Trong quá trình thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình" chống Việt Nam, các thế lực thù địch, đối tượng phản động trong và ngoài nước luôn chú ý lợi dụng vấn đề tôn giáo, coi đây là một trong những mũi tiến công chủ đạo nhằm thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam. Do đó, việc nhận diện và đấu tranh với hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo chống Đảng, Nhà nước có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Tính đến
tháng 9/2021, Việt Nam có 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo được công nhận
và cấp đăng ký hoạt động, với gần 26 triệu tín đồ, chiếm khoảng 27% dân số cả
nước. Ngoài ra, còn có khoảng 140 tổ chức tôn giáo chưa được công nhận tư
cách pháp nhân với khoảng 1 triệu tín đồ, đa phần sinh hoạt tại gia
hoặc thuê, mượn địa điểm sinh hoạt tôn giáo, không có cơ sở thờ tự. Thời gian
qua, Đảng, Nhà nước luôn nhất quán chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do
tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, tình hình tôn giáo và công tác tôn giáo tại
Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả hết sức quan trọng, được dư luận trong nước
và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch không chấp nhận thực tế trên và chúng ráo riết tìm mọi cách lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Đặc biệt, những năm gần đây, lợi dụng chính sách đối ngoại và chính sách tôn giáo của ta ngày càng cởi mở hơn, các đối tượng gia tăng lợi dụng vấn đề tôn giáo để tạo sức ép từ bên ngoài, tìm cách gây mất ổn định an ninh chính trị ở bên trong, nhằm tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nổi lên hiện nay là một số hoạt động sau:
Một là,
tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước ta vi phạm quyền tự do tôn
giáo. Lợi dụng tính chất nhạy cảm của tôn giáo và một số
hạn chế, thiếu sót của chính quyền các địa phương trong công tác tôn giáo, thời
gian qua, các thế lực thù địch cùng với bọn phản động trong và ngoài nước đã ra
sức tuyên truyền xuyên tạc về tình hình tôn giáo và chính sách tôn giáo của
Đảng, Nhà nước ta. Các đối tượng cho rằng, hệ thống chính sách pháp luật
về tôn giáo của Việt Nam không tương đồng với luật pháp quốc tế về quyền con
người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo; thậm chí, chúng còn trắng
trợn xuyên tạc việc xây dựng, ban hành quy định pháp luật về tôn giáo là
"thòng lọng" đối với hoạt động của các tôn giáo; xuyên tạc việc xử lý
các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, hành chính, dân sự…
liên quan chức sắc, tín đồ tôn giáo là "đàn áp tôn giáo". Một số cá
nhân, tổ chức bên ngoài nhiều lần đơn phương đưa ra cái gọi là "Báo
cáo", "Phúc trình" thường niên về tình hình tôn giáo quốc tế;
trong đó có nhiều nội dung sai sự thật về tình hình, kết quả công tác tôn giáo
tại Việt Nam, qua đó gây áp lực đòi ta phải thay đổi chính sách pháp luật về
tôn giáo, lấy vấn đề "tự do tôn giáo" làm điều kiện trong đàm phán
hợp tác, đầu tư phát triển tại Việt Nam.
Hai là, lợi
dụng các vấn đề tiêu cực trong xã hội, các vụ việc phức tạp liên quan tôn giáo
để kích động chức sắc, tín đồ gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an
toàn xã hội.
Lợi dụng vấn
đề này, các thế lực thù địch, đối tượng phản động trong và ngoài nước
đã và đang ráo riết triển khai nhiều chiến dịch tuyên truyền nhằm thổi phồng
các tiêu cực trong xã hội, quy chụp mọi tồn tại, hạn chế hiện nay là do sai lầm
trong công tác lãnh đạo của Đảng, yếu kém trong công tác điều hành, quản lý của
Chính phủ; từ đó, chúng móc nối, lôi kéo, kích động chức sắc, tín đồ các tôn
giáo tổ chức các cuộc tập trung đông người tuần hành, biểu tình với danh nghĩa
bảo vệ cuộc sống của người dân, bảo vệ người yếu thế để chống chính quyền; tăng
cường phát triển lực lượng chống đối trong các tôn giáo, tạo thế liên tôn, liên
kết trong - ngoài nhằm âm mưu tiến hành các cuộc tập dượt cho "cách mạng
màu", "cách mạng đường phố" tại Việt Nam.
Ba là, gắn
vấn đề tôn giáo với vấn đề dân tộc để kích động tư tưởng ly khai, tự trị. Lợi dụng một
số vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, văn hóa,
xã hội, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu…, thời gian qua các
thế lực thù địch và bọn phản động lập ra nhiều tổ chức núp bóng dưới danh nghĩa
tôn giáo để tập hợp, lôi kéo đồng bào dân tộc; để từ đó, dùng thần quyền, giáo
lý chi phối họ tham gia các hoạt động chống Đảng, Nhà nước.
Trên cơ sở
nhận diện hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo chống Đảng, Nhà nước nói trên,
thời gian tới để góp phần đấu tranh làm thất bại âm mưu "diễn biến hòa
bình" của các thế lực thù địch, cần tập trung thực hiện tốt một số nội
dung sau:
Một là, tăng cường
công tác tuyền truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh
vực tôn giáo và âm mưu, hoạt động lợi dụng tôn giáo chống Đảng, Nhà nước để cán
bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nâng cao cảnh giác, tuân thủ nghiêm pháp
luật về tín ngưỡng tôn giáo cũng như quy định khác liên quan. Công tác tuyên
truyền cần được tiến hành thường xuyên, liên tục và với nhiều hình thức đa
dạng, đi vào đời sống của người dân.
Hai là, tiếp tục
quan tâm củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh và nâng cao hiệu lực, hiệu
quả công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo. Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát
thực hiện đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về tôn giáo để chủ
động phát hiện những sơ hở, thiếu sót và kịp thời có biện pháp khắc phục. Tổ
chức tốt việc nắm bắt tâm tư, giải quyết những nguyện vọng chính đáng của đồng
bào chức sắc, tín đồ các tôn giáo.
Ba là, đẩy mạnh
phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc, nhất là địa bàn trọng điểm, phức
tạp về tôn giáo. Phải coi đây là một công tác trọng tâm, cơ bản đặt dưới sự
lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng, sự điều hành quản lý của chính
quyền và huy động được các ngành, các cấp cùng tham gia.
Bốn là, thực hiện
tốt công tác tranh thủ chức sắc, người có uy tín trong các tôn giáo nhằm thúc
đẩy xu hướng hoạt động tôn giáo thuần túy, tuân thủ pháp luật và đồng hành cùng
dân tộc. Chú trọng phát huy vai trò của chức sắc, người có uy tín trong tôn
giáo trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại âm mưu, hoạt
động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo chống Đảng, Nhà nước và
góp phần giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh trong tôn giáo.
bài viết rất ý nghĩa
Trả lờiXóa