quốc gia và nhà nước pháp quyền theo tập quán và luật quốc tế.
Cách mạng Tháng
Tám năm 1945 đã để lại những bài học vô cùng to lớn. Đó là bài học về xác định
đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn và phương pháp cách mạng thích hợp của
Đảng lãnh đạo; đó là bài học về dự báo thời cơ, nắm chắc thời cơ, đó là bài học
xây dựng lực lượng cách mạng, từ lực lượng chính trị đến lực lượng quân sự, huy
động được lực lượng của toàn dân vào cuộc đấu tranh chung; đó là bài học về kết
hợp thời, thế và lực để lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh; đó là bài học
phân hóa kẻ thù, biết mình biết địch, nhân nhượng có nguyên tắc; đó là bài học
về khởi nghĩa từng phần đi đến tổng khởi nghĩa toàn quốc để giành thắng lợi
hoàn toàn cho một cuộc cách mạng.
Bài học kinh nghiệm lớn nhất
rút ra từ Cách mạng tháng Tám là tinh thần đoàn kết mọi từng lớp nhân dân, vì
quyền lợi tối cao của quốc gia, dân tộc. Nếu vì quyền lợi phe nhóm, cục bộ, địa
phương, vì cá nhân thì Cách mạng tháng Tám không thể thành công. Trong lời kêu
gọi khởi nghĩa, Bác Hồ đã chỉ rõ:“ Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của
giai cấp phải đặt dưới sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc
này nếu không giải quyết được vấn đề giải phóng dân tộc, không đòi được độc
lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những quốc gia, dân tộc chịu mãi kiếp
ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại
được”. Quan điểm của Bác đến nay vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn, vẫn là bài
học lớn đối với nhà nước, là bài học thiết thực đối với lãnh đạo cấp cao.
Bài học thứ hai là công tác tổ
chức lực lượng cách mạng, tạo thời cơ và nắm bắt, tận dụng được thời cơ để tiến
hành công tác cách mạng theo mục tiêu đã định. Cách mạng tháng Tám nổ ra sau
khi phát xít Nhật đầu hàng và chỉ hơn 10 ngày lực lượng cách mạng thiết lập
được chính quyền trên toàn quốc trước khi lực lượng đồng minh tiếp quản Đông
dương. Đó là thời điểm chuẩn xác, không thể sớm hơn và không được muộn hơn. Tất
nhiên thời điểm đó do Bác Hồ và trung ương quyết định chứ không phải ngẫu nhiên
hay may mắn mà đạt được. Ngày 15-8 Nhật đầu hàng lực lượng Đồng minh, ngày 13
đến 15 tháng 8 năm 1945, Đảng tổ chức Đại hội tại Tân Trào; thành lập Ủy Ban
khởi nghĩa, ban hành 10 chính sách lớn của Việt Minh; ngày 16 tháng 8 khai mạc
Đại hội Quốc dân ở đình Tân Trào, có 60 đại biểu đại diện cho các đảng phái,
tôn giáo, các từng lớp nhân dân trong cả nước tham dự. Đại hội có ý nghĩa như
quốc hội lâm thời, mục đích đại hội là thống nhất ý chí toàn dân đối với quyết
định tổng khởi nghĩa, tương tự Hội nghị Diên Hồng thể hiện lòng dân quyết chiến
trong chiến tranh chống quân xâm lược Nguyên Mông thời Trần; ngày 19 tháng 8
khởi nghĩa nổ ra ở Hà Nội và loang ra toàn quốc. Chỉ trong 14 ngày lực lương
cách mạng đã thiết lập bộ máy chính quyền trong cả nước.
Chính nhờ sức mạnh đoàn kết của
toàn dân tộc, sự nắm bắt thời cơ tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng
Sản mà nước Việt Nam thuộc địa đã giành được quyền tự quyết vận mệnh chính trị của
mình trong bối cảnh cực kỳ phức tạp, khi kết thúc chiến tranh thứ hai
1939-1945; đồng thời khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước độc
lập, dân chủ đầu tiên tại Đông Nam Á.
72 năm qua, cách
mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn, nhiều bước ngoặt và vượt qua
nhiều thử thách, đưa đất nước phát triển trên con đường hội nhập. Hơn 30 năm
đổi mới là một chặng đường lịch sử quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành mọi mặt
của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Công cuộc đổi mới đã đạt được những thành tựu
to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo nên những biến đổi sâu sắc trong đời sống xã
hội.
Cùng với thời
cơ, chúng ta cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Tinh thần Cách
mạng tháng Tám, bài học kinh nghiệm của Cách mạng tháng Tám vẫn còn nguyên ý nghĩa
đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay, sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện
đại hóa đất nước để giành thắng lợi ngày càng to lớn hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét