Biển Đông ngày càng được định vị quan trọng hơn
trong các chính sách đối ngoại của các nước trên thế giới, là tâm điểm tranh
giành quyền lực và tầm ảnh hưởng của các quốc gia trong và ngoài khu vực đặc biệt
là các nước lớn. Hơn hai thập kỷ trôi qua, vùng biển này luôn là “chảo lửa”
trên bàn cờ chính trị của khu vực. Do đó, các thế lực phản động đã triệt để lợi
dụng internet và mạng xã hội để tung ra những thông tin sai sự thật nhằm xuyên
tạc, chống phá vấn đề chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Ngày
8/4/2023, các thế lực thù địch, cơ hội
chính trị đã phát tán trên trang blog Đối thoại bài “Tàu dân quân Trung
Quốc tràn ngập trên Biển Đông”; ngày 9/4/2023, trên trang blog Đối Thoại, đối
tượng Nguyễn Huỳnh tán phát bài “Vì lợi ích chung, Việt Nam luôn muốn bắt tay với
người Mỹ”, thủ đoạn quen thuộc của
các thế lực thù địch là lợi dụng những “điểm nóng” trên biển Đông để bóp méo, bịa
đặt, xuyên tạc quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong cuộc đấu tranh
bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Nội dung xuyên tạc đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước
ta; đưa ra “dự báo” tình hình trên Biên Đông gây hoang mang trong dư luận; kêu
gọi Việt Nam cần phải thay đổi chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế trong thời
gian tới.
Có thể thấy, với cuộc cách
mạng 4.0 hiện nay đã tạo ra những cơ hội cũng như thách thức lớn đối với chúng
ta. Đặc biệt là trong công cuộc đấu tranh phản bác lại các quan điểm sai trái,
thù địch trên không gian mạng. Với mục đích của các thế lực thù địch, phần tử
cơ hội khi lợi dụng internet và mạng xã hội để đưa các thông tin tuyên truyền
sai sự thật, xuyên tạc về tình hình biển Đông là nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo
của Đảng, chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân trong vấn đề bảo vệ
chủ quyền biển, đảo và đường lối đối ngoại của ta. Do đó, các thế lực thù địch
đã lợi dụng những hình ảnh sai sự thật trên Biển Đông để kích động một bộ phận
nhân dân biểu tình, tuần hành gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an
toàn xã hội, từ đó tác động tiêu cực tới nhận thức, tư tưởng, gây tâm lý hoang
mang, hoài nghi, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Mưu đồ sâu xa của các thế lực là thông qua vấn đề biển, đảo để chống phá chế
độ, gây chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, thực hiện “diễn biến hòa
bình”; chia rẽ quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước có liên quan, làm
cho Việt Nam rơi vào tình trạng đối đầu, bị cô lập.
Những diễn biến trên biển
Đông đã trở thành “miếng mồi béo bở” để các thế lực thù địch, phản động, cơ hội
chính trị lợi dụng để xuyên tạc, chống phá sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt
Nam với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo; từ đó chia rẽ mối quan hệ mật thiết
của Đảng với nhân dân; hạ bệ uy tín của Đảng, Nhà nước Việt Nam với cộng đồng
quốc tế. Đó là những âm mưu thâm độc, thủ đoạn tinh vi, vì vậy cần phải có
những cách thức để đấu tranh phản bác có hiệu quả, đặc biệt là trong công tác
tuyên truyền về sự thật những diễn biến trên Biển Đông cũng như những đường
lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt
động của ta trên Biển Đông và đấu tranh trên trường Quốc tế, để nhân dân thấy
và vững tin vào Đảng, Nhà nước ta trong mọi hoạt động không chỉ ở Biên Đông mà
còn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trong thời kỳ đổi mới, đối ngoại luôn thực
hiện nhiệm vụ bao trùm và thường xuyên là giữ vững môi
trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các yếu tố quốc tế thuận lợi cho công cuộc
đổi mới và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế đất nước. Nhiệm vụ này được nhận
thức ngày càng sâu sắc qua các nhiệm kỳ đại hội Đảng. Nghị quyết 13 Bộ
Chính trị khóa VI (năm 1988) khởi đầu quá trình đổi mới tư duy và đường lối đối
ngoại, đề ra nhiệm vụ tranh thủ ủng hộ quốc tế và xu thế quốc tế hóa để phát
triển đất nước. Đến Đại hội XII (năm 2016), Đảng khẳng định rõ nhiệm vụ của đối
ngoại gồm ba thành tố an ninh, phát triển và vị thế đất nước.
