Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2018

Nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức ở nước ta hiện nay


1. Sự cần thiết phải nâng cao hiệu quả giáo dục giáo dục đạo đức ở nước ta hiện nay

Cách mạng nước ta hiện nay đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội với những thời cơ lớn cùng những thách thức không nhỏ. Trước mục tiêu đặt ra là đến giữa thế kỷ XXI, nước ta là một nước công nghiệp hiện đại, đòi hỏi phải có một nền kinh tế thị trường hoàn thiện, với tăng trưởng cao, ổn định và bền vững.

Để đạt được những mục tiêu đã xác định và khắc phục nguy cơ tụt hậu ngày càng xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì yếu tố quan trọng quyết định nhất là phát huy nhân tố con người. Với tính cách là gốc của người cách mạng, là tiêu chuẩn hàng đầu của cán bộ, đảng viên và là nền tảng của các yếu tố khác trong nhân tố con người - đạo đức và việc giáo dục đạo đức trở lên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết.

Mặc dù nhận thức rõ tầm quan trọng của đạo đức và đã có nhiều chủ trương, biện pháp với những hoạt động cụ thể để giáo dục đạo đức cách mạng, nhưng hiệu quả chưa đạt được như mong muốn. Tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn tồn tại; hiện tượng tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn có diễn biến phức tạp; nhiều chuẩn mực đạo đức trong gia đình, trong cơ quan công sở, trường học cũng như ngoài xã hội bị coi nhẹ; hiện tượng xâm hại tính mạng, tài sản của công dân có diễn biến phức tạp; lối sống thực dụng, đề cao vật chất và vi phạm pháp luật ở tuổi vị thành niên ngày càng tăng. Tình hình trên đây chẳng những đã và đang phần nào làm cho hình ảnh người Việt Nam xấu đi trong con mắt người nước ngoài, mà còn tạo nên tâm lý bất an trong nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đất nước.

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch đang đẩy mạnh việc lợi dụng tất cả các hạn chế tiêu cực nêu trên để đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình” nhằm tạo ra “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng cũng như trong xã hội ta. Hoạt động tuyên truyền các giá trị phi vô sản; mua chuộc, lôi kéo làm tha hóa cán bộ, đảng viên; truyền bá lối sống thực dụng trong giới trẻ; xuyên tạc chủ trương, đường lối và nói xấu cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; chia rẽ nhân dân với Đảng, quân đội với Đảng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; kích động gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đang là những thủ đoạn thâm độc của “Diễn biến hòa bình” đối với cách mạng nước ta hiện nay. Để làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn trên đây, điều hết sức quan trọng là nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và toàn xã hội.

2. Một số giải pháp chủ yếu nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức ở nước ta hiện nay

Thứ nhất, xác lập, bổ sung và hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng cụ thể, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và làm tốt công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân và hình thành dư luận mạnh mẽ trong đấu tranh với các hành vi vô đạo.

Cách mạng là một sự nghiệp lâu dài, được tiến hành qua nhiều giai đoạn với những yêu cầu, nhiệm vụ khác nhau. Theo đó, đạo đức cách mạng về bản chất, mục tiêu là không thay đổi nhưng cách biểu hiện của nó thông qua hành vi ứng xử của con người có những yêu cầu mới. Ngày nay, đất nước đã có độc lập, thống nhất, đang quá độ lên chủ nghĩa xã hội, hành vi thể hiện các chuẩn mực đạo đức có sự thay đổi về chất với yêu cầu ngày càng cao.

Để xác lập, bổ sung và hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức mới đòi hỏi phải căn cứ vào các quy định của pháp luật, các chuẩn mực đạo đức cách mạng chung nhất và yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh... Mặt khác, các chuẩn mực đó còn phải được xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, lứa tuổi của mỗi đối tượng trong các tầng lớp nhân dân, bảo đảm cho mỗi người dễ nhớ, dễ thực hiện. Hơn nữa, trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, các chuẩn mực đạo đức mới còn phải phù hợp với luật pháp quốc tế và các giá trị chung của nhân loại. Việc xác lập các chuẩn mực đạo đức cụ thể sẽ là cơ sở để tuyên truyền, giáo dục, biểu dương, khích lệ hoặc kiểm tra, giám sát và đấu tranh phê phán khi cần. Cùng với việc xác lập và hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cụ thể, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chuẩn mực đó trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Trên cơ sở đó kịp thời nhân rộng các tấm gương đạo đức và tạo dư luận mạnh mẽ đấu tranh với các hành vi coi thường pháp luật, vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội.

