Trong
xã hội hiện đại, tin giả không chỉ truyền miệng từ người này sang người kia mà
thông qua các hiệu ứng truyền thông, mạng xã hội, nó lan truyền với tốc độ
chóng mặt. Vì là tin bịa đặt nên được cường điệu, hàm chứa sự ly kỳ, dễ đánh
vào xúc cảm, tâm lý của số đông có tính hiếu kỳ cao. Tin giả như một loại virus
độc hại, nó xâm nhập, gây nhiễu dư luận, thậm chí làm khủng hoảng niềm tin.
Trong điều kiện công nghệ mới, phương thức truyền tin, nhất là mạng xã hội phát
triển sâu rộng thì tin giả càng thêm đất sống. Các thế lực xấu lợi dụng điều
này để xuyên tạc, kích động chống phá hòng gây mất ổn định chính trị, xã hội, tạo
cớ chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Gần đây nhất, vụ việc tán phát clip, thông tin thất thiệt
về cái gọi là “Nữ sinh HUFLIT bị hiếp dâm, nhảy lầu tự tử tại Trường Quân sự
Quân khu 7” đã được các cơ quan chức năng phối hợp làm sáng tỏ. Ngày
14/01/2023, Cơ quan Điều tra hình sự Quân khu 7 đã ra quyết định khởi tố vụ án
hình sự về tội “Đưa tin trái phép thông tin mạng máy tính”, căn cứ theo khoản
1, Điều 288, Bộ luật Hình sự và Điều 36; Điều 143; khoản 1, Điều 153; Điều 154
Bộ luật Tố tụng hình sự. Bước đầu, cơ quan điều tra đã xác định được một số đối
tượng thực hiện hành vi cắt ghép, dàn dựng, tán phát clip, thông tin thất thiệt
và đang khẩn trương củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật. Những đối
tượng vi phạm pháp luật về hành vi nêu trên sẽ bị nghiêm trị trước pháp luật.
Đây là vụ việc có tính chất phức tạp, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự không chỉ của
Trường Đại học HUFLIT, Trường Quân sự Quân khu 7 mà là cả Quân đội Nhân dân Việt
Nam.
Đáng
chú ý, cơ quan chức năng xác định đoạn clip tán phát trên mạng bị lồng ghép âm
thanh, hình ảnh xuyên tạc sự thật, kèm đó là các thông tin phụ hoạ, cho rằng có
việc nạn nhân nhảy lầu tự tử sau khi bị “cả tiểu đội hiếp dâm”! Dù phía Trường
HUFLIT và Trường Quân sự Quân khu 7 đã có thông tin với báo chí song một số cá
nhân vẫn lên mạng xã hội cố tình viết bài hướng lái xuyên tạc sự thật, cho rằng
vụ việc đã bị bưng bít, cổ suý dư luận “không nên tin báo cáo của nhà trường”.
Một số bài viết dẫn ra các lý do để bôi nhọ nhà trường, cố tình lập luận sai lệch
để khiến người đọc tin rằng, có “vụ việc kinh hoàng, đang bị nhà trường bưng
bít”! Té nước theo mưa, nhiều trang mạng hải ngoại đẩy vụ việc lên cao trào, cổ
suý tư tưởng chống Đảng, chống chế độ, cho rằng dưới “chế độ đảng trị” thì
“thông tin bị lấp liếm”, đồng thời rao giảng đạo đức giả, lập những hội nhóm dưới
danh nghĩa “đấu tranh bảo vệ nhân phẩm cho hai nữ sinh bị xâm hại”…
Vấn
đề đặt ra ở đây là, tại sao từ một chuyện nhỏ trong quan hệ ứng xử giữa sinh
viên với nhau, các đối tượng xấu lại tạo cớ xuyên tạc, đẩy vấn đề lên thành một
“sự kiện” gây xôn xao dư luận? Chúng ta cùng nhìn nhận vấn đề dưới hai góc độ.