Từ chủ trương "thêm bạn, bớt thù",
Đảng đã phát triển thành hệ thống quan điểm, phương châm chỉ đạo xuyên suốt đối ngoại Việt Nam thời kỳ đổi
mới là nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu
nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa; "là bạn, là đối
tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế"; nắm vững
hai mặt đối tác- đối tượng, vừa hợp tác, vừa đấu tranh; kiên định nguyên tắc,
mục tiêu chiến lược, nhưng linh hoạt, khôn khéo về sách lược, "dĩ bất
biến, ứng vạn biến"... Cơ chế thực hiện đối
ngoại là phối hợp chặt
chẽ, nhịp nhàng giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân
dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng và quản lý tập trung của Nhà nước.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác
định: “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc
gia - dân tộc", tức là đặt lợi ích quốc gia- dân tộc lên trước hết và trên
hết; đồng thời, chỉ ra nguyên tắc chung là phải luôn nỗ lực đạt được lợi ích
quốc gia- dân tộc tới mức cao nhất có thể. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-
dân tộc không có nghĩa nước ta theo chủ nghĩa dân tộc vị kỷ. Đại hội XIII nhấn
mạnh thúc đẩy lợi ích quốc gia- dân tộc phải "trên cơ sở các nguyên tắc cơ
bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác,
cùng có lợi", cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến
bộ xã hội trên thế giới.
Thực tế cho thấy, mỗi khi chủ quyền và
quyền chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên Biển Đông bị xâm phạm, lãnh đạo Đảng
và Nhà nước ta luôn thể hiện tinh thần đấu tranh kiên quyết, kiên trì bằng các
biện pháp hòa bình, đó là thông qua các diễn đàn, các cuộc gặp gỡ trong các
lĩnh vực chính trị, ngoại giao... Điều này đã được nêu rõ trong các nghị quyết
của Đảng và được chứng minh qua việc giải quyết vấn đề Biển Đông của Việt Nam,
với tinh thần thượng tôn pháp luật, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ
sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982);
kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; thực hiện đầy đủ và
hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy
tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).
Kể từ khi Việt Nam và
Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ cách đây 28 năm, quan hệ hai nước đã có bước
tiến dài với nhiều thành tựu rất quan trọng, đáp ứng lợi ích của hai nước, đồng
thời đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu
vực và trên thế giới.
Trên tinh thần
"gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương
lai" như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định, hai nước đã
rất nỗ lực thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ phát triển năng
động và ngày càng sâu rộng trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, độc lập, chủ
quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau, bình đẳng, cùng có lợi.
Hợp tác trong các lĩnh vực ngày càng thực chất và hiệu quả.
Về chính trị - ngoại
giao, việc duy trì thường xuyên tiếp xúc và trao đổi đoàn các cấp, trong đó có
cấp cao, đã tăng cường hiểu biết lẫn nhau, phát huy nhiều điểm đồng và củng cố
tin cậy chính trị giữa lãnh đạo, chính giới và nhân dân hai nước.
Các cơ chế đối thoại
song phương trên tất cả các lĩnh vực được tăng cường. Chính quyền, Quốc hội và
hai chính đảng Hoa Kỳ đều ủng hộ thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện với Việt
Nam, ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng và đóng góp tích cực vào
các vấn đề khu vực và quốc tế.
Về kinh tế, thương
mại, đầu tư, đây là động lực rất quan trọng và có nhiều tiềm năng trong quan hệ
Việt Nam-Hoa Kỳ. Nền kinh tế hai nước có tính bổ trợ lẫn nhau và là những đối
tác thương mại hàng đầu của nhau. Bên cạnh đó, hợp tác khoa học - công nghệ, y
tế, nông nghiệp, môi trường, du lịch, giao lưu nhân dân,... còn nhiều tiềm năng
và ngày càng được đẩy mạnh. Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng- an ninh cũng
phát triển tích cực, phù hợp với lợi ích của hai nước.
Những kết quả nói
trên đã minh chứng cho khát vọng hòa bình và mong muốn xây dựng quan hệ hữu
nghị, hợp tác của nhân dân Việt Nam và Hoa Kỳ, là thành quả kết tinh nỗ lực của
lãnh đạo và nhân dân hai nước trong suốt 28 năm qua. Đây là những nền tảng vững
chắc cho quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam- Hoa Kỳ tiếp tục phát triển mạnh mẽ
và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Do đó, cần nhận diện, đấu tranh với
những chiêu trò suy diễn, phê phán đường lối đối ngoại, đường lối bảo vệ độc
lập, chủ quyền của Tổ quốc, đòi hỏi phải “chọn phe” để bảo vệ chủ quyền biển
đảo. Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam
sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ
thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh
thổ của nhau, cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác
cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế.
Chúng ta quán triệt phương châm “dĩ
bất biến, ứng vạn biến” trong giải quyết vấn đề biển, đảo, trong đó chủ quyền
biển, đảo là bất biến, sách lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo thì mềm dẻo, linh
hoạt; chủ động ứng phó với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, sự biến
động phức tạp của tình hình…
Những quan điểm trên chính là căn cứ
chính trị, pháp lý quan trọng để chúng ta cần kiên trì, kiên quyết đấu tranh
phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc vấn đề chủ quyền biển, đảo của Việt
Nam. Mục đích của việc đấu tranh này là làm cho nhân dân Việt Nam hiểu rõ về
lập trường, quan điểm, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta
về vấn đề chủ quyền biển, đảo, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và ASEAN
trên tất cả các lĩnh vực KT-XH…; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo
của Đảng trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay; góp phần làm
cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ về chủ quyền biển, đảo và quan điểm nhất quán của
Việt Nam trên lĩnh vực đối ngoại trên cơ sở đổi mới, mở cửa, chủ động, tích cực
hội nhập sâu rộng.
Việt Nam đối ngoại rất khôn khéo
Trả lờiXóa