Thứ hai, đổi mới nội dung, hình thức giáo dục đạo đức trong hệ thống nhà trường phổ thông. Đây là một khâu quan trọng trong quá trình xây dựng nền đạo đức mới, bảo đảm sự thống nhất nhận thức về đạo đức trong xã hội. Tuy nhiên, cần đổi mới nội dung, hình thức giáo dục theo hướng cụ thể, thiết thực. Biện pháp này đòi hỏi trước hết ngành giáo dục phải có sự đầu tư thích đáng cho môn học giáo dục công dân, nâng cao yêu cầu và vị thế của môn học này trong đánh giá học sinh ở tất cả các cấp học. Mặt khác, các cơ sở giáo dục phải xây dựng được một môi trường sư phạm trong sạch, chuẩn mực, mọi hành vi ứng xử giữa thày với thày và thày với trò phải thực sự mẫu mực để học sinh noi theo. Bên cạnh đó, các giáo viên đảm nhiệm môn giáo dục công dân trong nhà trường phải thật sự tiêu biểu về đạo đức, lối sống và phong cách sư phạm.

Để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức trong nhà trường cần tiến hành đồng bộ các hoạt động như: thiết kế nhiều hình thức khác nhau cho môn giáo dục công dân, nhằm đưa học sinh vào các tình huống cụ thể với những yêu cầu cần xử lý; kết hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau giữa nhà trường với gia đình trong giáo dục, rèn luyện các hành vi đạo đức của học sinh; duy trì nghiêm nề nếp, chế độ, nội quy của nhà trường; biểu dương, khen thưởng kịp thời những tấm gương đạo đức đi đôi với xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm nội quy trường học, nhất là tình trạng bạo lực học đường.

Thứ ba, đề cao vai trò làm gương trong giáo dục đạo đức cách mạng. Việc làm gương trong giáo dục cũng như trong quản lý xã hội luôn có vị trí, vai trò quan trọng. Người xưa đã khẳng định, nếu người trên mà nghiêm minh, ngay thẳng thì dưới không thể không nghiêm. Là người quan tâm nhiều nhất đến thực hành đạo đức cũng như giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Do đó, nói đi đôi với làm, ý thức đạo đức đi đôi với thực hành đạo đức, giao giảng đạo đức đi đối với làm gương về đạo đức là nguyên tắc xây dựng đạo đức mới trong tư tưởng của Người.

Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho công tác giáo dục đạo đức trong thời gian vừa qua được đề cập nhiều nhưng hiệu quả chưa cao là bởi việc làm gương chưa thật tốt. Vì vậy, một trong những vấn đề mấu chốt để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức hiện nay là làm thế nào để mọi người đều ý thức và tự giác trở thành tấm gương trong thực hành đạo đức. Biện pháp này đòi hỏi mọi chủ thể giáo dục đạo đức đều phải trở thành tấm gương với những cấp độ, phạm vi khác nhau phù hợp với đối tượng giáo dục của mình như: trong gia đình; trường học; công sở; cơ quan; đơn vị; công ty, doanh nghiệp…Việc làm gương phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi

Để thực hiện biện pháp này, cần làm tốt công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc làm gương trong giáo dục đạo đức, kịp thời phát hiện, biểu dương những người đứng đầu thực sự gương mẫu. Đồng thời, cần tạo dư luận phê phán và có biện pháp cụ thể với những người đứng đầu các cơ quan đảng, chính quyền có trách nhiệm làm gương nhưng không nêu gương. Việc nêu gương về đạo đức cách mạng cần phải trở thành một tiêu chí trong đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước và tiêu chí này càng quan trọng đối với những đảng viên có chức, có quyền.

Thứ tư, tạo ra môi trường cần thiết cho sự phát triển của đạo đức; tăng cường pháp chế và bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Với tính cách là sản phẩm của tồn tại xã hội, do đó, để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cách mạng hiện nay, trước hết cần tạo ra một hiện thực xã hội như là một mảnh đất tốt để các chuẩn mực đạo đức cách mạng tồn tại và phát triển. Nếu việc tạo ra môi trường là điều kiện cần, thì việc tăng cường pháp chế và bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật là điều kiện đủ để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cách mạng.

Biện pháp này đòi hỏi, Đảng ta phải luôn kiên định và nhất quán với mục tiêu xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, sớm hoàn thiện thể chế nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong các tầng lớp nhân dân; bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, pháp chế xã hội chủ nghĩa là không thể thiếu trong quá trình nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cách mạng./.

1 nhận xét:

  1. những giải pháp Nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức ở nước ta hiện nay để tránh lòng yêu nước bị lợi dụng

    Trả lờiXóa

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...