Thứ nhất: Những thông tin liên quan đến Quân đội thường nhận được sự quan tâm lớn
của công chúng. Quân đội chính là công cụ bạo lực sắc bén, là cánh tay mặt của
Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hình ảnh cao đẹp của anh Bộ đội
Cụ Hồ đã in dấu sâu đậm trong lòng dân, trở thành giá trị văn hóa truyền thống
bền vững nên các thế lực thù địch cũng luôn tìm mọi cách, áp dụng mọi phương thức,
thủ đoạn để bôi nhọ, xuyên tạc, hạ bệ uy tín của Quân đội. Chúng cố tình bóp méo
hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, bôi đen môi trường quân ngũ nhằm phá vỡ kết cấu bền vững
của mối quan hệ đoàn kết quân dân. Thứ hai, việc tung tin giả liên quan đến môi
trường quân ngũ trong bối cảnh hiện nay là hành động đầy thâm ý. Hiện nay, các
địa phương đang chuẩn bị cho ngày hội tòng quân đầu xuân mới. Hàng vạn thanh
niên trên cả nước sẽ lên đường nhập ngũ. Tung đòn tâm lý đánh vào tư tưởng
thanh niên, tình cảm phụ huynh bằng những sản phẩm truyền thông “bẩn” là chiêu
bài rất nguy hiểm. Xuyên tạc những sự việc, câu chuyện, vấn đề liên quan đến phẩm
chất đạo đức, lối sống của cán bộ, chiến sĩ, kỷ luật Quân đội... là chiêu bài
thâm độc, hèn hạ của các đối tượng cực đoan, bất mãn nhằm gieo rắc định kiến,
tâm lý hoài nghi trong đời sống xã hội về môi trường quân ngũ, phá hoại ngày hội
tòng quân 2023, làm hoen ố bản chất Bộ đội Cụ Hồ... Đó chính là những chiêu bài
được các thế lực thù địch áp dụng nhằm hiện thực hóa âm mưu “diễn biến hòa
bình” chống phá Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chính
vì vậy, mỗi người dân khi tham gia mạng xã hội cần là một độc giả thông minh để
tránh mắc phải âm mưu xuyên tạc, lợi dụng lòng hiếu kì của công chúng để kích động,
chống phá của các thế lực thù địch. Để phòng tránh mắc bẫy tin giả cần thực hiện
tốt một số nội dung như sau:
Một
là, kiểm tra, xem xét nguồn tin một cách cẩn thận. Hiện nay, người dân có nhiều
kênh để tiếp nhận thông tin, từ truyền hình, radio, các trang báo giấy, báo mạng,
trang thông tin điện tử, cổng thông tin của các cơ quan nhà nước… Nguồn tin còn
đến từ mạng xã hội, các hội nhóm, các thông tin truyền miệng. Tất nhiên, trong
hàng trăm, hàng ngàn tin tiếp nhận mỗi ngày, có tin chính xác, có tin không
chính xác. Để nhận được những thông tin chính xác, chúng ta cần theo dõi tin tức
từ báo chí, nhất là những tờ báo uy tín, cổng điện tử của cơ quan chức năng.
Hai
là, kiểm chứng nguồn tin. Với mỗi thông tin đăng tải trên báo chí hay trên mạng
xã hội, chúng ta vẫn cần kiểm chứng xem thông tin chính xác không bằng cách đọc
và tìm hiểu nguồn tin đó có được cung cấp bởi người có thẩm quyền, đúng chức
năng, được phép phát ngôn cung cấp thông tin hay không. Những thông tin trong
bài viết có nêu rõ tên người, địa phương, thời gian… không. Với những tin chung
chung, không rõ tên nhân vật, địa danh cụ thể, chúng ta cần kiểm chứng lại. Tin
giả thường không được chú trọng về cấu trúc ngữ pháp, thể thức văn bản, dễ có lỗi
chính tả và ngữ pháp, không thống nhất. Về các luận cứ, luận chứng trong bài viết,
thông thường các tin giả được tạo ra được dựa trên một câu chuyện, tình tiết có
thực nhưng được làm giả ở những nội dung quan trọng nhất. Ngoài ra, cần đọc kỹ
nội dung xem thông tin đó là tin tức thật hay trò đùa của người đăng.
Ba
là, kiểm tra lại thông tin, hình ảnh minh họa. Tin giả không chỉ về chữ viết mà
còn là các hình ảnh. Người dùng mạng xã hội luôn nghĩ, hình ảnh, nhất là video
là minh chứng rõ ràng nhất và tin ngay những thông tin trong hình ảnh đó. Nhưng
thực sự, những hình ảnh có thể bị làm giả, bị cắt ghép, chỉnh sửa theo từng dụng
ý khác nhau của người đăng tải thông tin. Hình ảnh sử dụng trong bài viết đa phần
là ảnh trên mạng hoặc được chỉnh sửa cho phù hợp với nội dung nguồn tin. Cần kiểm
tra xem ảnh có tồn tại trên không gian mạng thông qua tính năng “Search Google
for image”.
Trước
mỗi thông tin, hình ảnh có nội dung xấu lan truyền, cần tỉnh táo, suy nghĩ xem
những tin tức, hình ảnh đó khởi nguồn thế nào, ai phát ra, liệu có đủ khả năng
tin cậy? Nếu những tin tức đó mang đến suy nghĩ tiêu cực, cần phải suy xét thận
trọng, tránh việc ấn like hay chia sẻ, bình luận tạo hiệu ứng lan truyền tin giả,
độc hại. Phải cẩn trọng khi tiếp nhận thông tin trên không gian mạng, nhất là
thông tin được chia sẻ bởi mạng xã hội, chủ thể không rõ nguồn gốc, không xác
thực. Đặc biệt, không chia sẻ nguồn tin phát ra từ trang mạng của những cá nhân,
tổ chức thường xuyên đưa tin có nội dung tiêu cực, sai trái, phỉ báng nhà nước,
cộng đồng./.
Trước mỗi thông tin, hình ảnh có nội dung xấu lan truyền, cần tỉnh táo, suy nghĩ xem những tin tức, hình ảnh đó khởi nguồn thế nào, ai phát ra, liệu có đủ khả năng tin cậy
Trả lờiXóa