Bảo vệ vững
chắc chủ quyền biển, đảo là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Tình
hình an ninh trên biển có tác động lớn đến phát triển kinh tế biển và bảo đảm
quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường hòa bình của đất nước, là yếu tố quan
trọng để đất nước phát triển bền vững. Trong bối cảnh thế giới và khu vực hiện nay đang
trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp đòi hỏi
phải tăng cường sức mạnh quốc gia, xây dựng thế trận
quốc phòng toàn dân trên biển vững mạnh.
Hiện nay, vấn
đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên Biển Đông hiện đang tồn tại
bốn vấn đề lớn chưa được giải quyết triệt để đó là: Chủ quyền trên quần đảo
Hoàng Sa; bảo vệ chủ quyền và giải quyết tranh chấp chủ quyền trên quần đảo
Trường Sa giữa năm nước sáu bên; phân định ranh giới các vùng biển theo Công
ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982; xác định ranh giới ngoài vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa. Có thể thấy rằng, trên bình diện quốc tế, Mỹ là quốc gia lên tiếng nhiều nhất trước
các hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Từ đó nhiều bài viết trên
báo chí nước ngoài và một phần dư luận trong nước cho rằng Mỹ đang giúp Việt
Nam trước các hành động xâm phạm; Việt Nam cần phải xích lại với Mỹ, dựa vào Mỹ
để bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình. Cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều bài viết của
các thế lực thù địch trên các trang mạng xã hội nhằm khơi nguồn, châm ngòi cho
vấn đề này với nhiều luận điệu khác nhau. Ngày 08/4/2023, trên
trang blog Đối Thoại tán phát bài “Tàu dân quân biển Trung Quốc tràn ngập trên
Biển Đông”; ngày 09/4/2023, trên trang blog Đối Thoại, đối tượng Nguyễn Huỳnh
tán phát bài “Vì lợi ích chung, Việt Nam luôn muốn bắt tay với người Mỹ”, nội
dung xuyên tạc đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta; đưa ra “dự báo” tình
hình trên Biển Đông gây hoang mang trong dư luận; kêu gọi Việt Nam cần phải
thay đổi chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế trong thời gian tới.
Trước hết,
chúng ta cần phải hiểu rằng lợi ích của Mỹ và các nước gắn chặt với tự do hàng
hải, tự do hàng không trên biển Đông và con đường vận tải quan trọng hàng đầu
trên thế giới này. Trung Quốc hiện nay đang cố tình khẳng định đường 9
đoạn phi lý, coi 80% diện tích Biển Đông thuộc chủ quyền của Trung Quốc, lấn
sâu vào các vùng nước thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của không chỉ của
Việt Nam mà còn của nhiều nước láng giềng khác, thách thức chủ quyền và an ninh
của các nước trong và ngoài khu vực; đe doạ quyền tự do đi lại của tàu bè và
máy bay của tất cả các nước qua khu vực này. Điều này đã bất chấp Công ước Liên
hợp quốc về biển (UNCLOS 1982) mà Trung Quốc đã tham gia. Điều này không những
đe doạ tự do hàng hải mà còn thể hiện sự áp đặt nước lớn đối với các nước láng
giềng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và
rộng mở mà Mỹ và các nước đồng minh đang triển khai. Đó là lý do vì sao Mỹ
liên tục tỏ thái độ phản đối đối với hành động của Trung Quốc.
Tất nhiên, việc Mỹ lên tiếng
về các hành động khiêu khích của phía Trung Quốc là điều đáng hoan nghênh, thể
hiện sự phản đối của cộng đồng quốc tế đối với các hành động của Trung Quốc và
càng thể hiện tính chính nghĩa, tuân thủ pháp luật quốc tế của Việt Nam. Tuy
nhiên, việc ảo tưởng vào sự giúp đỡ của Mỹ trong công cuộc bảo vệ chủ quyền
biển đảo thì lại là hoàn toàn ảo tưởng, thậm chí không khác gì “đuổi cọp cửa
trước, rước beo cửa sau”. Và lịch sử đã chứng minh điều này. Sau Tuyên bố
Thượng Hải năm 1972, Mỹ - mặc dù là đồng minh của Việt Nam Cộng hòa nhưng đã bỏ
mặc Trung Quốc chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Mặc dù quân đội Mỹ
lúc đó vẫn hiện diện tại miền Nam, Hạm đội 7 vẫn nằm trong khu vực biển Đông,
nhưng hải quân Mỹ đã “bỏ rơi” quân đội Việt Nam Cộng hòa, để quân đội Trung
Quốc yếu hơn nhiều về sức mạnh quân sự, chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa
của Việt Nam sau trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19/2/1974. Theo đó, Trung Quốc
mưu toan dùng “con bài Việt Nam” để ngoi lên địa vị một cường quốc lớn, bình
thường hoá quan hệ Trung – Mỹ và giải quyết vấn đề Đài Loan. Bù lại, phía Mỹ,
chính quyền của Tổng thống Nixon có thể cứu vãn và khôi phục địa vị trên thế
giới đã bị suy yếu nghiêm trọng do hậu quả của cuộc chiến tranh Việt Nam và bắt
đầu thực hiện chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” nhằm rút được quân Mỹ ra
khỏi miền Nam Việt Nam mà vẫn giữ được chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Do vậy,
chính quyền Nixon đã không có bất cứ động thái nào đáp ứng lời cầu cứu của
chính quyền Việt Nam Cộng hòa khi quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm
lược.
Thực tế, từ trước đến
nay, Mỹ chưa bao giờ “ngả” về phía Việt Nam. Hãy để ý, trong tất cả các lần Bộ
Ngoại giao Mỹ phát biểu trước giới truyền thông, hay kể cả trong các tài liệu
nghiên cứu công khai thì Mỹ chưa bao khẳng định chủ quyền Việt Nam trên Biển
Đông. Chưa bao giờ Mỹ có một tuyên bố chính thức khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa
thuộc chủ quyền của Việt Nam. Và phải chú ý rằng, mặc dù Mỹ đưa ra những bằng
chứng, luận điểm để bác bỏ chủ quyền phi pháp của Trung Quốc, nhưng họ cũng bác luôn cả chủ quyền hợp pháp của Việt Nam.
Mỹ nhấn mạnh cụm từ “không
thuộc chủ quyền hợp pháp của bất kỳ quốc gia nào” là bởi vì họ muốn tất cả
các hải đảo chiến lược ở Hoàng Sa, Trường Sa đều trở thành lãnh thổ chung của
quốc tế. Chỉ như thế, Mỹ mới danh chính ngôn thuận mở rộng được sức ảnh hưởng
của mình trên Biển Đông, chiếm giữ các hải đảo một khi có cơ hội mà không cần
tới sự đồng ý của bất kỳ nước nào.
Bảo vệ chủ
quyền biển đảo luôn là sự nghiệp thiêng liêng của chúng ta. Là người Việt Nam, chúng
ta cần phải ý thức được một điều là không nên dựa dẫm vào bất kỳ ai hay bất kỳ
quốc gia nào, nhất là trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Quan
điểm của Đảng và Nhà nước ta thì luôn thể
hiện tính nhất quán và xuyên suốt đó là yêu cầu tuân thủ nghiêm
chỉnh và đầy đủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Kiên
quyết, kiên trì giải quyết tranh chấp trên biển, đảo bằng biện pháp hòa
bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, giải quyết các vấn đề nảy sinh bằng biện
pháp hòa bình, trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Thông qua đàm phán,
thương lượng, kể cả song phương và đa phương; phản đối
mọi hành vi áp đặt và thay đổi hiện trạng, những hành động gây sức ép và cản
trở việc Việt Nam thực hiện quyền thăm dò và khai thác tài nguyên, kể cả
việc hợp tác với các đối tác quốc tế trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục
địa của Việt Nam vì độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Qua đó bảo vệ lợi ích chung là hoà bình, ổn định và phát
triển ở Biển Đông và khu vực, xây dựng và thực hiện chiến lược phát
triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sớm đưa nước ta trở
thành quốc gia trong khu vực mạnh về kinh tế biển, gắn với bảo đảm quốc phòng,
an ninh và hợp tác quốc tế.
bài viết rất thực tế
Trả lờiXóa